headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 29/04/2024 - Ngày 21 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Trên Đỉnh Lăng Già

Ni sư Như Đức

Lăng Già là ngọn núi ở đâu đó giữa biển. Không có gì đặc biệt nếu Phật không ở đây nói một bộ kinh nổi tiếng khó hiểu. Trên núi Lăng già có một thành phố của quỷ. Thành phố của quỷ không giống thành phố của người, mang tính chất huyền thuật. Nhưng nói mà chi, chúng ta há không đang sống giữa những biến ảo huyền thuật ma quỷ! Cứ thử ngẫm mà xem những hình ảnh người xưa, cảnh cũ một thời, bỗng một sáng thấy như là:

                Em đi đâu về đâu
                Để cho tôi thấy mây sầu giăng giăng.
                Những nhân vật một thời của “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” hay của
                Em từ vô tận lênh đênh
                Về thăm viếng mộng chênh vênh cõi đời.
                                                                    (Bùi Giáng)

Bỗng giống hệt như mình chưa từng gặp. Nói chi hôm nay, ngày mai, những điều mình tưởng như là vĩnh cửu sẽ trơn tuột không để lại dấu vết bên vách núi Lăng Già. Kinh nói: “Không ai có thể bước lên núi này, vì Lăng Già có nghĩa là: Bất khả Vãng, không thể Đến”.

Đặc biệt một điều, các địa danh xưa đều gọi tên thành, như thành Vương-xá, thành Xá-vệ, thành Ca-tỳ-la… không nói đến phố. Thành trì là nơi có vòng đai bảo vệ, có cư dân sinh sống. Thời ấy người ta hẳn ít buôn bán, thương nhân có chào hàng phải mang ra ngã tư đường hoặc đi từng nhà mời mua. Không nặng về thương mại, đời sống ít cạnh tranh giả dối. Cho đến khi lập phố như “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” thì đã thấy màu sắc rộn rịp mua bán. Tự điển Đào

Duy Anh nói: Phố (鋪) là chỗ bán hàng, có bộ kim (金) một bên, ý hẳn nơi ấy kim tiền đóng vai trò quan trọng. Từ thành bước qua phố lúc nào? Ở nước mình phố cổ Hội An từ thế kỷ 16, 17 có lẽ chậm so với kinh tế thế giới. Nhưng thời đại chúng ta, thành luôn luôn đi chung với phố. Những thành cổ như thành cổ Quảng Trị, thành cổ Diên Khánh… chỉ là phế tích. Nói dài dòng chỗ này một chút vì mua bán đổi chác liên hệ đến được mất, hơn thua, giàu nghèo và có phải trong tâm chúng ta luôn có nhiều cửa hàng để cân đo đong đếm, để mua vào bán ra? Chỉ một Trên Đỉnh Lăng Già cặp phải quấy, tốt xấu lo buông cho hết còn chưa xong, thêm những trao đổi đến đi được mất thì nhân ngã mờ mịt, còn chỗ nào thấy Lăng Già. Thế nên

                Hôm qua em đi tỉnh về
                Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.

Đời sống thành phố nhuộm kín tâm hồn, chúng ta hiếm khi đối diện một mình để thấy vầng trăng KHÔNG vằng vặc.

Các nhà giảng kinh phân tích rằng Lăng Già là một tổng hợp giữa Bát Nhã (Không tông) và Duy Thức (Hữu tông). Bước vào cửa gặp 108 câu hỏi của Bồ-tát Đại Huệ là hỏi về những cái Có. Từ hiện tượng núi sông người vật tiên thánh ma quỷ… Thế nào là rừng cây? Thế nào là cỏ rậm? Cho đến các triết thuyết suy tưởng cao tột của các bậc cao nhân ẩn sĩ khổ hạnh thời ấy, chủ trương có một nguyên nhân đầu tiên sanh thành thế giới, chủ trương thế giới này thường còn (Thường kiến) hay thế giới này đoạn diệt (Đoạn kiến) Thế nào là Thường kiến? Và Đoạn kiến chẳng sanh?

Các triết gia Ấn Độ bỏ hết đời mình để tìm cho ra lẽ thực con người và vũ trụ, đưa ra nhiều luận thuyết, biện bác tận cùng như chẻ cọng tóc ra làm 16, có đến 62 trường phái, danh từ kinh gọi là 62 ngoại đạo. Có thể cũng chưa hết vì người ta nói cứ ba người Ấn Độ thì có một triết gia. Mở đầu bằng 108 câu hỏi thì cũng phù hợp với tinh thần ấy thôi.

Từ lãnh vực siêu hình bước qua con đường tu tập Phật giáo, các câu hỏi về đệ tử Phật từ hàng Thanh Văn cho đến Bồ-tát đăng địa, đến quả vị Phật tối thượng được nêu ra. Cẩn thận cho đến hỏi sau khi Phật nhập diệt ai sẽ giữ gìn chánh pháp. Hỏi kỹ như vậy mà vẫn còn bị Phật chê hỏi chưa đủ, cần bổ túc thêm!

