TRỊ TÂM

.... Người làm chủ được mình, sống với   tâm  chân thật thì tất cả việc đều là   Phật Sự .....

Ngài Trạm Đường Chuẩn Hòa thượng khi mới tham học nơi ngài Chân Tịnh, thường thắp đèn trong mùng xem sách. Ngài Chân Tịnh thấy thế trách: “Gọi là người tham học, mong trị tâm trước hết. Dù học nhiều mà tâm không trị thì học có ích gì. Hơn nữa các môn học khác nhau của hàng trăm nhà, nhiều như núi cao, biển sâu, ông học được hết chăng? Nay ông bỏ gốc theo ngọn, như người nghèo muốn sai khiến người giàu, không những khó thực hiện mà sợ rằng nó làm phương hại đến đạo nghiệp. Vậy ông nên ngăn lấp ngay mọi duyên, quyết cầu sự diệu ngộ. Ngày kia chứng ngộ rồi ông xem đọc kinh sách như đẩy cánh cửa vào cối cửa, không khó khăn gì cả”.

Đó là lời dạy của một vị thầy đối với đệ tử. Thấy đệ tử ham đọc sách, thầy quở người biết thương mình, lo cho mình và cho đại cuộc phải làm sao trị được tâm. Trị tâm nghĩa là trị những vọng tưởng đảo điên, làm sao đầy đủ tỉnh lực để làm chủ, đừng để nó kéo lôi. Làm chủ được vọng tưởng là trị được tâm, không làm chủ được vọng tưởng là bị mất tâm. Cho nên thiền sư nhắc nhở đệ tử chỉ ưa thích xem kinh đọc sách là chạy theo ngọn, bỏ gốc. Sách vở là tư tưởng trăm ngàn nhà, liệu mình đọc hết không? Nếu bây giờ lo trị tâm, sáng được tâm rồi thì việc đọc sách không khó, giống như đẩy cánh cửa vào trong cối cửa vậy. Lời dạy này thật chí thiết đối với chúng ta.

Những tư tưởng thế gian, chúng ta học chừng nào mới hết. Ví dụ như ngày xưa ở Đại học Vạn Hạnh, có một chứng chỉ gọi là “Hai trăm năm văn học thời Lý”. Nội chứng chỉ này học đã nhức đầu rồi. Nếu thêm cái chứng chỉ “Hai trăm năm văn học thời Trần”, rồi “Bách gia chư tử” của Trung Hoa nữa, chắc vỡ sọ mất. Riêng hai trăm năm văn học thời Lý, chúng ta phải học mấy chục vị thiền sư, những lời các ngài để lại, thi kệ dạy chúng, những bài pháp được các giáo sư, các nhà tư tưởng diễn đạt thêm cho mình học. Học rồi làm bài thi để lấy chứng chỉ. Bao nhiêu đó đủ đau đầu, chưa nói tới thời Trần.

Thời Trần lại càng khởi sắc, càng đặc biệt hơn. Thời Trần có những anh hùng trị được loại quân hung hãn nhất thế giới. Quân Nguyên Mông ba lần đến xứ mình đều bị thất bại. Quân dân nhà Trần lúc đó đều là Phật tử, các thiền sư lãnh đạo, cho nên sức mạnh nội tâm là nguồn năng lực rất lớn, ảnh hưởng tới việc lãnh đạo của nhà Trần, giúp vua quan thời ấy nắm được vận mệnh của quốc gia, đoàn kết toàn dân, dẹp tan binh biến. Do thấm đượm tư tưởng và nguồn trí tuệ của Phật giáo, các vua Trần trở thành minh quân, là những anh hùng dân tộc khi cầm quân, trị nước an dân và là thiền sư khi nước nhà thái bình thịnh trị.

Văn học thời Lý học đã mệt, tới văn học thời Trần dài dài về sau, càng học càng say theo dòng lịch sử dân tộc và đạo pháp. Chính vì thế quên mất công phu. Học để biết cốt tuỷ rồi ứng dụng tu hành thì được, chớ học cho hết mọi thứ trên đời, học để có kiến thức uyên bác quảng đại với người, học như vậy không biết bao giờ mới xong và cũng chẳng giúp mình giải quyết nổi vấn đề sanh tử. Bây giờ chỉ có luôn trị tâm, hết phiền não, giác ngộ giải thoát là việc cần kíp nhất. Chúng ta nên quay về học lại chính mình là học được tất cả. Chẳng những chúng ta học cho mình mà còn hướng dẫn mọi người cùng tu cùng học để được giác ngộ giải thoát. Đây quả thật là một cách dạy đệ tử siêu tuyệt nhất.

