headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 04/05/2024 - Ngày 26 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Thực Tập Chỉ Quán

... Nên biết vọng tưởng là thứ gây rối nhất, làm mất sự an định của chúng ta. Cho nên đối với vọng tưởng phải kiên quyết trừ bỏ. Có rất nhiều cách đối trị vọng tưởng, trong phạm vi bài học này thì dùng “chỉ” và “quán”...

Chúng ta là đệ tử của đức Thế Tôn, có bổn phận nối tiếp theo dấu chân Phật hoằng pháp lợi sinh, giúp mọi người ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống để họ hết khổ được vui. Đó là nhiệm vụ của hàng tăng sĩ chúng ta.

Bởi là người xuất gia, thừa hành chỉ giáo của đức Thế Tôn, chúng ta phải làm sao cho xứng đáng. Có vị học rất giỏi, kiến thức nhiều, am tường triết Đông triết Tây, nhưng trên việc bổn phận thì không có chút kinh nghiệm nào. Thật ra sự tu tập rất cam go, nhiều đắng cay, chứ không phải dễ dàng. Người không quyết tâm không thể thành tựu nổi việc này. Nếu hữu duyên chúng ta được gần gũi các bậc tôn túc học hỏi thì quá tốt, nhưng trong trường hợp không đủ duyên gần gũi các ngài thì mình phải tự đảm đương lấy, cố gắng khắc tiến, chứ không còn cách nào hơn.

Trong sự chỉ giáo, các bậc tôn đức không tiếc sử dụng tất cả những phương tiện, thủ thuật để chúng ta nhận ra chỗ thiết yếu, mà vào được cửa. Như pháp tu “chỉ” và “quán” là một cẩm nang giúp hành giả phát minh ra việc đại sự của mình. “Chỉ” là dừng lại, “Quán” là chiếu soi. Tuỳ hoàn cảnh, tùy căn cơ, mỗi vị có thể sử dụng pháp chỉ hoặc quán. Người thường loạn động sử dụng tu “chỉ” để tâm an định trở lại. Người trì trệ, thụ động, dễ hôn trầm, sử dụng tu “quán” để mở mang trí tuệ, tỉnh táo sáng suốt hơn. Tuy nhiên hai pháp này có thể hoán chuyển qua lại trong khi tu, miễn sao hành giả sáng tỏ, định tỉnh là được. Có khi sử dụng pháp “chỉ” thấy không yên, không có kết quả ta phải dùng quán để đả thông. Phẫu thuật nhìn tận tim gan tuỷ não của vấn đề, để thấy sự thực của nó ra sao. Hoặc khi tu “quán” bị loạn động quá, ta đổi sang “chỉ” để định tâm trở lại.

Phương tiện thường không phải là một phương pháp cố định, mà nó luôn được thiện tri thức thay đổi để thích hợp và tiện lợi với người đối cơ. Ví dụ từ đạo tràng này ra thị trấn huyện Long Thành khoảng năm cây số. Người không có phương tiện, họ đi bộ trong vòng một tiếng đồng hồ sẽ tới chợ thị trấn. Người có phương tiện trung bình như xe đạp, có thể đi trong vòng nửa tiếng. Người có phương tiện cao cấp hơn như xe máy, chạy ra thị trấn chỉ trong vòng mười lăm phút thôi. Đặc biệt hơn nữa, nếu dùng xe bốn bánh đời mới chạy thật nhanh, thì chỉ tốn năm ba phút là tới chợ thị trấn. Mục đích của chúng ta là tới thị trấn, nhưng phương tiện tốt sẽ giúp ta tới nhanh chóng hơn.

Điều này giống như trong kinh Kim Cương Phật nói, mượn chiếc bè để đưa mình qua sông. Nhưng khi đã qua sông rồi mà chúng ta còn mang chiếc bè theo thì thật là nực cười. Vì vậy tất cả những gì chúng ta sử dụng trong khi tu đều là phương tiện. Để đạt được mục đích rốt ráo, ta phải dùng phương tiện. Nhưng khi đã đến rồi thì tất cả phương tiện bỏ lại hết. Như người qua sông rồi không thể nói chiếc bè đẹp quá, tôi vác nó lên phố. Như thế người ta sẽ chê cười.

