headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 24/04/2024 - Ngày 16 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Từ sự sám hối của Đề Bà Đạt Đa - Nghĩ về khả tính thành Phật của mỗi người

debadatdaChúc Phú

Do thiện niệm hồi tâm sám hối lúc lìa đời, Devadatta đã tự mở ra cho mình một lý tưởng vươn lên.

Trong lịch sử Phật giáo, một trong những nhân vật có mối quan hệ thâm thiết với Đức Phật không chỉ một đời là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta). Tên tuổi và hành trạng của Devadatta được các truyền thống Phật giáo quan tâm rất mực chi tiết. Vì lẽ, ở ông là sự tập hợp đầy đủ những phẩm chất của một nhân vật phản diện, tiêu biểu cho mọi cái xấu ác gần như tột cùng. Xét trong tương quan nhân quả, với những nhân bất thiện đã gây, thì con đường trở về cõi lành của Devadatta dường như bít lối.

 

Mặc dù vậy, trong kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharma Pundarīka Sūtra), bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập1, Devadatta được chính Đức Phật Thích Ca thọ ký thành Phật trong đời vị lai.

 

Cơ sở nào để một kẻ chìm sâu trong tội lỗi như Devadatta có khả năng bước lên địa vị Phật quả? Ở đây, việc làm sáng tỏ về hành trạng cũng như những chuyển biến quan trọng trong cuộc đời Devadatta, là một trong những cố gắng nhằm trả lời câu hỏi đó.

 

Bước đường nhập đạo và thành tựu tu tập

 

Do niềm tịnh tín Tam bảo nên Devadatta xuất gia. Theo ghi nhận từ Luật tạng, trong chuyến trở về quê hương Kapilavatthu của Đức Phật, đã có nhiều vương tôn cảm mến Phật pháp nên phát tâm xuất gia. Devadatta, vốn là anh em cô cậu với Đức Phật, đã cùng sáu vị vương tôn và một người thợ hớt tóc, gồm: Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimpila, Devadatta và Upāli cùng phát nguyện xuất gia tại Anupiyā, một thị trấn của tiểu quốc Malla2.

 

Với sơ tâm nhập đạo, trong thời gian đầu, Devadatta đã đạt được nhiều thành tựu tu tập đáng khích lệ.  Trong kinh Phật tự thuyết, chính bản thân Đức Phật đã xác tín Devadatta là một trong mười một vị trưởng lão có năng lực và phẩm hạnh ở thời kỳ đầu3. Không những thế, theo ghi nhận của Luật tạng, Tôn giả Sariputta đã từng ca ngợi Devadatta giữa chốn đông người trong thành Rājagaha: Con trai của Godhi có đại thần lực! Con trai của Godhi có đại năng lực!4. Hơn thế nữa, ngài Sariputta đã từng đứng ra bảo vệ cho Devadatta, khi bị Tôn giả Candikāputta giải thích sai lệch về bài thuyết giảng5. Có phẩm hạnh, đức độ, nhiều người mến mộ và một ít năng lực thần thông, là sự thực được ghi nhận về Tôn giả Devadatta trong giai đoạn đầu chuyên tâm và nỗ lực tu tập.

 

Vết trượt dài và chìm sâu trong tội tỗi

 

Trong một niệm vô minh chợt khởi, Devadatta mong muốn vươn lên ngôi vị lãnh đạo chúng Tăng và ông ta đã mạnh dạn cầu thỉnh Đức Phật về điều đó không chỉ một lần6. Đức Phật đã thẳng thắn từ chối đề nghị đó làm cho Devadatta bẽ bàng giữa hội chúng đông đảo. Sau đó, để tạo đột phá riêng, nhằm thu hút những kẻ hiếu kỳ, Devadatta tiếp tục cầu thỉnh Đức Phật về năm sự việc và tiếp tục bị từ chối7. Đây là cơ sở bước đầu để ông ta chia rẽ hội chúng Tỳ-kheo. Sự oán hận của Devadatta đối với Đức Phật tăng dần, đó là khi hai Tôn giả Sariputta và Moggalānna quy hướng năm trăm đệ tử của Devadatta hồi đầu và trở về với Đức Phật. Ông ta tức giận đến mức hộc máu nóng từ miệng8. Đỉnh điểm của lòng oán hận sau hàng loạt những thỉnh cầu và đề nghị không thành, Devadatta đi đến quyết định sai lầm nghiêm trọng: mưu hại Đức Phật.

