headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 12/05/2024 - Ngày 5 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Ẩn Sĩ và Những Cơn Mưa

Ni sư Như Đức 

Thành phố đã vào mưa.

Trời đất trở nên dịu dàng khi có mây có gió. Cây lá bên đường tươi tỉnh, rũ sạch bụi nhớt và khói xe. Không gian như rộng hơn, hoang dã hơn khi nhìn qua những đợt mưa trắng xóa. Mưa tạo nhiều cảm hứng cho thơ văn, cho âm nhạc.

Với các Tỳ-kheo vào thời đức Phật, khi ẩn cư nơi rừng sâu hang động, những cơn mưa là những cơ hội kỳ thú tạo nên Thánh quả. Thầy Tàlaputta, trước khi gặp đức Phật là một kịch sĩ nổi tiếng. Với đoàn hát 500 người, với sự huy hoàng của nghề kịch, thầy luôn luôn sống trong lễ hội, trong những đêm vui từ hoàng cung, thị trấn đến làng mạc. Thầy gặp đức Thế Tôn tại Vương Xá, sau đêm trình diễn, và chợt xuất gia. Chọn cuộc sống ẩn cư, tu tập thiền định, chứng đắc A-la-hán, thầy để lại trong Trưởng Lão Tăng Kệ một số bài nói về cảm hứng của mình:

                Tâm ta sẽ ưa sống
                Trên đỉnh sườn núi cao
                Hay trong rừng núi sâu
                Thấm mát mưa nước mới.

Quả thật, mưa như rửa sạch cấu uế, cuốn trôi những mê lầm khi còn ở trong nhân gian. Thiên nhiên chào đón mưa ra sao?

                Loài chim lông cổ đẹp
                Với mào đẹp, cánh đẹp
                Với lông nhiều màu sắc
                Đón chào tiếng sấm vang.

                ...
                Khi trời đổ mưa xuống
                Trên đám cỏ bón phân
                Và trong rừng nở hoa
                Với đầu hoa như mây.

Ẩn sĩ tu tập trong rừng, tự do như muôn thú, và hướng dẫn tâm mình đến bờ an lạc.

                Như loài thú tự do
                Trong ngôi rừng đẹp đẽ
                Ngươi vào núi xinh đẹp
                Có mây làm vòng hoa
                Tại đấy, không có người
                Trong rừng ngươi sẽ thích
                Nay tâm, chắc chắn vậy
                Ngươi sẽ đến bờ kia.

Thầy Tỳ-kheo Cùlaka trú ẩn dưới một hang cây. Một hôm ngồi nhìn thửa ruộng trong vùng Ma-kiệt-đà, trời chợt khởi lên giông tố. Mây đen kéo ùn ùn, sấm sét vang động, đàn chim công nghe tiếng sấm vui sướng, lên tiếng kê ka, và múa hát quanh mình. Mưa tuôn xối xả, nhiệt độ hạ xuống dễ chịu đối với vị hành giả đang tập thiền, thời tiết thích hợp đã điểm. Thầy Cùlaka tán thán:

                Những chim công kêu hót
                Mào đẹp, lông đuôi xinh
                Với cổ, màu đỏ tươi
                Mỏ đẹp, tiếng hát hay
                Đất này, khéo lát cỏ
                Nước mát, khéo thấm nhuần
                Với khoảng trời khéo che
                Mây mưa khéo bao phủ
                Thân người khéo khỏe mạnh
                Tâm ý tốt, thiền tu
                Lành thay, khéo khởi tâm
                Trong lời khéo Phật dạy.

Với một tâm tư hỷ lạc như thế, thấm tràn lời Phật dạy như đất thấm đầy nước mưa, thầy đạt quả vị A-la-hán.

Chúng ta sống giữa phố thị, lầu cao, cửa kính phủ rèm, nhà nhà liền nhau, người người chen nhau trên từng tấc đường xe đi. Tiện nghi vây bọc, chỉ cần bấm nút là mọi thứ có đủ. Hỏi sẽ như thế nào khi một mình sống trong rừng, mặt đối mặt với thiên nhiên. Bị tước bỏ tất cả các trang bị, trở nên vô cùng yếu ớt và nhỏ bé, nhưng với sức mạnh thiền quán, con người làm chủ được mình. Thầy Tỳ-kheo Sambula - Kaccàna tu tập trong một cái động tên là động Kinh Hoàng Sơn, diễn tả sự định tĩnh của mình khi mưa giông sấm sét phủ quanh. Những loài thú như gấu, sói, trâu, voi đều la hét run sợ trước cơn thịnh nộ của mưa, nhưng thầy đang phát triển thiền quán, không để ý đến tiếng động, không kể gì thân mình, và cơn mưa dông làm dịu khí trời, tâm thầy được tịnh chỉ, thầy chứng quả A-la-hán với sáu thắng trí. Thầy nói kệ:

                Mưa ào ào đổ xuống
                Mưa ầm ầm vang động
                Ta sống chỉ một mình
                Trong hang động Kinh Hoàng
                Dầu ta sống một mình
                Trong hang động Kinh Hoàng
                Ta không hoảng, không sợ
                Không lông tóc dựng ngược.