Hòa thượng Chân Tịnh dạy đệ tử phải tu, làm sao sáng được tâm, sáng được việc của mình, khi đó mới nên đọc học và hướng dẫn mọi người tu tập. Qua lời dạy ấy ngài Trạm Đường bỏ hết sự học tập cũ, chuyên chú vào thiền quán. Ngày nọ ngài nghe một vị tăng sĩ đọc bài biểu xuất quân của Gia Cát Khổng Minh, bỗng dưng ngài khai ngộ. Khi đã khai ngộ, tất cả những gì ngưng trệ trong tâm từ trước đều được tiêu tan. Từ đây ngài biện tài lưu loát, những vị đồng hàng ít ai qua được.

Quả thật lạ lùng, nghe đọc bài biểu xuất quân của Khổng Minh mà ngộ đạo, lạ thường chưa? Chỗ này chư Tổ thường nói, với người đã diệu ngộ, tất cả pháp đều thành Phật pháp. Người này có thể nấu cát thành cơm, nghĩa là tất cả cảnh duyên, những phiền não trần ai đối với vị ấy đều biến thành Bồ-đề, giải thoát. Chỉ có người diệu ngộ Phật pháp mới làm được việc như thế. Bây giờ chúng ta làm trụ trì bận rộn nhiều việc, tiếp xúc ngoại giao bên ngoài, lo việc điều chúng bên trong. Việc ăn, việc ở, việc nuôi dạy đệ tử, việc giao tế với Phật tử… việc nào cũng dễ phiền não. Nếu không khéo tu, việc nào cũng là nguyên nhân để ta phiền não. Bây giờ chỉ làm sao trị tâm, mọi việc đối với mình không có gì quan trọng, thấy nó không thật thì giải quyết dễ dàng.

Người làm chủ được mình, sống với tâm chân thật thì tất cả việc đều là Phật sự. Đã là Phật sự, làm bao nhiêu cũng không ngại, làm hoài không mệt. Bởi vì ta làm việc của Phật, chứ đâu phải của ai mà mệt. Nhưng khi làm mà mình bị phiền toái bức xúc, đó không phải là Phật sự. Vì thế chúng ta phải trị được tâm mình để chuyển mọi việc thành Phật sự.

Có một cư sĩ nọ, sau thời gian học đạo, ông giao hết sự nghiệp lại cho đứa cháu. Ông không xuất gia cũng không trụ ở một đạo tràng nào, mà đi tham vấn các nơi. Trải qua một thời gian trên bước đường học đạo, ông đi ngang qua vùng quê mình. Gặp lại ông, những người quen biết hồi xưa nói: “Trời ơi, ông giao sự nghiệp lại cho thằng cháu, bây giờ nó hư hỏng quá, quậy phá đủ thứ. Ông tính sao, chứ chừng một thời gian nữa thì nó phá tan hoang hết sự nghiệp của ông thôi”. Nghe vậy ông vẫn bình thường. Tối hôm đó ông ghé nhà, thấy thằng cháu đang ăn nhậu rầm rầm tới thâu đêm. Ông không nói gì chỉ về phòng nghỉ. Khuya lại, có người nói với nó: “Chú mày về đó nghe, lạng quạng ông thu hết tài sản, không còn một đồng mà xài”. Nó nghe thế cũng ngán.

Ông vẫn im lặng không nói gì hết. Đầu đêm bình thường, giữa đêm bình thường, cuối đêm cũng bình thường. Sáng ra ông sửa soạn đi. Thằng cháu cứ tưởng ông sẽ “cạo đầu khô” mình, nó sợ muốn chết, mà ông thì vẫn cứ bình thường. Sửa soạn đi ông mang vớ vô, vì lớn tuổi nên hai tay run, mang vô cứ trợt qua trợt lại. Thấy có cơ hội, nó kéo vớ lên cho ông. Đây là cơ hội duy nhất để làm lành, để được gần gũi ông chú. Ông không nói gì, để cho nó làm. Mang hai vớ xong, ông đứng dậy nói: “Thôi chú đi. Con thấy không, chú già rồi. Bây giờ tay chân nó run, đến đỗi chiếc vớ mang cũng không được nữa. Rồi đây con cũng vậy. Con hãy ráng lên”. Nói bao nhiêu đó rồi ông quải gói đi, không thêm bài kinh nào nữa hết. Sau khi ông đi rồi, thằng nhỏ tỉnh liền. Vài ngày sau kèn trống dẹp hết, nó chỉnh đốn lại. Từ ấy nó chuẩn bị cho một đời sống mới trong lành, thanh thoát, tự tại như chú của nó.