Người tu cũng vậy, không phải dùng phương tiện để khoe khoang, mà tất cả tập trung cho việc tu học đến nơi đến chốn. Chúng ta có hoằng pháp lợi sinh thì cũng vì việc tu học, có làm lợi ích chúng sinh cũng vì việc tu học của mình. Các hàng Bồ-tát phát nguyện đi vào mọi ngõ ngách để hoằng pháp lợi sinh, làm lợi ích khắp chúng hữu tình, tất cả mọi việc dù lớn dù nhỏ gì, các ngài làm xong luôn hồi hướng cho tất cả chúng sinh đều thành Phật đạo, không có chỗ nhắm khác. Chúng ta tu cũng phải như vậy.

Trở lại phương tiện tu “chỉ” và “quán”. Chỉ cái gì? Chỉ là ngừng dứt, chận đứng, không cho phát triển nữa. Những vọng tưởng điên đảo, cù cặn tăm tối, làm trở ngại sự tu của chúng ta, dừng dứt hết. Như đang ngồi yên, bỗng những ý tưởng về Phật pháp khởi lên, những điều mà hồi trước mình bí, bây giờ tự nhiên lóe sáng. Thấy hay quá, mình vọng tưởng theo nó. Đối với người tu chỉ, phải dừng hết mọi niệm tưởng lăng xăng điên đảo, dù là niệm Phật pháp.

Nếu ứng dụng “chỉ” mà dừng không được vọng tưởng, thì phải dùng tới “quán”. Quán là phân tích, soi rọi, phẫu thuật. Cái đó như thế nào, tồn tại hay không tồn tại, thật hay giả? Phân tích một hồi chúng ta thấy nó không thật, là pháp duyên sinh, không thể tồn tại lâu dài được. Do vậy chúng ta không đắm trước, không chạy theo, không lầm nhận nó nữa. Khi phân tích như vậy rồi, nhất định sẽ dừng được vọng tưởng lăng xăng ngược xuôi về những thứ đó. Nó làm khổ mình rất nhiều trong quá trình tu tập, thì phải dứt bỏ, chớ đeo mang làm gì.

Người sức tỉnh giác yếu, dễ bị mắc mứu, chạy theo vọng tưởng, nên mất mình. Từ một buổi, rồi một ngày, đôi ba ngày, một tháng, một năm, năm mười năm, cho tới cả một đời nó vây phủ tối tăm, khiến ta không thoát ra được. Do vậy thời gian tu hành thì nhiều, nhưng kết quả chẳng bao nhiêu. Nên biết vọng tưởng là thứ gây rối nhất, làm mất sự an định của chúng ta. Cho nên đối với vọng tưởng phải kiên quyết trừ bỏ. Có rất nhiều cách đối trị vọng tưởng, trong phạm vi bài học này thì dùng “chỉ” và “quán”.

Như lâu nay người ta cho rằng bàn tay như thế là đẹp, mình cũng vậy, khó thoát ra khỏi những định kiến ấy. Chỉ có quán chiếu theo lời Phật dạy mới có thể trị được. Quán như thế nào? Chúng ta thử phẫu thuật một bàn tay đẹp xem sao, ta cho lớp da bên ngoài đi riêng, mớ xương xẩu nằm riêng, ba cọng gân ở một chỗ, máu mũ về một phía v.v… Bấy giờ kiểm lại từng phần, xem bàn tay ấy đẹp cỡ nào. Mớ da thịt nhầy nhụa đẹp hay máu mủ đẹp, gân xương đẹp không, không thể tìm được cái đẹp qua đống da đã lột đó. Nó là một mớ những thứ bất tịnh, rất đáng ghê sợ. Phân tích một hồi không tìm được cái đẹp, nên không còn say đắm vào bàn tay ấy nữa. Như thế là nhờ pháp quán mà chúng ta tỉnh giác, không còn mê lầm chạy theo những thứ hư huyễn bên ngoài.