 

Đầu tiên, ông ta thuê sát thủ hành thích Đức Phật. Độc ác hơn, Devadatta còn tính đến việc thủ tiêu luôn những kẻ hành thích này9. Mưu mô bị bại lộ, khi những kẻ hành thích được Đức Phật giáo hóa, làm cho Devadatta càng lồng lộn toan tính bước tiếp theo. Trong lần này, Davadatta không tin dùng người nữa, mà mượn sức mạnh của một con voi dữ tợn tên là Nālāgiri10. Để tăng cường mức độ cuồng bạo của mãnh thú, Devadatta đã cho người chuốc rượu cho voi nhằm dễ dàng thực hiện dã tâm. Mặc dù được mệnh danh là con voi hung dữ nhất kinh thành Rājagaha và trong tình trạng bấn loạn tâm thần do say rượu, nhưng khi đối diện với tôn dung và từ tâm của Đức Phật ban rải, Nālāgiri đã tỉnh rượu và quỳ xuống trước Thế Tôn.

 

Thuê người hành thích không thành và dụ voi say giết Phật cũng không xong, Devadatta đi đến quyết định cuối cùng: tự mình mưu hại Đức Phật. Một lần nọ, khi Đức Phật kinh hành dưới hẻm núi Gijjhakūta, Devadatta đã phục sẵn thời cơ và xô một tảng đá to để hãm hại Ngài11. Tảng đá rầm rầm lăn xuống nhưng vô tình mắc kẹt vào một mỏm đá, và chỉ có một viên đá nhỏ rơi xuống chân Đức Phật mà thôi. Vết thương tuy đau nhức nhưng Đức Phật không hề dao động và sau đó được y sĩ Jivaka chữa lành12. Trong 547 truyện Tiền thân Đức Phật, thì sự kiện Devadatta ba lần mưu hại Đức Phật đã được 21 câu chuyện ghi lại rất mực chi tiết13.

 

Có thể nói, phát xuất từ lòng tham cầu về danh vọng, địa vị, sự tôn trọng, lợi dưỡng… đã đưa Devadatta từ sai lầm này đến sai lầm khác. Với tất cả những tội lỗi đã gây tạo, địa ngục Vô gián (Avīci-naraka) sẽ mãi mãi là chốn dung thân của Devadatta, nếu như ông không có những phút giây tỉnh ngộ lúc cuối đời.

 

Phút giây tỉnh ngộ

 

Sau hàng loạt những lỗi lầm mang tính hệ thống, Devadatta bị mọi người khinh bỉ, chửi rủa, bỏ rơi, sống trong lo âu triền miên và bệnh tật đau đớn. Ý thức được rằng, mạng căn đã hết, phút giây thọ tử đã gần kề, Devadatta khởi tâm muốn quay về sám hối với Đức Phật.

 

Đây là một sự kiện quan trọng, được kinh Tăng nhất a hàm, phẩm Phóng ngưu, kinh số 9 và kinh Tiểu bộ, Chuyện thương nhân trên biển cả ghi lại14. Sự kiện này đã mở ra một con đường sáng, dù trong muộn màng, đối với Devadatta.

 

Cả hai bản kinh thuộc hệ Nikaya và hệ A-hàm vừa dẫn ở trên cùng thừa nhận một số nội dung giống nhau. Trước hết, Devadatta khởi lên tâm ăn năn với Đức Phật do những tội lỗi đã gây tạo. Thứ hai, ông ta muốn trở về sám hối với Đức Phật nhưng không đi nổi nên đành nhờ người cáng đi. Thứ ba, khi về đến Kỳ Viên tinh xá, dẫu sức lực cùng kiệt, nhưng Devadatta muốn tự mình xuống cáng để sám hối với Đức Phật. Thứ tư, niệm cuối trong đời sống của ông ta là niệm Phật. Thứ năm, sau khi chết, Devadatta rơi ngay vào địa ngục Vô gián (Avīci-naraka).

 

Riêng các bản chú giải thuộc văn hệ Nikaya thì cho rằng, sau hàng vạn đại kiếp thọ khổ trong địa ngục, Devadatta sẽ trở thành một vị Phật độc giác, hiệu là Atthissara15. Đặc biệt, bản kinh Tăng nhất A-hàm đã mở rộng một số chi tiết. Đó là sau khi trải qua hết đại kiếp trong địa ngục A-tỳ, Devadatta sanh về cõi trời Tứ thiên vương và lần lượt trải qua các cõi trời như Tam thập tam, trời Diệm thiên, trời Đâu-suất, trời Hóa tự tại, trời Tha hóa tự tại. Sau 60 kiếp, kiếp cuối cùng, Devadatta sẽ thành một vị Bích chi Phật hiệu là Nam Mô.

