headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 28/04/2024 - Ngày 20 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hành xử theo cái nhìn Nhân Quả 

Chân Hiền Tâm  

Con trai tôi ngày còn nhỏ, tánh tình kỹ càng. Vật dụng của nó không bạn bè nào mượn được. Không bù với hai đứa còn lại, tánh tình xuề xòa, ai cần thứ gì liền đưa, ai thiếu thứ gì liền cho.

Con chị thấy vậy thì không bằng lòng:

- Cái thằng bần tiện! Bạn bè thiếu chút thì cho nó mượn đi!

Thằng bé cự:

- Tao cho mượn nó làm hư tùm lum, có thằng còn mượn luôn.

Một lần lên chúc tết ông bà, ông bà lì xì xong, về tôi thấy thằng bé không vui. Là do ông lì xì không đồng đều. Hai đứa kia đều một trăm, riêng thằng bé chỉ có bốn chục. Tôi an ủi con :

- Con là cháu đích tôn, không cho bằng hai đứa kia thì thôi, không lý lại cho ít hơn. Chẳng qua có cái gì lộn trong đó.

Nó vẫn còn hậm hực:

- Nhưng sao không lộn ai lại lộn vô con?

- Tại bình thường con kẹo hơn hai đứa kia, thành tụi nó không bị mà con bị.

Thằng bé không nói gì, nhưng từ đó nó thay đổi hẳn. Tiền ai cho, nó trích ra một nửa bảo tôi cúng dường hoặc giúp người nghèo. Đi làm rồi, dù tiền lương không nhiều, nó vẫn dành một khoảng để bố thí cúng dường. Tiền nào do vận may mang lại nó cũng đưa làm việc phước thiện. Hàng hóa của nó cũng vậy, trong nhà thì khỏi nói, đứa nào muốn lấy gì đó lấy. Người ngoài có thứ mình thấy nên bán, nó vẫn có thể cho.

Thằng bé tin ngay lời tôi nói, vì lời đó đánh trúng vào những gì mà thằng bé đã từng huân tập trong tiềm thức. Nhưng nó có thể thực hành dài lâu như hiện nay là do trong hiện đời, những lúc gặp nguy nan trong vấn đề tiền bạc, nó thấy có sự che chở gỡ rối rõ ràng. Niềm tin được nuôi dưỡng bằng sự thực nghiệm, từ quá khứ cho đến hiện tại nên niềm tin trở thành vững chắc. Đó là cái nhân rất tốt cho những kiếp về sau.

Thằng bé nhà tôi không phải xấu, nhưng do vài cái nhân không tốt trong quá khứ, nên khi mở lòng với người, lại gặp chuyện không hay. Nếu không có duyên tốt bên ngoài hỗ trợ như sinh vào gia đình thiện, gặp ông nội vô tình cho một bài học, lời giải thích của tôi, và nhất là thiện căn có sẵn trong nó v.v… thì cái quả ấy là một nhân xấu, có thể khiến thằng bé phát triển tâm ít kỷ và thù hận. Cũng như tôi, nếu không đến chùa nghe pháp rồi ứng dụng pháp vào đời sống của mình thì chắc cũng không tỉnh để giải thích cho con những thứ cần biết, không chừng còn đổ thêm dầu vào lửa. Chuyện này không phải không xảy ra trong đời sống hiện nay, thậm chí rất nhiều là đằng khác. Gia đình, tập thể v.v… lục đục và trở thành không hay, nhiều khi chỉ vì một sự hiểu lầm nho nhỏ ban đầu. Một lời nói đùa, một hành động vô tình v.v… nhưng do chấp nê và không tin vào nhân quả mà trở thành nghiêm trọng.

Nếu tin vào nhân quả, trước ta phải kiểm nghiệm lại chính mình, vì đó là nhân chính khi có việc gì xảy ra. Mình chỉ thấy lỗi người, vì mình không thấy cái dây nhân duyên nhân quả chi phối trong đó, mà tác nhân chính là mình.  