Muôn pháp giữa đây là do duyên hợp. Duyên còn thì nó tồn tại trong một quãng thời gian nào đó gọi là sống, là đẹp. Nếu chặt riêng ra, chẳng những không còn thấy đẹp mà mình phải bó nó lại, chôn cất cho nhanh, chứ không nó sẽ hôi thối. Như vậy có gì đáng để ta say đắm? Từ bàn tay chúng ta tiếp tục dùng trí tuệ quán chiếu những thân phần còn lại, sẽ không tìm ra được đâu là cái đẹp. Từ trên đỉnh đầu xuống tới chân, tất cả những bộ phận trên thân thể này, nếu thiếu duyên hợp, nó tan ra hoặc bị cắt xén từng phần từng mảnh, chúng ta không tìm ra cái gọi là đầu mắt tay chân mà chỉ là một mớ da thịt gân xương máu mủ v.v… Tất cả những thứ đó không thể làm cho ta mê say, đắm trước, chạy theo. Trên bước đường tu hành, nhiều vị cảm thấy yếu đuối trước ngoại duyên, nhất là sắc dục thì phải sử dụng tới pháp quán chiếu.

Thời đức Thế Tôn còn tại thế, rất nhiều vị Tỳ-kheo ngộ đạo từ phương pháp sử dụng trí tuệ để quán chiếu thực tướng các pháp. Các ngài thấy được lẽ thực nên giác ngộ. Thấy được lẽ thực tức là kiến đế. Chữ “đế” là gì? Là chân lý. Thấy được lẽ thực là thấy chân lý. Do thấy được lẽ thực chúng ta mới buông những lầm chấp từ lâu nay đối với các pháp. Vì vậy Phật còn dạy các thầy Tỳ-kheo pháp Tứ Như Ý Túc, tức là pháp tu gồm có bốn phần: Dục, Tinh tấn, Niệm, Tuệ.

1. Dục

Người tu hành từ bỏ ngũ dục thế gian. Ly dục mới được thanh tịnh, an lạc, giải thoát. Nhưng lại nuôi lớn lòng khao khát thành tựu thánh quả, vì vậy phải có sự quyết tâm mong muốn đạt được kết quả viên mãn trên con đường tu hành. Dục ở đây là ý chí, ước nguyện muốn ra khỏi thế gian. Người không có ý chí thì việc làm không đến nơi đến chốn, không làm được việc lớn lao. Người thiếu ý chí sẽ yếu đuối, không biết lối đi hoặc có đi cũng quờ quạng không tới đâu hết, nửa đường bỏ cuộc. Thành thử người tu phải có đầy đủ ý chí, hiên ngang dũng mãnh, luôn luôn phát nguyện thành tựu Phật đạo. Trong suốt cả cuộc đời, làm tất cả việc chỉ vì Phật đạo thôi. Đó là nói về dục.

2. Tinh tấn

Kế nữa là phương tiện hành trì để thành tựu những ước nguyện của chúng ta. Nếu ước nguyện rồi chỉ ngồi đọc suông ước nguyện ấy thì không bao giờ thành tựu được. Như bây giờ tôi muốn thành Phật, cả ngày ngồi nói hoài như vậy, không hành trì pháp môn nào, cũng không có chút tỉnh lực, thì bao giờ được thành Phật? Chuyện ấy không bao giờ có. Người muốn thành tựu Phật đạo phải trải qua con đường siêng năng tinh tấn dài lâu mới được. Người ấy phải có giới đức trang nghiêm, tu hành tinh tấn, phát nguyện dũng mãnh. Thực hiện cho được chí nguyện cao cả ấy phải trải qua bao gian nan khó khổ, chớ đâu phải ngồi đó mà nói. Không chịu áp dụng lời Phật dạy, chuyển đổi những nghiệp tập tăm tối, những cố chấp, phiền não, vọng tưởng lăng xăng thì dù tụng bao nhiêu kinh, ngồi thiền cả ngày cũng chẳng đi tới đâu.