 

Theo sự khẳng định của Đức Phật trong kinh Tăng nhất A-hàm, thì cơ sở để Devadatta thành Phật là do Đề-bà-đạt-đâu (đa - nv) vào giây phút cuối cùng trước khi mạng chung đã khởi tâm vui vẻ xưng ‘Nam-mô Phật’, cho nên sau này thành Bích chi Phật hiệu là Nam Mô.”16

 

Như vậy, mặc dù tạo trọng tội dường như không thể rửa sạch, thế nhưng do thiện niệm hồi tâm sám hối và quy hướng Tam bảo lúc lìa đời, Devadatta đã tự mở ra cho mình một con đường sống, một lý tưởng vươn lên. Từ câu chuyện kết thúc có hậu của Devadatta, đã mở ra một hướng đi rất mực nhân văn theo quan điểm của Phật giáo.

 

Từ sự kiện Devadatta, nghĩ về tính thống nhất trong kinh điển Phật giáo

 

Theo kinh Tăng chi, một kẻ cùng cực hung ác, phạm vào năm tội trọng thì không thể chữa trị17. Cũng vậy, trường hợp của Devadatta nếu căn cứ vào kinh điển, thì mãi mãi phải thọ khổ báo nơi địa ngục. Theo người viết, quan điểm đó hoàn toàn đúng nếu như không có chi tiết hồi đầu sám hối vào lúc cuối đời của Devadatta. Vì lẽ, sự kiện sám hối của Devadatta không những mở ra con đường phong quang cho bản thân ông ta, mà còn chứng minh sự gặp gỡ của cả hai hệ tư tưởng Bắc truyền và Nam truyền. Hơn thế nữa, sự kiện sám hối của Devadatta cũng tương tự như câu chuyện buông đao chứng Thánh của Angulimala18. Chuyện chỉ khác biệt về mức độ tội ác, sự hồi đầu kịp thời và sự thọ nhận quả báo trong đời hiện tại19.

 

Đáng chú ý nhất, đó là khi nối kết các dữ kiện về câu chuyện của Devadatta qua ba bản kinh như kinh Tiểu bộ, kinh Tăng nhất A-hàm và kinh Pháp hoa, thì ta nhận ra tính hợp lý, bổ chính cho nhau mang tính bất khả phân ly, giữa các hệ thống kinh điển Phật giáo.

 

Ở đây, nếu như kinh Tiểu bộ chỉ dừng lại ở sự sám hối của Devadatta, thì các bộ luận giải liên quan đến kinh điển Nikaya xác tín, ở đời vị lai, Devadatta sẽ thành Phật Độc giác hiệu là Atthisara. Không những thế, kinh Tăng nhất A-hàm tiến lên một bước, khi khẳng định rằng, sau khi sám hối và trả hết nghiệp cũ, Devadatta sẽ thành một vị Bích chi Phật, hiệu là Nam Mô. Với kinh Pháp hoa, mặc dù không ghi lại sự kiện sám hối trước đó, nhưng kinh văn đã khẳng định Devadatta được Đức Phật Thích Ca thọ ký sẽ thành Phật ở đời vị lai với danh hiệu là Thiên Vương Như Lai (Devarāja).

 

Cả ba bản kinh cùng đề cập đến một sự kiện và có nội dung gần giống nhau, phải chăng giữa ba bản kinh đó có liên quan đến một nguyên bản, mà đến nay chúng ta vẫn chưa phát hiện ra? Vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày trong một chuyên khảo khác.

 

Có thể nói, từ những thông tin về Devadatta được thể hiện rải rác qua kinh điển Nikaya, đến hệ thống A-hàm và cho đến kinh Pháp hoa, đã chỉ ra một giải pháp đậm chất nhân văn trong những lời dạy của Đức Phật. Đó là sự thừa nhận khả tính thành Phật trong mỗi con người, và điều kiện căn bản để thực hiện là căn cứ vào mức độ ăn năn, hối cải của mỗi người.

 

 - TNguồn giacngo.vn -

 

[ Quay lại ]