Phật dạy về nhân quả

Có người nói với tôi: “Nhân quả chỉ là chiêu bài thánh nhân đặt ra để ngăn ngừa cái ác”. Đó là ý nghĩ rất sai lầm. Bởi không có gì ngăn ngừa được cái ác nếu cái ác ấy không bị chính nhân duyên của nó hủy hoại. Thánh nhân chỉ vì lòng từ mà nêu bày và nhắc nhở. Mình, nếu là ngựa khôn thấy bóng roi liền chạy. Còn ngựa ngu, roi xuống lưng rồi vẫn chưa hay. Khôn hay ngu, vì từng nếm roi nhiều hay ít. Đó cũng là một trong các nhân duyên khiến ngựa thành ngu hay khôn. Trong quá khứ đã từng nếm cái đau của roi vọt là sao, nên hiện tại thấy roi liền biết, không đợi roi phải xuống lưng. Cái kinh nghiệm ấy in hình trong tiềm thức như một lời nhắc nhở cho những kiếp về sau.

Trong kinh Phật nói: “Này các Tỉ kheo! Do duyên ‘sinh’ ‘lão tử’ có mặt. Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, bản chất các pháp vẫn là thế, vẫn quyết định tánh ấy, vẫn theo duyên như thế”.

Do duyên ‘sinh’ ‘lão tử’ có mặt, là muốn nói đến mặt nhân duyên nhân quả của vạn pháp. Có Phật hay không thì qui luật ấy vẫn tồn tại chi phối tất cả. Không phải chỉ ở mặt phước thiện trong đời sống con người mà ở tất cả những mặt khác, từ pháp luật cho đến khoa học, giáo dục v.v… Phật và các thánh nhân ra đời đều phải nương qui luật ấy mà hành xử.

Thử kiểm nghiệm xem, có gì ở cuộc đời này không rơi vào nhân quả? Khi ta đau và đến bệnh viện, bác sĩ cho thử máu, chụp hình v.v… để tìm cho ra nguyên nhân của căn bệnh. Khi một tai nạn xảy ra, công an phải tìm cho ra nguyên nhân do đâu có tai nạn... Đều là đi tìm cái nhân cho ra quả đó.

Bạn muốn trồng một cây mai, bạn phải cần giống của nó. Tức muốn có quả, bạn phải có nhân. Những việc như thế cho ta thấy Nhân quả đang chi phối thế giới này : Có một cái nhân, đủ duyên sẽ có quả. Có quả, vì đã có nhân và nhân ấy đã đủ duyên. Không gì qua khỏi nhân quả ở cuộc đời này. Nhưng đó chỉ mới là mặt nhân quả thô. Những thứ đó còn được chi phối bởi vòng nhân quả tế có liên quan đến suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người, thuộc hai phương diện thiện và bất thiện.[1]

Sóng thần xảy đến với Nhật Bản. Sự cố này kéo đến việc nổ nhà máy hạt nhân. Tai họa đang xảy đến với bao người. “Thảm họa thiên nhiên vượt khỏi tính toán của con người, dù ở một đất nước có trình độ phát triển về điện hạt nhân và xã hội đã đạt đến văn minh cao”. Không phải không tiên liệu được sóng thần, nhưng tiêu liệu được thì sao? Có trở tay kịp với những tai họa khi nó xảy đến? Rõ ràng, dù văn minh cỡ nào thì thế giới luôn có một ‘lỗ hỏng ma quái’ mà tri thức con người không bao giờ soi thủng, chỉ biết chấp nhận và chấp nhận như một trò may rủi. Nhưng với cái nhìn của bậc đạo nhân, không có gì thoát khỏi nhân duyên nhân quả. Mọi thứ đều có nhân duyên. Muốn quả không xảy ra, phải trừ cho được cái nhân hoặc những duyên sinh ra quả ấy.

Trong kinh Thập Thiện, Phật nói: “Ông quán các đại Bồ-tát đây, diệu sắc nghiêm tịnh, tất cả đều do tu tập thiện nghiệp phước đức mà sinh. Nay các chúng sinh có trong biển cả, hình sắc thô xấu hoặc lớn hoặc nhỏ, là đều do các loại tượng niệm ở tự tâm làm thành thân ngữ ý và các bất thiện nghiệp rồi theo nghiệp đó mà tự nhận quả báo”. Với cái nhìn đó của đức Phật, ta có thể giải thích ‘lỗ hỏng ma quái’ mà tri thức con người không thể làm chủ. Nó thuộc về mặt phước nghiệp âm đức mà con người đã gây tạo trong quá khứ. Nếu sống thiện và hành thiện, thế giới của ta sẽ an bình. Nếu sống thiện và hành thiện, ta có thể chuyển những đi những nghiệp xấu đã lỡ gây tạo trong quá khứ.  Đó cũng là cái nhân để tương lai thế giới của ta được bình an.