Đối với các vấn đề này, vấn đề thắc mắc muôn thuở của một tâm thức nhị nguyên, đức Phật chỉ dùng một chữ PHI để trả lời. Phi hoặc Bất hoặc Vô là từ phủ định của hệ Bát-nhã, dùng trí không mà quán mọi hiện tượng như huyễn mộng, như sóng nắng, như trăng trong nước. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đời Lý cũng nói:

                Có thì có tự mảy may
                Không thì cả thế gian này đều không
                Thử xem bóng nguyệt lòng sông
                Ai hay không có có không là gì.
                Bước đến cửa thứ hai, gặp Duy Thức.

Nếu nói muôn vật KHÔNG, thì trước mắt Trên Đỉnh Lăng Già thấy có người (chủ thể) và vật (đối tượng), có tám thức tâm vương và năm mươi mốt tâm sở, những tâm lý vui buồn sân hỷ, cho đến các tầng lớp tu chứng Duy Thức là có hay không? Ba cõi từ tâm hiện, muôn pháp chỉ là thức. Thức nào chủ động trong quá trình sanh diệt của vạn hữu? Kinh Lăng Già thiết lập một luận giải vi tế về sự chuyển biến của Thức. Từ Như Lai tạng phát khởi, đầu mối do ý thức duyên pháp trần, pháp trần ấy chỉ là bóng ảnh của tạng thức chớp hiện như hình ảnh trên màn bạc. Khi ý thức bị gió lục trần thổi động thì muôn pháp sinh. Sáu căn vừa động bị mây che. Khi ý thức dừng lặng, đệ thất thức không còn chỗ vin để chấp ngã, đệ bát thức trở lại tánh thanh tịnh bản nhiên. Kinh nói:

                Như dòng nước cạn khô
                Sóng mòi chẳng khởi đặng
                Như thế ý thức diệt
                Các thứ thức chẳng sanh.

Quán các pháp tánh không hay thấy rõ Như Lai tạng thanh tịnh bản nhiên, sanh tử Niết-bàn, đến và đi chỉ là vọng khởi, Bát-nhã cùng Duy Thức gặp nhau ở chỗ này.

Nhưng kinh Lăng Già vốn là pháp truyền trao của Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma cho Nhị tổ Huệ Khả. Chỗ vì người của Thiền sư, hầu hết mang dấu ấn của kinh. Ngài Mã Tổ Đạo Nhất nhân tăng hỏi:

- Ly tứ cú tuyệt bách phi, thỉnh Thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Ấn Độ sang.

Sư đáp:

- Hôm nay ta mệt nhọc không trả lời được, hãy đi hỏi Trí Tạng.

Tăng đến hỏi Trí Tạng, Trí Tạng bảo:

- Sao không hỏi Hòa thượng?

Tăng thưa:

- Hòa thượng dạy đến hỏi Thầy.

Trí Tạng bảo:

- Hôm nay tôi đau đầu, hãy đi hỏi sư huynh Hải.

Vị tăng chạy qua chỗ Hoài Hải Bá Trượng, được cho một câu:

- Chỗ ấy tôi không biết.

Nếu ông tăng này sớm đọc Lăng Già, chắc không đến nỗi đi loanh quanh.

Trương Văn Định Công tiền thân là thầy Tri tạng ở Lang Nha, chép kinh Lăng Già chưa xong đã chết, thệ rằng “Đời sau sẽ chép tiếp”. Khi Định Công làm quan ở Trừ Châu đi đến núi Lang Nha, dạo quanh hành lang chùa trọn không muốn đi, đến tạng viện chợt cảm ngộ chỉ hòm kinh trên sườn nhà nói: “Đây là việc tiền thân của tôi”. Ông sai người lấy xuống, xem ra là kinh Lăng Già, chữ viết trong ấy và chữ viết hiện tại giống hệt nhau.

Ông đọc đến:

                    Thế gian lìa sanh diệt
                    Ví như hoa trong không
                    Trí chẳng được có, không
                    Mà khởi tâm đại bi.

    Liền sáng được tánh mình. Ông làm kệ:

                    Một niệm còn sanh diệt
                    Ngàn mối kẹt có không
                    Tên thần vừa buông nhẹ
                    Xuyên thấu châu định bàn.

Thử tưởng chúng ta đến một nơi nào đó, chợt nhìn ra chỗ của mình, việc làm của mình đời trước. Con người hiện tại là ai đây? Ở trong đời này để làm gì? Những buồn vui mộng tưởng rồi có còn không?

Núi Lăng Già rốt cuộc là một câu trả lời cô tịch giữa mọi trò dâu bể. Mọi sở hữu, bám víu, cố chấp, những ngôn ngữ quạnh hiu, lời bàn cãi hý luận đều rớt sạch, trôi tuột không hề dính dáng. Làm gì đây nếu không cười lên ha hả

                    Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
                    Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

(Không Lộ)
 

[ Quay lại ]