headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 30/04/2024 - Ngày 22 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Ân Nghĩa

sentrang3Liên Loan

Nhìn nhữngchiếc thuyền đang lênh đênh trên mặt biển giống như chúng ta đang sống trên thế gian này vậy. Từng đợt sóng nhấp nhô là từng giai đoạn chuyển biến của cuộc đời. Trong mỗi giai đoạn cuộc đờimình đi qua,chắc hẳn ai đó trong chúng ta đã từng có khoảnh khắc bình yên và nhìn lại mình để suy ngẩm, để biết trân trọng và cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những gì mọi người đã đem đến cho mình dù nghịch duyên hay thuận duyên.

 

Tôi lại có duyên theo đạo tràng đến Thiền viện Chơn Không. Khi bắt đầu đến với Phật pháp tôi đã nghe nói Thiền viện Chơn Không là gốc sinh ra dòng Thiền do Hòa Thượng Trúc Lâm sáng lập. Trên những dòng tiểu sử của ngài có hình ảnh một mái tranh đơn sơ với bóng dáng một vị chân nhân đã đơn độc ẩn tu và khơi dậy dòng Thiền Tông Việt Nam, nhưng tôi chưa đủ duyên tận mắt ngắm được nơi đó. Quả nhiên nghe nói và tận mắt chứng kiến rất khác xa. Thiền viện Chơn Không thật đẹp. Đi từng bước, từng bước tôi quán tưởng hình ảnh một túp lều tranh đơn sơ giữa núi đồi hẻo lánh, thú dữ chung quanh mà ngài vì đạo pháp không ngại gian nan khó nhọc, không sợ hiểm nguy đến thân mạng để có được thành quả hiện tại là cả một quá trình tâm quyết của ngài. Đi mỗi bước chân, bước qua mỗi ngõ ngách nơi đó, cảm giác tôi như chùng lại, bởi công đức của ngài quá sâu dày, lòng từ bi của ngài rộng lớn quá, để lại cho đời sau một thành quả huy hoàng. Một dòng suy nghĩ chợt trong tôi. “Công phu tu hành khi chìm khi nổi của mình làm sao đền đáp nổi công đức của người đây”. Khi vào Chánh điện mọi người vào lễ Phật tôi cũng quỳ xuống lễ Phật như bao người, bỗng nhiên nước mắt tôi rơi xuống trong niềm vui. Công đức của ngài đã cho tôi niềm tin để tinh tấn trên con đường tu tập. Tôi cảm nhận và trân trọng biết ơn mọi người mọi thứ, tất cả những gì mình đang có trong cuộc đời này...

 

Cuộc đời tôi lắm nỗi gian truân. Có cũng như không, không cũng như có, từ khi còn nhỏ. Mười tám tuổi lập gia đình. Gia đình ruột thì khá giả nhưng đông con, còn gia đình chồng thì nghèo, nên tôi phải tự lập là chính.

 

Trải nghiệm những gì mình không có tôi đều làm tất cả cho con. Tuổi thơ của con tôi vật chất không bằng những đứa trẻ trang lứa khác, nhưng chúng có trọn vẹn tình thương của người mẹ. Tôi dạy dỗ chúng bằng cả tình thương của mình, công việc đầu tắt mặt tối có thể là không chu đáo lắm về cách dạy dỗ, nhưng chúng cảm nhận được tình thương của mẹ nên chúng rất ngoan và hiếu thuận. Có lần trước khi đi làm tôi chuẩn bị thức ăn, trái lòng mứt gọt vỏ bỏ hột sẵn để vào tủ lạnh và ghi trên bảng căn dặn chúng. Chiều tối đi làm về con trai lớn nói:

 

“Mẹ, hôm nay bạn con đến nhà nó nói: “Mày đổi mẹ mày cho tao đi”. Tôi hỏi:

 

“Sao nó nói như vậy”. Nó trả lời:

 

“Nó nhìn thấy dòng chữ của mẹ ghi trên bảng đó”. Tôi cười.

 

Nhà nghèo nhưng chúng không đua đòi theo các bạn. Tôi cho gì thì mặc cái đó, mua cho gì thì ăn cái nấy không khen không chê. Từ nhỏ tiền cho đi học để ăn quà vặt chúng lại biết để dành mua các thứ vật dụng cần xài cho việc học tập. Ngoài học phí mỗi tháng tôi rất ít tốn các khoản phí khác với chúng.