Chúng ta học hiểu kinh thôi thì chưa đủ, phải ứng dụng nữa. Lục Tổ nói là chuyển được kinh, chớ không để kinh chuyển. Không phải học để chỉ tụng, không phải tụng để nói với người khác nghe năm này tôi tụng được năm bộ, ba bộ hoặc trăm bộ, ngàn bộ… Học kinh và ứng dụng những lời Phật dạy trong kinh gọi là chuyển được kinh. Ví dụ kinh Niết-bàn, Phật bảo tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta nắm được yếu chỉ kinh để soi rọi lại mình, nhận ra tánh Phật ngay nơi bản thân. Người học kinh, trì kinh như vậy gọi là chuyển được kinh. Hiểu kinh trì kinh bằng cách đọc tụng nhiều chỉ có phước thôi, không thể ra khỏi luân hồi sanh tử. Trì kinh bằng cách soi lại, nhận ra Phật tánh sáng suốt nơi mình, như thế mới thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Phật tánh từ đời nào tới bây giờ luôn ở trong chúng ta nhưng vì mình quay lưng không nhận, nên cứ ngược xuôi theo dòng sanh tử. Thực sự ngay nơi mỗi chúng sanh đã có sẵn cái đó, trong kinh Pháp Hoa nói là Tri kiến Phật, kinh Niết-bàn nói Phật tánh hay Tánh giác, kinh Lăng Nghiêm nói Diệu tịnh minh tâm hay Bản tịnh minh thể v.v... Chúng ta học các kinh như Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa… nhằm nhận ra cái đó ngay nơi mình. Cho nên trên bước đường tu hành, phải siêng năng tinh tấn, ý chí kiên cường, vững chắc, không gì có thể làm lay chuyển mình, như vậy mới thành tựu Phật đạo.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Bồ-tát Thường Bất Khinh không thấy nói Bồ-tát biên chép, ấn tống, trì tụng, ngài cũng không giảng giải gì hết, chỉ dùng phương tiện gặp bất cứ đối tượng nào, không luận già trẻ, nam nữ, giàu nghèo, ngài cứ chấp tay cúi đầu bái bái: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Chỉ nói một câu như thế thôi. Có người không biết, cho ngài là vị Tỳ-kheo khùng điên, nói sàm nói bậy. Vì vậy họ đánh đuổi ngài. Đánh thì ngài chạy đi nơi khác, nhưng tới đâu ngài cũng vái chào, nói lớn câu ấy. Đó là gì? Là cách trì kinh Pháp Hoa bậc thượng, siêu tuyệt, chỉ thẳng Tri kiến Phật cho tất cả chúng ta, đánh thức khả năng thành Phật nơi mọi người. Nếu ai sáng suốt, nhanh nhẹn, nghe như thế xoay trở lại nhận ra Tri kiến Phật ngay nơi mình, tức thì thành Phật. Hoặc ví dụ hạt châu cột trong chéo áo. Người nhận ra hạt châu đó thì trở thành giàu có muôn hộ, không còn nghèo cùng thiếu thốn, làm thuê làm mướn hoặc đi xin ăn. Đó là Phật chỉ cho chúng sinh nhận lại viên ngọc nơi chính mình.

Trong kinh Lăng Nghiêm có những từ “bội giác hợp trần” hay là “bội trần hợp giác”. Người bội giác hợp trần thì cứ lên xuống, lăng xăng, ngược xuôi. Người bội trần hợp giác thì thành Phật. Cho nên chỉ cần vững tin, chuyên tâm nhất ý thực hành pháp Phật đã dạy, nhất định sẽ thành tựu giác ngộ giải thoát.

3. Niệm

Niệm tức là nhớ nghĩ, là ức niệm. Ở đây niệm có thể được xem như trí tuệ. Chúng ta chỉ dùng một phương tiện duy nhất mà thôi. Như chúng ta tu với mong muốn duy nhất là thành Phật, không có cái khác. Quí vị có thể sử dụng cách tu thích hợp với mình, nhưng nhớ là đi theo một con đường, không nên nhảy tới nhảy lui nay tu kiểu này, mai đổi lối khác. Tu như vậy rất khó đi đến đích. Chúng ta tu hạnh nào cũng tốt, miễn là đúng theo lời Phật dạy, nhất định sẽ được kết quả lợi lạc an vui.