Song sống thế nào mới gọi là sống thiện? Giữ gìn 5 giới v.v… chính là đang sống thiện. Giữ được càng nhiều, quả báo an bình càng lớn.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói: “Tập quán ngã mạn lấn lướt khinh dễ lẫn nhau là cái nhân chiêu cảm ra bôn ba, sóng nổi, sông máu, sông tro…” Ngài Hàm Thị bàn rằng: “Chính cái cao cử tự đắc bèn thành dòng nước đầy tràn cùng khắp”. Cũng nói: “Phóng tâm tạo những điều gian dối cho nên có đất bụi, đồ nhơ nhớp không sạch. Hai tập khí dìm hại lẫn nhau, nên có chìm đắm, nhảy ném, bay rơi, trôi lăn”. Thế giới hiện nay, song thần, tai họa chết chóc nhiều là do những cái nhân như thế.

Trong kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 2, phẩm Đẳng Kiến, có câu chuyện nói về giòng họ Thích của đức Phật, bị tàn sát dưới tay của vua Lưu Ly. Nguyên do là dòng họ này, trong đời quá khứ đã từng sát hại nhiều cá, Trong đó có hai con cá mang tâm trạng phẫn uất: Một, là tiền thân của Lưu Ly, một là tiền thân của Háo Khổ, người cận vệ của vua Lưu Ly. Hai con cá đó đã nói với nhau: “Ta đối với các người đó không lỗi lầm, là vật thuộc thủy tánh không ở đất bằng, nhưng nhân dân này lại đến đây ăn nuốt ta. Từ trước cho đến sau nay, nếu có chút ít phước đức nào, nhất định sẽ báo oán”. Lúc đó, tiền thân của đức Phật là chú bé tám tuổi, tuy không đánh bắt cũng không hại mạng cá, nhưng thấy cá chết đầy trên bờ lại khởi tâm hoan hỉ.

Đến thời vua Lưu Ly, con của vua Ba Tư nặc và một nữ tỳ, có một giảng đường được xây dựng mới, những người họ Thích bàn nhau trang hoàng để thỉnh Như Lai và Tăng chúng vào cúng dường. Lúc đó, Lưu Ly cùng bạn chạy vào giảng đường và ngồi ngay lên tòa sư tử. Những người họ Thích thấy thế tức giận lôi vua Lưu Ly ra cửa, xúm nhau mắng nhiếc: “Là con của nô tì mà dám vào đây ngồi”, nói rồi xô thái tử té xuống đất. Lưu Ly uất hận, nhìn ra phía sau thấy con của một Phạm chí tên là Háo Khổ, mới bảo với Háo Khổ rằng: “Họ Thích hủy nhục ta, sau này nếu ta nối ngôi, ông nên nhắc ta chuyện này”. Háo Khổ, chính là con cá đồng nguyền trả thù với vua Lưu Ly ngày trước. Lời nhắc là cái duyên khơi dạy chủng tử trả thù đang ẩn tiềm trong tạng thức của Háo Khổ, nên khi vua Lưu Ly ở tại ngôi, ngày nào Háo Khổ cũng nhắc vua việc trả thù.

Mỗi lần vua Lưu Ly khởi tâm dấy binh đi tàn sát dòng họ Thích, Phật đều hiện thân ngồi ở vệ đường. Gặp Phật Vua Lưu Ly nguôi tâm quay về. Song về, lại gặp ngay Háo Khổ. Nghe Háo Khổ nói vài câu, lại hưng binh kéo đến thành Ca-tì-la-vệ … Cứ thế mà đến mấy lần.