 

Con trai út tôi nó biết tiết kiệm không bao giờ xài hoang phí và rất ham học, ngoài giờ đến trường hoặc phụ việc buôn bán thì lúc nào cũng học không thấy đi chơi. Thấy con ham học cũng mừng nhưng cũng lo, tôi nói đùa với nó:

 

- “Con ngồi học không biết mệt thì cũng phải biết sợ mòn ghế của mẹ chứ”.

 

Nó cười. Tôi hỏi tiếp:“Nếu như bây giờ mẹ nói là mẹ không đủ sức nuôi con học thì con nghĩ sao?”.

 

Nó nói:

 

- “Con cũng không biết nữa nhưng chắc là con buồn lắm đó, có lẽ con phải kiếm gì làm hoặc đi bán vé số để kiếm tiền đi học, nhưng con biết dù thế nào mẹ cũng lo cho con mà”.

 

Tôi hỏi:

 

“Mẹ không giỏi như người ta, lo cho tụi con đầy đủ con có buồn không ?”

 

Nó nói:

 

“Dạ không.Nếu buồn thì giúp được gì chứ. Mẹ biết không con biết nhà mình nghèo nên con tập thói quen cho mình là: “Không có, thấy bình thường, có thì thấy vui”. Mỗi khi con thấy những gì con thích mà không thể có được, những bạn trang lứa với con gia đình giàu có, cái gì nó muốn đều được thì con đều lấy câu trên để răn nhắc mình. Con luôn ứng dụng câu này trong cuộc sống của mình ngay từ khi còn nhỏ, mãi cho đến bây giờ cũng vậy. Đó là nguyên tắc sống của con”.

 

Đứa lớn thì thoáng hơn một chút nhưng cũng không đứa nào xài hoang phí. Mỗi đứa đều có cách hiếu thuận riêng của mình. Đứa lớn lúc nào cũng vì gia đình. Hồi nó ba tuổi. Tôi hỏi nó: “Trong nhà con thương ai nhất”. Nó trả lời ngay: “Con thương bà nội nhất, thương ba mẹ nhất, thương em nhất”. Từ nhỏ đến lớn nó làm việc gì cũng đều nghĩ đến gia đình trước tiên. Cậu tôi hay nói rằng: “Thằng này nó có hiếu như vậy tương lai nó không khổ đâu”. Phật dạy: “Trăm điều thiện hiếu đứng đầu”. Khi bắt đầu làm ra tiền việc đầu tiên là nó nghĩ ngay đến việc hiếu thuận. Rời quê nội lên Sài Gòn năm chín tuổi. Đến hai mươi bốn tuổi nó mới trở về để sửa sang lại mộ bà nội, lập bia lại đàng hoàng cho bà. Trở vể quê nội khi trưởng thành nó nói:

 

- “Bây giờ về quê con mới cảm nhận được nỗi cực khổ của mẹ. Cũng như mỗi lần đi lắp ráp máy cho nhà máy con nhìn thấy những công nhân làm việc bị quản lý xem thường con nghĩ đến mẹ, con thấy rất xót xa và thương mẹ lắm”.

 

Lần đầu tiên nó đi công tác xa nhà ở tận Hà Nội, ngày đó tôi chưa biết gì là vi tính. Nó bảo em nó chỉ cho mẹ cách đánh máy vi tính để mẹ nói chuyện với anh. Nó hỏi thăm sức khỏe tôi và nói:

 

“Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe nha, mẹ làm vừa sức thôi đừng có ráng nữa, hàng gì có thiếu nếu chưa cần bán lắm thì mẹ đợi con về con sẽ đi lấy hàng cho mẹ, đừng bảo em nó đi lấy sẽ gián đoạn việc học của nó, vả lại thể chất của nó không có khỏe như con, bây giờ có con đi làm rồi cũng sẽ phụ cho mẹ một tay, nếu mẹ ráng quá sức con sợ rằng sao này khi con làm có tiền mẹ sẽ không được hưởng phước”.

 

Nói chuyện với nó mà nước mắt tôi lưng tròng. Khi đi công tác thì thôi những lúc ở nhà nó làm mọi việc rước em nó hết nhất là việc nặng nhọc. Có một lần trước khi đi làm nó nhìn tôi và nói:

 

“Nhìn thấy mẹ tất bật không nghĩ tay con thương mẹ quá mẹ có biết không ?”.