Người tu thiền vừa có một niệm dấy khởi, biết nó không đúng là phải dừng. Một khi nói dừng là dừng. Nếu dừng không được thì soi rọi, soi rọi làm sao cho dừng được mới thành công. Dừng được thì chúng ta không bị vọng niệm kéo lôi, không lầm chạy theo nó, không ngược xuôi giong ruổi. Chỗ đó Lục Tổ Huệ Năng nói là định tuệ đồng đẳng. Vì không bị vọng tưởng kéo lôi nên có định, có định thì trí tuệ Bát-nhã phát sanh nên gọi định tuệ đồng đẳng. Pháp tu như thế là thẳng tắt nhất. Trong mọi sinh hoạt đi đứng nằm ngồi, lúc chạy xe, tiếp khách, nói chuyện, làm rẫy, ăn cơm, trong tất cả công việc, vừa có một niệm dấy lên, mình biết không ổn thì dừng, phải cắt đứt tức thì. Tập quen như vậy, dần dần có sức mạnh, bất cứ ở đâu, lúc nào, ta cũng có thể dừng được. Ứng dụng chuyên nhất một thứ như thế, công phu dễ tiến và không mất thì giờ nhiều. Phật pháp có những hiệu năng không thể lường được.

Hồi nhỏ, lúc tôi còn ở chùa Vạn Đức, tối ngủ cùng phòng với thầy Tri sự. Đêm nào thầy cũng la, làm tôi sợ quá. Nhiều bữa thầy la giống như ai đè cổ vậy, tôi dậy mở đèn, hỏi thầy: “Có gì không thầy?” Thầy đáp không có gì hết, nhưng thật ra thầy sợ hãi vì những cơn ác mộng. Sau đó tôi nghe thầy niệm Phật. Cứ mỗi lần thầy la ú ớ thầy liền niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” hoặc niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm. Niệm chừng hai lần là thầy thức dậy được. Suốt một thời gian còn nhỏ ở chùa tôi thấy như vậy. Sau này thầy trì niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ-tát quyết liệt, liên tục. Thầy niệm Phật ngày đêm liên tục, bất luận giờ giấc. Từ từ tình trạng trên giảm rõ. Cho nên tu hành chánh niệm có hiệu lực vô cùng.

Pháp tu nào chúng ta hành trì chuyên nhất sẽ có kết quả thiết thực, giúp mình vượt qua những lúc ngặt nghèo. Con người ai rồi cũng có lúc phải trải qua những khốn khó, nhất là khi tứ đại sắp tan rã, ta chuẩn bị từ giã cuộc đời thân tâm vô cùng bức xúc. Người tu không có đạo lực, lúc sắp tử không thể nào an ổn bình tĩnh nổi. Hằng ngày cứ ngược xuôi theo trần lao, làm sao phút cuối cùng nhớ Phật được? Muốn nhớ Phật, ngay trong đời thường, trong mọi sinh hoạt này phải tưởng nhớ Phật liên tục. Cho nên chúng ta thấy các vị Hòa thượng, các bậc tôn đức đi đâu cũng có xâu chuỗi, ngồi nói chuyện một hồi, các ngài lại lần chuỗi. Lần như thế để nhớ niệm Phật. Nhớ Phật sẽ sống được với Phật, sống được với tánh giác của mình.

Hoàn cảnh của chúng ta bây giờ nhiều việc quá. Hồi xưa thời Phật, việc làm tinh xá, chư tăng không rớ tới, cư sĩ lo hết. Ví dụ họ muốn đón chư tăng về thuyết pháp, giảng dạy, cúng dường ở địa phương nào, họ tự sắp đặt chỗ ăn chỗ ở cho chư tăng, sau đó thỉnh Tăng đoàn về trụ ba tháng một tháng v.v… để giáo hóa. Hàng xuất gia khỏi lo phần xây dựng. Bây giờ huynh đệ chúng ta tu theo Phật giáo phát triển, việc sinh hoạt rộng rãi vô cùng, không như các vị bên Nguyên thủy, cho nên việc cất chùa chư tăng cũng đảm đương luôn. Độ tăng, cất chùa, hoằng pháp lợi sinh, tổ chức giáo hội… chúng ta đều tham gia, cho nên rất đa đoan, nhiều việc. Do cực như vậy nên việc tu không chuyên nhất. Đó cũng là phần thiếu sót của chúng ta.