Mục Kiền Liên thấy vậy mới bạch với Phật:

- Con đủ sức mang vua Lưu Ly cùng bốn bộ binh sang thế giới phương khác.

Phật hỏi:

- Vậy ông có thể mang túc duyên (là duyên đời trước giữa dòng họ thích và vua Lưu Ly) của họ sang thế giới phương khác chăng?

Mục Kiền Liên lắc đầu:

- Bạch đức Thế Tôn, thật là không thể. Nhưng con có thể lấy lồng sắt chụp lên thành Ca-tì-la-vệ để bảo vệ.

Phật lại hỏi:

- Vậy ông có thể mang lồng sắc chụp lên túc duyên của họ chăng?

Mục Kiền Liên thưa không. Thế Tôn bảo:

- Nay ông hãy trở về chỗ ngồi. Túc duyên của họ Thích đã chín mùi, sẽ phải thọ báo.

Sau đó dòng họ Thích bị quân của vua Lưu Ly tàn sát. Đức Phật do đời trước thấy cá phơi thây trên bờ mà hoan hỉ, nên hiện tại bị quả báo ‘đau đầu như đá đè, ví như lấy đầu đội núi Tu-di’. Đó là nhờ công đức tu hành mà chỉ bị như thế. Vua Lưu Ly cùng quân lính, sau trận tàn sát ấy bảy ngày, đã bị nước cuốn trôi mà chết, đọa vào địa ngục, như lời Phật đã huyền ký.

Kể xong túc duyên oan oan tương báo đó, Phật dạy: “Này các Tì kheo, nên giữ gìn tác hành của thân, khẩu và ý. Nên nhớ cung kính thờ sự người phạm hạnh”.

Dòng họ Thích trong kiếp hiện tại, tuy giữ giới không sát sinh dù là một con vật rất nhỏ, nhưng do khởi tâm kiêu mạn, khinh người, lại quá cố chấp vào việc cúng dường, nên đã để xảy ra việc xô sát. Cộng với nghiệp sát đã bị kết thành lời nguyền trong quá khứ, nên không tránh khỏi báo nghiệp trong hiện tại.

Vua Lưu Ly, nếu biết nhân quả, biết những gì khởi lên trong tâm đều là … vọng tưởng không theo, lại biết phân biệt quí kính kẻ giữ giới v.v… mà bỏ qua những xúc chạm nhỏ nhoi, có thể ông sẽ không để cho chủng từ trả thù kiếp xưa phát tán thành hành động. Ông sẽ không bị những quả báo đáng thương như thế. 

Cho nên, trong đời sống đây, cố gắng tỉnh giác với những ý niệm không tốt của mình. Hãy dùng trí tuệ quán sát và vận dụng nhân quả để phá đi những niệm oán hận, trả thù … hầu tránh đi những cái quả không tốt về sau khi đủ duyên.

Tha thứ cho người, chính là giải thoát cho chính mình.  

Quan trọng là nên ‘Cung kính và thờ sự người phạm hạnh’. Đừng bao giờ phỉ báng Phật, Pháp, Tăng cũng như các bậc thánh nhân khác. Đừng coi thường nhân quả. Chúng ta có thể phân tích để thấy những điều không phù hợp với giới luật hay thực tế của một đạo giáo, một con người, để qui hướng hay không qui hướng, nhưng tránh tâm phỉ báng. Bởi phỉ báng mang tính khinh miệt. Lỗi, chính ở chỗ khinh miệt này.

Như các người trong dòng họ Thích không để vua Lưu Ly ngồi vào tòa sư tử, điều đó không lỗi. Lỗi là ở phương cách thực hiện : Nói lời khinh miệt, xô đẩy v.v… tạo sự phẩn uất cho chàng trai. Thân, khẩu, ý nghiệp hiện đời đều lỗi như thế là duyên khiến chủng tử trả thù được huân sâu trong tiềm thức vua Lưu  Ly có cơ bộc phát.    

Pháp giới thuận nghịch khó phân, không thể nghĩ bàn. Khi chưa đủ trí tuệ, nên giữ tâm không rơi vào khinh chê v.v… để khỏi bị tổn đức.                    

 


[1] Nói đủ là thiện, ác và không thiện không ác.

 

[ Quay lại ]