 

Từ khi trưởng thành chúng đều thay phiên nhau lo cho tôi và đã trở thành trụ cột trong gia đình. Ngày đó gia đình tôi không biết gì là Phật pháp. Khi đến với Phật pháp tu học con trai lớn tìm đường cho tôi và từ đó nó cũng bắt đầu biết Phật pháp. Nó lo mọi thứ từ bàn thờ, thỉnh tượng Phật sắp xếp chỗ thờ phượng để tôi có nơi công phu. Muốn đọc sách nó cũng chọn lọc sách để tôi đọc.Tôi phát tâm tu học nó sắm sửa từng bộ đồ lam, từng đôi vớ để tôi lên Đà Lạt tiện trong việc tu tập. Nó hỏi:

 

- “Mẹ cần thứ gì nữa thì nói con đi mua thêm”.

 

Tôi nói đùa với nó:

 

- “Mẹ muốn cái gì có hơi nhiều tiền chút xíu con cũng mua cho mẹ hả?”

 

Nó cười nói:

 

- “Thì mẹ cứ nói đi, mẹ chỉ cần biết một điều hể mẹ muốn là được”.

 

Tôi muốn lên Thiền viện Trúc Lâm tu tập thì nó lại đưa lên rồi đón về.

 

Tôi nói:

 

- “Con ở nhà làm việc đi, con đưa đi đón về như vậy tốn tiền xe lắm”.

 

Nó nói:

 

- “Con đưa mẹ đi tu tập cũng là một công đôi ba việc thôi. Tốn tiền đâu có bao nhiêu mà biết được Phật pháp mẹ thấy không đáng sao. Đưa mẹ lên Thiền viện con học thêm được nhiều điều lắm, mẹ đừng có tiếc tiền”.

 

Mới đây có một lần đi làm về nó nói với tôi:

 

“Mẹ ráng tu đi nha để mai mốt mẹ biết đường mà đi chứ nếu đi lạc không gặp được con sẽ không ai lo cho mẹ đâu”. Tôi hỏi:

 

“Hôm nay con đi làm về thấy điều gì vậy?”

 

Nó nói:

 

“Hôm nay trên đường về lúc xe con dừng đèn đỏ, con thấy một người lam lũ lượm ve chai. Khi bà ngẩng đầu lên con giật cả mình và thấy xót xa, bà rất giống mẹ”.

 

Nó nói xong tôi phát cười. Nó nói tiếp:

 

- “Con nói thật chứ không gạt mẹ đâu. Mẹ cố gắng tu đi!”.

 

Đứa con út nó hiền lắm nhưng chưa biết Phật pháp nên nghe nói tôi đi chùa tu tập nó sợ tôi khổ. Đi công tác ở nước ngoài về biết tôi ăn chay thì nó nói:

 

- “Nước Nhật có nhiều món ăn lạ lắm con tính lần này về nước sẽ làm cho mẹ ăn, ai dè mẹ ăn chay rồi”.

 

Tôi cười và nói:

 

- “Miếng ăn mà con, ngon dở gì cũng được mẹ đâu có thích mấy thứ đó, mẹ ăn chay mẹ thấy vui lắm”.

 

Chúng nó nên người và hiếu thuận như vậy không phải là thành quả của riêng tôi.

 

Năm 1988 sau khi má chồng tôi mất được một năm, nghĩ đến tương lai con mình nên cả gia đình đều lên Sài Gòn sinh sống. Thời đó còn bao cấp không như bây giờ, ở quê lên thành phố không có hộ khẩu thì trẻ sẽ không được đi học. Tôi xin chỗ học cho con khắp nơi nhưng ở đâu cũng bảo là không có hộ khẩu sẽ không nhận. Lúc đó tôi ăn ngủ không yên cũng vì chuyện học hành của chúng. Có tin nói với chồng tôi rằng:“Gia đình thuộc diện chính sách sẽ được nhập hộ khẩu". Tôi mừng quá bảo anh làm đơn lên thẳng Công an thành phố nộp xem sao. Kết quả là hồ sơ trả lại và bị đuổi về quê sinh sống. Nhập học đã hơn hai tuần rồi mà hộ khẩu không có tôi buồn quá. Không tiền không bạc, không thân không thế làm sao đây? Đứng trước cổng Công an thành phố tôi không chịu về. Anh bảo:

 

- “Thôi về đi người ta không cho xin hoài cũng vậy thôi, đó là quy định rồi”.

 

Tôi không chịu về và cầm nguyên bộ hồ sơ vào hỏi lại cho rõ. Có một anh công an xem hồ sơ xong và nói:

 

- “Mỗi tuần có một ngày tiếp dân vào ngày thứ tư, nếu chị có thắc mắc điều gì hãy đến ngày đó hỏi lại”.

