headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 12/05/2024 - Ngày 5 Tháng 4 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Đại sư Hám Sơn dạy Chu Sướng Nhụ

Bản dịch của Ni sư Hạnh Huệ

Chu Tử thỉnh ích về tông chỉ pháp tướng.
Lão nhân nhân đây nêu bài tụng Thức Trí của Lục Tổ:

Đại viên cảnh trí, tánh thanh tịnh
Bình đẳng tánh trí, tâm không bịnh
Diệu quan sát trí, thấy không công
Thành sở tác trí đồng Viên cảnh
Năm, tám, sáu, bảy chuyển quả nhân


Chỉ chuyển tên gọi không tánh thực
Nếu ở chỗ chuyển chẳng lưu tình
Xứ sở đông đúc thường đại định

Tám câu này đã phát ra hết cốt tủy của tâm Phật Tổ, nêu bày căn nguyên tánh tướng. Thường thường bọn đếm của báu, đếm số cát ham nhai cho nhiều mà chẳng nát, xem qua cho là đồ chơi, không chịu ngó kỹ, thật đáng thương xót. Hoặc cho là Lục Tổ không biết chữ, chẳng thông kinh, dựa vào đâu mà nói thế này? Họ đâu biết rằng huệ mạng của Phật Tổ chỉ gồm trong tám chữ này không sót, đó là: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Vì duy tâm nên ba cõi lặng lẽ, trọn không một vật, vì duy thức biến hiện nên vạn pháp rộn ràng. Vì vạn pháp từ duy thức biến hiện nên cầu tự tâm, tự tánh ở đó đâu thể được. Do đó Phật Tổ dạy người, chỉ nói: Ngoài tâm không một mảy may nào có được. Tức là ở Hoàng Mai nửa đêm lộ ra “Xưa nay không một vật”. Tức một lời này, mười phương ba đời chư Phật, Lịch đại Tổ sư chẻ ra chẳng bể, nên y bát dừng lại. Tức hai phái, năm tông đều từ một lời này tuôn ra, đâu từng có phân chia tánh hay tướng.

Tôi xem bài tụng Thức Trí, giải thích sơ lược:

Nếu trong ba cõi duy tâm, thì không có chỗ mở miệng. Do mê, tâm này biến thành thức nên mất tên Chân như, chỉ gọi là thức A-lại-da, cũng gọi là Tàng thức. Thức này là toàn thể chân như biến ra.

Đây là chỗ nói ‘sanh diệt cùng bất sanh diệt hòa hợp mà thành’. Đây là căn bản của chơn vọng, mê ngộ, là gốc của sanh tử, phàm thánh.

Kinh Lăng Già nói: “Biển tàng thức thường trụ, gió cảnh giới làm động, sóng mòi vỗ hang tối, không có lúc đoạn dứt”. Đã nói tàng thức tức A-lại-da mà lại nói thường trụ thì vốn là không động, chỗ động không phải tàng thức mà là gió cảnh giới vậy. Kệ nói: “Cảnh trước nếu không, tâm cũng không”. Thế thì chấp giữ cảnh giới không phải là tàng thức mà là tâm sanh diệt. Tâm sanh diệt này gượng gọi là thức thứ bảy, kỳ thực là sự động niệm của thức thứ tám. Nghĩa là sanh cơ. Nếu cơ này dứt, tiền cảnh (cảnh trước mắt) liền trở thành không, thức thứ sáu dù hay phân biệt cũng không bám vào đâu được. Như năm thức trước vốn không có thể riêng, chỉ là cái dụng ứng duyên của tàng thức, chỉ hay chiếu cảnh chứ không thể phân biệt, nên nói đồng Viên cảnh. Phân biệt năm trần không phải là năm thức mà là ý thức đồng thời, nên ý thức giữ lấy công. Nếu không khởi phân biệt thì thấy không công. Do đây mà quán, tàng thức vốn chân nên nói tánh thanh tịnh, lỗi ở một niệm sanh tâm, đó là tâm bịnh. Có sanh thì có diệt, duy cái sanh diệt này như dòng nước, chẳng phải ngoài nước có dòng riêng, nhưng tánh nước không dừng nên thấy có dòng, có dòng thì không phải nước vực sâu, rõ rồi vậy. Nên Lăng Già có nêu hai loại sanh– trụ– diệt là: tướng sanh– trụï– diệt và lưu chú sanh– trụ– diệt. Hai loại sanh diệt này đều thuộc tàng thức. Sanh diệt không diệt thì bảy thức trước sanh, sanh diệt nếu diệt thì chỉ một tinh chân. Tánh chân như này tự hồi phục lại. Phục lại thì thức chẳng gọi là thức mà gọi là trí, nên nói tâm không bịnh.

Bài tụng của đại sư Lục Tổ căn cứ theo chuyển tám thức thành bốn trí: Đại viên cảnh trí là do tàng thức chuyển, Bình đẳng tánh trí là do thức bảy chuyển, Diệu quan sát trí là do thức thứ sáu chuyển, Thành sở tác trí là do năm thức trước chuyển. Vì vọng thuộc về dụng của tàng thức, nên chân cũng đồng Viên cảnh. Nhưng hai thức sáu và bảy chuyển trong nhân trước, còn các thức năm và tám một thể đến quả mới tròn. Như thế mà quán thì thức vốn không thực, vọng có hai tác dụng, nên nói chỉ chuyển tên gọi mà thôi, đổi tên không đổi thể. Thể này lại chẳng do thiền định, tu hành, chỉ ở chỗ dùng hàng ngày, tất cả phàm thánh đồng thời chuyển, chỉ ở trong chỗ lưu tình hay không lưu tình mà có mê ngộ, phàm thánh sai khác.

Chu Tử có chí ở đây, phải thật lòng hướng vào chỗ chuyển việc làm hàng ngày mà để mắt. Thử đảm đương xem!

 

[ Quay lại ]