...

Thầy Usabha, sanh trong gia đình giàu có. Khi xuất gia theo đức Phật, thầy hành trì hạnh Sa-di trong rừng. Vào mùa mưa, mọi loài cây cỏ cho đến lùm bụi, chồi cành đều nở đầy hoa lá. Thầy Usabha quan sát sức sống lan tràn xanh tươi của thảo mộc và thầm nghĩ: "Cây cỏ và lau sậy này đều không có ý thức, tuy vậy với mùa mưa, chúng đã được lớn mạnh. Sao ta lại không làm lớn mạnh các đức tính tốt đẹp, khi đã được thời tiết thuận tiện?" Từ bài học của rừng và mưa, thầy nỗ lực tinh tấn, phát triển chánh trí và chứng quả A-la-hán. Bài kệ này nói lên kinh nghiệm lúc ấy:

                Những cây được vươn cao
                Nhờ mây trời tưới mát
                Với mưa mới thấm nhuần
                Được xanh tươi lớn mạnh
                Đối với Usabha
                Ưa thích sống viễn ly
                Ý thức được rừng núi
                Vị ấy khiến sanh khởi
                Rất nhiều điều tốt đẹp.

Cùng thân căn và giác quan như người thường, cảm thọ của các vị Tỳ-kheo ly dục cũng là cảm thọ như người thường. Một thiền sư nói: "Khi nóng, ông thầy cảm thấy nóng chết được. Khi lạnh, ông thầy cũng lạnh cóng". Chúng ta chưa nghe các Ngài ca tụng những buổi trưa nóng như lửa đốt, nhưng cảm giác mát dịu do một cơn mưa mang lại thì rất được đề cao, nhất là cơn mưa đem đến Thánh quả.
Thầy Vimala, người thành Vương-xá - Do hạnh nguyện đời trước, thầy có một thân thể trong sạch như giọt nước trên lá sen. Khi xuất gia, nhận một đề mục thiền quán, thầy vào tu trong hang núi. Một hôm, trời chuyển giông, mưa rơi xuống, làm nhẹ bớt sức nóng, thầy có thể định tâm sâu và chứng quả A-la-hán. Sung sướng với quả chứng của mình, thầy nói kệ:

                Đất, nước mưa ướt thấm
                Gió thổi mát không gian
                Trên trời, chớp vạch đường
                Tư tưởng ta lắng dịu
                Tâm ta thật định tĩnh.

Thần mưa đôi lúc cũng vị nể, không dám mưa nặng hạt vì ẩn sĩ đang hành thiền ngoài trời. Đó là trường hợp thầy Subhùti. Thầy là cháu gọi ông Cấp Cô Độc bằng bác, xuất gia trong dịp lễ dâng cúng tinh xá Kỳ Hoàn. Sau khi chứng quả A-la-hán, thầy trở thành vị Tỳ-kheo đệ nhất về lòng từ vô lượng. Trong dịp đến thành Vương Xá, vua Tần-bà-sa-la xin cúng dường thầy một cái thất. Sau đó, Vua quên, thầy Subhùti ngồi ngoài trời thiền định. Vì thái độ nghiêm túc ấy, trời không mưa, nạn hạn hán đe dọa quần chúng. Họ tụ tập, than phiền ồn ào trước hoàng cung. Vua Tần-bà-sa-la tìm hiểu nguyên cớ và chợt nhớ lời hứa của mình. Vua cho cất một cái thất lá, và khi thầy vào trong thất, trời mới bắt đầu mưa từ từ. Thầy tuyên bố bài kệ, ngụ ý rằng dù ở ngoài trời hay trong thất kín, tâm thầy không hề bị mưa gió xâm nhập, vậy thì thần mưa chớ e ngại.

                Am thất ta khéo lợp
                An lạc, ngăn chận gió
                Thần mưa, hãy mưa đi
                Mưa như ý ngươi muốn
                Tâm ta khéo định tĩnh
                Giải thoát, sống tinh cần
                Thần mưa, hãy mưa đi.

Mưa là một giao ước của đất trời từ thiên vạn kỷ. Mưa qua những phố thị phù hoa, qua rừng già nhiệt đới, qua cồn cát bụi mù, qua lưng đèo đá dựng. Bậc ẩn sĩ vẫn ngồi kiên định, từ trong mưa nở đóa vô sanh.

[ Quay lại ]