 

Tôi cảm ơn lia lịa và về nhà trông chờ đến ngày thứ tư tuần sau.

 

Hôm đó hai vợ chồng chạy xe đạp đến rất sớm. Tôi là người thứ ba vào nộp đơn. Giải quyết theo thứ tự đến lượt tôi. Vừa được mời ngồi xuống ghế thì hai hàng nước mắt chảy ròng không ngăn được.

 

Ông cán bộ Công an cầm hồ sơ xem và hỏi:

 

“Chị xin lên thành phố để làm gì?” Tôi vừa khóc vừa trả lời:

 

“Dạ, con có chồng về quê mà anh là con một. Má chồng con mất rồi, con xin lên thành phố ở gần ba má ruột để sinh sống, nhưng nếu không có hộ khẩu thì hai đứa con của con sẽ không được đi học”.

 

Ông lật hồ sơ xem qua xem lại và nói tiếp:

 

- “Có gia đình rồi còn nương vào ba má để làm gì?”

 

Tôi nói:

 

- “Con cũng biết tự lập chứ đâu có ăn bám vào gia đình, con chỉ muốn nương nhờ về mặt tinh thần mà thôi. Má chồng con mất rồi con thì không biết làm ruộng, chồng con thì làm việc, ở quê chúng con như cây đứng giữa đồng vậy”. Ông hỏi tiếp:

 

“Giấy thôi việc của chồng chị phê rằng anh nhậu nhẹt nên bị sa thải thì lên thành phố làm gì để sống đây?”

 

Tôi nói:

 

“Dạ, anh ấy hiền lắm chỉ có cái tội là hay nhậu thôi, con cũng không biết công việc của ảnh làm sao nữa, nhưng con xin hứa với chú là chú cho chúng con nhập hộ khẩu con của con sẽ được đi học, con sẽ dạy dỗ chúng đàng hoàng sẽ là người có ích cho gia đình và xã hội, sẽ không phụ lòng giúp đỡ của chú. Chúng học rất giỏi nếu như không được đi học chúng sẽ không có tương lai”.

 

Trong phòng tiếp dân có rất đông người tôi vừa khóc vừa nói không biết mắc cỡ. Trước mắt tôi lúc đó chỉ có việc học tụi nó là trên hết, ngay cả người tiếp chuyện với tôi cũng không nhìn rõ mặt ông ra sao nữa. Trong lòng tôi lúc đó thật sự là cầu may xin đại thôi chứ không hy vọng gì hết, không nghĩ là người ta sẽ chấp nhận cho vào hộ khẩu, hơn nữa giấy thôi việc của anh là một trở ngại lớn nhất khi phải nhập khẩu vào thành phố. Lượt đối thoại giữa tôi và ông xong, không biết ông nói gì với người thư ký rồi đi ra ngoài. Cán bộ thư ký quay sang tôi đưa tờ giấy hẹn và mắng nhẹ:

 

“Hở một chút là khóc, hở một chút là khóc rồi. Nè, tuần sau lên sẽ biết kết quả”.

 

Được nhập hộ khẩu hay không thì còn chưa biết, nhưng ông chịu giữ hồ sơ lại để xem xét thìcon tôi có một chút hy vọng.

 

Ngày thứ tư tuần sau anh lên lấy kết quả và được chấp nhận nhập vào thành phố bốn nhân khẩu. Tôi mừng đến nổi rơi nước mắt còn hơn ai cho vàng bạc nhà lầu nữa. Tôi mừng và cảm nhận công ơn của chú công an đó, nhưng không nhớ mặt chú ra sao. Tôi nói với anh về quê lo thủ tục nhập khẩu để cho con được nhập học trước, xong việc rồi thì chở tôi lên công an thành phố vào gặp ông ta để nói tiếng cảm ơn. Anh nói:

 

“Bây giờ hộ khẩu nhập vào thành phố không phải là chuyện dễ, hơn nữa khi giải quyết không phải có một mình ông quyết định cho nhập hay không cho mà còn tùy vào ý kiến của các cấp trên ông nữa. Người ta đã làm đúng trách nhiệm rồi, mình lên đó nếu chẳng may bị hiểu lầm là lo lót thì mọi chuyện sẽ không hay”.

 

Thấy anh nói cũng có lý nên tôi đành phải cảm ơn thầm trong tâm mình mà thôi. Khi thủ tục hoàn tất tụi nhỏ vào lớp đã trể hơn hai tháng.