Tuy nhiên, để lấy lại sự quân bình giữa công việc bên ngoài và công phu bên trong, chúng ta cố gắng làm sao đừng để vọng tưởng kéo lôi, tâm tâm niệm niệm sáng suốt, cắt đứt những tạp niệm thì mình sẽ thành công. Lục Tổ sau khi được Ngũ Tổ truyền y bát, thầy đưa trò sang sông. Ngũ Tổ cầm tay chèo, Lục Tổ thưa: “Khi mê thì thầy độ, ngộ rồi con tự độ” và xin được giữ lấy tay chèo. Bấy giờ trong hội của Ngũ Tổ có bảy tám trăm chúng, ngài Thần Tú là thượng thủ. Trong chúng có một vị ngày trước là quan tứ phẩm trong triều, tên Huệ Minh. Ông là quan võ nên đuổi theo Lục Tổ rất mau, để giành lại y bát. Ngài Huệ Năng thấy nguy rồi, bèn để y bát lên tảng đá, núp vô bụi cây. Huệ Minh tới gặp y bát ôm liền, nhưng giở lên không nổi. Ông biết đây không phải chuyện thường, nên hướng vào chỗ ngài Huệ Năng núp, nói: “Nhân giả! Tôi đến vì pháp chứ không phải vì y bát”. Ngài Huệ Năng nói: “Nếu vì pháp thì ông hãy lắng lòng nghe. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Ngay đó Huệ Minh liền nhận ra. Đó là bài pháp đầu tiên của ngài Huệ Năng.

Một vị quan tứ phẩm triều đình, tu trong pháp hội có giáo thọ sư của năm bảy trăm người như vậy, mà trải qua bao lâu chưa nhận ra. Bây giờ gặp một ông cư sĩ công quả có mấy tháng mà vào được cửa. Ở đây tôi muốn nói Phật pháp không có nhiều, cũng không phải rườm rà, khó khăn gì, nhưng chỉ có người chuyên nhất, quyết tâm mới thành tựu. Người tu niệm Phật nhất niệm, không xen tạp mới được Phật đến rước. Người tu thiền cũng vậy, chỉ quán rõ ràng phân minh, không bị vọng tưởng kéo lôi mới được định, được tuệ. Có định tuệ mới giác ngộ giải thoát.

4. Định và tuệ

Người tu Phật dù theo pháp môn nào cũng không thể thiếu định và tuệ. Nếu thiếu định thì chao đảo, lăng xăng như khỉ vượn, nếu thiếu tuệ thì mờ mịt, không biết lối đi. Vì vậy phải đầy đủ định và tuệ chúng ta mới không lầm, không chạy theo vọng tưởng, các pháp bên ngoài không kéo lôi được mình, ta mới an ổn.

Kinh nghiệm tu tập của các bậc tiền nhân cho chúng ta biết, khi vọng tưởng lăng xăng nhiều quá, chúng ta dễ rơi vào tình trạng mỏi mệt, rồi ngủ gà ngủ gật. Hai thứ hôn trầm và loạn tưởng như hai gọng kềm siết chặt mình, làm chúng ta khó chịu không an ổn. Hễ thức thì bị loạn tưởng, còn ngủ mê thì mệt mỏi vô cùng. Hành giả cứ bị hai trạng thái đó vây khốn. Nếu không mãnh tỉnh cố gắng thoát ra khỏi hai thứ ấy, công phu của chúng ta sẽ bị trở ngại, không thể tiến được.