 

Họ hàng và hàng xóm không ai tin là nhà nước cho nhập một lần bốn nhân khẩu mà không phải mất một phí tổn nào. Anh họ tôi biết chuyện anh không tin và nói:

 

“Thời buổi này hộ khẩu vào thành phố là tốn không biết bao nhiêu tiền, mà em chỉ tốn có vài giọt nước mắt là được nhậpbốn nhân khẩu”.

 

Hồi đó tôi cũng nghĩ là mình gặp may mắn. Nhưng bây giờ mới nhận ra rằng không phải là đơn giản như vậy. Mọi việc đều có nhân quả mà ngay chúng ta cũng không thể nào biết nếu không làm chủ được cái nhân mình gieo. Về mặt tâm linh rất khó giải thích. Tôi có thể nói rằng trên thế gian này tuy rất nhiều người xấu nhưng không phải không có người tốt. Vào đúng thời điểm đó có thể là cái nhân tôi gieo ngày nào bây giờ đã đủ duyên trổ quả mà tôi không biết. Hơn nữa trong quá trình tiếp chuyện với chú công an mỗi lời tôi nói ra bằng cả trực tâm không nhiễm một chút vụ lợi gian dối nào. Bản thân chúng ta đều có tương quan với mọi người mọi vật trên thế giới này, một ý nghĩ lời nói và một hành động nào cũng đều ảnh hưởng khắp không gian vũ trụ dù là nhỏ nhất. Chúng ta đừng nghĩ rằng tâm mình xấu xa thì không ai biết. Cho nên,nếu mình sống bằng trực tâm thì phản ứng ngược lại sẽ tương ưng. Đây là sự mầu nhiệm của tâm linh.

 

Chúng ta thường mau chóng quên những gì mình có được và nhớ hoài tiếc nuối những gì đã mất đi nên người ta thường nói “con cá sẩy là con cá to”. Thực ra nếu chịu khó nhìn lại để quán xét sẽ thấy cuộc đời mình không có gì là như ý mình muốn cả. Nhưng có khi những cái không như ý đó giá trị có thể lớn hơn nhiều so với cái thuận ý đã mất đi.

 

Cuộc đời này được xây dựng bằng những mắc xích nhân duyên, được hình thành bằng những tướng đối đãi: Giàu nghèo, được mất, hơn thua v.v… Nếu có thể nhìn ra được mặt duyên khởi đó của thế gian và biết cách chấp nhận nó thì mình sẽ không chìm trong cái vòng lẩn quẩn đau khổ của sự đối đãi này và sẽ luôn biết ơn những gì đã đến dù thuận hay không thuận với ý mình.

 

Trong cuộc sống, ngoài cha mẹ còn có rất nhiều người nhiều thứ mang đến những lợi ích cho mình. Chúng ta không thể nào sống một mình mà có tất cả. Hạnh phúc, thành tựu sự nghiệp không thể nào đến với mình mà không nương vào mọi người, mọi vật xung quanh. Khi bắt đầu sinh ra mình đã nương nhờ vào không khí của trời đất để hít thở. Chiếc khăn quấn trên người mình cho ấm, chiếc nôi đong đưa để mình có giấc ngủ ngon, từng giọt sữa của mẹ để mình no lòng mỗi khi khát, nỗi lo toan của người cha để cho mình có được bình an, những giọt thuốc chữa lành bệnh cho mình mỗi khi trái gió trở trời..., đều là công góp sức của bao người. Lớn thêm một chút từng giai đoạn phát triển tự nhiên của trẻ. Biết lật, biết trườn, biết bò và chập chững bước đi cũng đều có tiếng reo cười, nâng đỡ của cha mẹ và mọi người chung quanh vui mừng dìu dắt. Bắt đầu đến tuổi vào mẫu giáo lại có thêm sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè. Khi trưởng thành phải lăn lộn vào cuộc sống bên ngoài, chúng ta cũng có rất nhiều sự giúp đỡ khác nhau...Tất cả và tất cả đều nương nhờ, dựa dẫm. Hay nói cách khác là sự vay mượn lẫn nhau trong cuộc sống luân chuyển tuần hoàn theo tự nhiên. Cuộc đời này là một chuỗi tương quan đan xen với nhau vậy đó, mọi người mọi sự vật đều nương nhau mà đứng, nếu không nhờ vào người thì nhờ vào vũ trụ, thiên nhiên của trời đất. Chúng ta không nên nghĩ rằng trên đời này mình giỏi hơn người, mình có thể sống một mình, tự mình có thể đi, tự mình có thể làm, tự mình biết thế nào là hòa nhập... và không cần nhờ đến ai. Đúng vậy, mình có thể giỏi hơn họ mặt này nhưng nên biết mặt khác mình sẽ không bằng họ. Cái tôi rất đáng ghét nếu mình nghĩ như thế và đó cũng là một trong những suy nghĩ sai lầm nhất trong cuộc đời mình. Bởi “không ai nắm tay đến tối và cũng chẳng ai gối đầu đến mai”.

 

Trên đường đạo cũng có rất nhiều người sống thật hay. Họ lập thành một nhóm để tu tập, sách tấn lẫn nhau. Ngoài việc tu tập họ còn giúp quý thầy quý cô trong việc hoằng pháp bằng hết khả năng có thể của mình không ngại khó. Họ giống như người lái đò đưa khách qua sông vậy. Họ không bao giờ ngồi mà luôn nhường chỗ cho người để đứng chèo đưa khách sang sông. Mỗi khi đến lượt đưa đò chú lái đò luôn gọi:“Cô ơi, chị ơi, anh ơi hôm nay có qua sông không?”. Ai chưa bao giờ qua sông thì chú mời vì chú muốn chia sẻ niềm vui với người khác. Ai đã từng qua thì chú cũng mời vì chú sợ người bỏ quên một cơ hội qua sông. Có một lần tôi nói với chú lái đò:

 

- “Chú đưa đò chẳng những không ngại khó mà chổ ngồi của mình lại nhường cho người khác luôn. Công đức này làm sao tôi trả cho hết?”.

 

Chú cười vui vẻ và nói:

 

- “Không sao đâu. Cô qua sông rồi cô cứ làm việc của cô cho tốt có nghĩa là cô đã trả ơn xong rồi”.

 

Tôi cười.

 

Thời gian còn dài, đường tu còn rộng. Tôi không biết được tương lai ra sao nhưng hiện tại quả thật nghĩa cử của họ rất có tâm đạo.

 

Ân nghĩa trong cuộc đời không biết kể bao nhiêu cho hết, đền đáp đến bao giờ mới xong. Người giúp mình bằng cả một tâm từ không quảng ngại cũng không ai mong mình phải nhớ hay phải đền đáp.

 

Chúng ta, khi còn thơ ấu, tâm hồn rất trong sáng và hồn nhiên. Biết ăn, biết ngủ, biết vui đùa, biết tất cả mọi thứ trong một trạng thái tự nhiên không phân biệt và so sánh. Đôi lúc tinh nghịch, nô đùa rồi bị đòn khóc một giây lát rồi cũng quên rất mau. Không biết giận, biết hờn hay oán trách ai. Khi lớn lên thì mọi thứ đều ngược lại. Bấy giờ, tâm phân biệt đã che đi cái trong sáng hồn nhiên vốn có của mình. Bởi bị tâm phân biệt che đậy nên mình đã quên. Quên đi những giai điệu thân thương khi còn bé, quên đi những tấm chân tình đã cho mình mọi thứ. Bởi vì quên nên đã không biết gạn lọc và thấy được thiếu sót của mình để sửa, Những gì quên mình đều cho là tầm thường. Vì quên nên mình cứ chạy theo tham vọng hảo huyền và quay lưng với mọi thứ mình đang có để rồi trân trọng tiếc nuối những gì đã mất đi.

 

Tôi cũng đã từng quên. Vì quên nên phải có khoảnh khắc bình yên và nhìn lại mình để suy ngẩm, để biết trân trọng và cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những gì mọi người đã đem đến cho mình dù nghịch duyên hay thuận duyên. Cuộc đời chúng ta đều có những sợi dây nhân duyên tương tác với nhau. Có thái độ tri ân là mình đã biết trân trọng những gì mình đang có và sẽ giúp tâm mình trải rộng đến với mọi người mọi loài để cùng nhau cộng hưởng, cũng là một cách đền đáp công ơn tiếp nối của bao người. Tôi cảm ơn cuộc đời này, cảm ơn những ân tình đã cho tôi mọi thứ, cảm ơn tất cả và tất cả...

 

Nguyện đem tất cả công đức tu hành này hồi hướng đến tất cả chúng sanh trong khắp mười phương pháp giới,hữu tình và vô tình, kẻ mất người còn, kẻ ân người oán đều được hưởng lợi lạc, tin sâu Tam Bảo và phát tâm bồ đề để ươm mầm hạt giống Phật cho đời này và đời sau.

 

[ Quay lại ]