Các thiền sư lúc tham thiền, thường tự khiển trách những con bệnh này. Như ngài Từ Minh ở chỗ Thiện Chiêu – Phần Dương, vùng đó mùa tuyết đổ lạnh chết người. Như vậy mà bệnh ngủ gục vẫn cứ bám theo. Cho nên ngài sử dụng cách dùng dùi lửa đỏ, một khi ngủ gục, lấy dùi lửa lụi ngay bắp đùi non. Một lần như vậy thì tởn, không dám ngủ nữa. Các ngài dạy mình tu phải quyết tâm mạnh mẽ, đừng có kiểu lên bồ đoàn thì ngủ gà ngủ gục, bước xuống bồ đoàn thì dụm ba dụm bảy nói chuyện thị phi. Cả hai trường hợp, giờ giấc tu tập mình không yên tịnh, giờ giấc sinh hoạt trong chúng mình không tỉnh giác. Cả hai đều thất lợi. Vì vậy người tu không được thiếu định và tuệ.

Hồi xưa các vị A-la-hán nhập định, bị quỷ thần đập vào đầu, các ngài cũng không động. Còn chúng ta ngày nay ngồi thiền bị con kiến cắn một chút đã la trời. Nên biết mình chẳng có tí định lực nào cả. Bây giờ phải tu thế nào để trong tất cả oai nghi đi đứng nằm ngồi, làm các việc nhưng không bị động bởi hiện tượng bên ngoài. Nói theo kinh Lăng Nghiêm là sáu giác quan không chạy theo sáu trần cảnh, mà vẫn thấy rõ ràng, nghe tinh tường, mọi cảm giác đầy đủ. Được như thế là được định.

Nghiệm lại trên con đường tu tập, chúng ta rất cần đến các pháp tu Dục, Tinh tấn, Niệm và Tuệ. Người tu không thể thiếu định, không thể thiếu tuệ, không thể thiếu sự chuyên nhất, ức niệm hoặc ý chí. Có đầy đủ những yếu tố trên thì bước đường tu hành của mình sẽ thành công. Ngày nay chúng ta có nhân duyên to lớn nên gặp được Phật pháp, đầy đủ tài liệu học tập. Thời trước các bậc thầy của mình, muốn nghiên cứu tư liệu khó lắm. Quý ngài muốn đọc kinh phải tìm sách chữ Hán, các bản in Bắc này hiếm lắm, không phải in đại trà như bây giờ. Bây giờ kinh sách không thiếu thứ chi. Thời chúng tôi đi học, tìm một cuốn tự điển muốn chết luôn. Bây giờ tự nhiên ở đâu nó đầy đủ, một lô từ Đài Loan đưa qua những bản dẫn giải chú sớ của các vị Hòa thượng bên đó, rất là nhiều. Nên cố gắng nỗ lực dụng công phu cho xứng đáng với những gì mình đã được thọ nhận.

Thời này là thời văn minh, sự hiểu biết, phương pháp chúng ta nắm vững nhưng cũng vì thế mà nhiều việc quá, tu không chuyên nhất, thiếu định tuệ. Đây là điều đáng lo, đáng quan tâm. Bây giờ những vị có trách nhiệm trong Phật pháp, kiểm điểm rồi khắc phục, làm sao nâng cao tinh thần tu học của Tăng Ni, nhắc nhở quý thầy cô trẻ đừng quên mục đích, định hướng của đời tu. Chúng ta phải biết nuôi dưỡng công phu, nuôi dưỡng bằng ý chí và sự quyết tâm, thể hiện đầy đủ định tuệ. Có thế mới không bị dòng thác bên ngoài lôi cuốn.

Định mà Lục Tổ gọi là “Na-già thường đại định”, tức là định tro ng mọi tiếp cận, mọi hoàn cảnh. Người khéo tu nương theo định lực đó mà đi trong luân hồi sinh tử an nhiên tự tại, bằng không sẽ bị nó cuốn phăng. Nguyện của chúng ta đã rõ, bây giờ phải phát huy cho được định tuệ của chính mình, làm sao tu hành đến nơi đến chốn. Chúng tôi nguyện Tam Bảo thường gia hộ cho tất cả chúng ta luôn sáng suốt, tu hành đạt được sở nguyện như ý.
 

[ Quay lại ]