Đó là cách giáo hóa nghiêng về thân giáo, đòi hỏi người thầy phải có nội lực bên trong thâm hậu, vững vàng mới thực hiện nổi. Quí thầy nào có đệ tử khó dạy, có lẽ phải dùng đến thân giáo. Đây là cách giáo hoá hữu hiệu và mạnh mẽ nhất. Điều này chúng ta cần phải biết, cần phải nhận rõ để trong đời tu hành, trong nhiệm vụ, mình có thể trôi tròn và giúp người sau cùng được như thế.

Điều thứ hai là trị tâm bằng cách đối diện với thương và ghét. Trong đạo nói là tắng ái. Hai thứ này giống như gọng kềm, siết chặt chúng ta. Rõ ràng mình thường rơi vô hai trường hợp, một là thương, hai là ghét. Thấy cái gì hợp nhãn thì thương. Thương thì muốn nó về mình. Thấy cái gì không hợp nhãn thì ghét. Ghét thì bực bội muốn xua đuổi đi. Đó là hai gọng kềm, luôn luôn kềm hãm chúng ta, không bao giờ để mình yên ổn dung hòa.

Bây giờ làm sao giữ được quân bình, không tắng cũng không ái ? Ví dụ như thầy trụ trì thân tướng đặc biệt, có hai ba trăm đệ tử. Trong số ấy có những đệ tử thương ngài, nó thương mình cũng làm mình mệt lắm. Mấy đứa đệ tử ở xa chưa hiểu thì ghét mình, ghét cũng làm mình mệt lắm. Bây giờ phải làm sao? Giữ tâm bình thường, không vui thích khi nó thương, không buồn bực khi nó ghét. Thật ra vấn đề thương ghét, tốt xấu, được mất… nói chung tất cả pháp đối đãi ảnh hưởng rất lớn đến chuyện tu hành, ảnh hưởng luôn trong việc lãnh đạo, trong các công tác Phật sự của chúng ta nữa. Cho nên càng lớn tuổi đạo càng phải khéo điều phục tâm, càng có nội tại vững vàng mới kham nhận Phật sự.

Ngài Trạm Đường nói: “Người có đạo đức muốn vui chung với người, người không có đạo đức thích vui riêng nơi thân mình. Vui chung với mọi người thì sự vui ấy được lâu dài, còn vui riêng nơi thân mình thì sự vui ấy chóng mất. Thời nay xưng là trụ trì thường hay đem tâm ưa ghét đối với chúng nhân nên chúng nhân không theo. Trụ trì biết quan sát, tại sao cái ưa thích của mình mà chúng nhân lại ghét bỏ, cái ghét bỏ của mình chúng nhân lại ưa thích, những vị biết nghĩ như thế hiện nay ít có. Cho nên có chỗ nói, cùng chung vui buồn, chung yêu ghét, đó là điều nghĩa. Có nghĩa thì trong thiên hạ ai cũng quý kính”.

Đây là cách ứng xử của những vị có trách nhiệm đối với đệ tử, với bản đạo chung quanh. Muốn trị được bệnh ưa ghét, bản thân mình phải tỉnh nhớ, đừng để ưa ghét dẫn đi. Con mắt tiếp cận bên ngoài có cái biết của nó. Dừng lại ở cái biết, chứ đừng lao theo sắc tướng bên ngoài rồi khởi sanh yêu ghét. Lỗ tai tiếp cận với âm thanh cũng có cái biết của nó, các giác quan khi tiếp xúc với các trần đều như thế. Chúng ta tập tu, phải sáng suốt dừng lại ở cái biết ấy, đừng sanh phân biệt thì không bị ưa ghét dẫn đi. Tâm phân biệt đối đãi chỉ chờ cơ hội ta sơ hở, nó len vào liền. Bên trong giữ được tâm miên mật thì sự ưa ghét bên ngoài không có cớ nào ập đến chúng ta được. Cho nên thiền sư nói: thường hay đem tâm ưa ghét đối với chúng nhân nên chúng nhân không theo. Nghĩa là mình khởi tâm ưa ghét đối với mọi người trước nên mọi người mới tránh xa mình. Nếu chúng ta sống bình thường với chúng nhân, với đệ tử thì không có lý do gì họ không kính thương mình. Chỗ này hơi khó.

Đọc lại lịch sử của ngài Hương Hải, một vị thiền sư thời Nguyễn ở nước ta, mới thấy công phu tu hành qua cách điều phục tâm của ngài, ảnh hưởng đến ngoại giới như thế nào. Lúc Sư mới ra tu ở núi Tim Bút La, gần đó có biển tên Ngọa Long Hải và đảo Đại Lãnh. Hai nơi này ít người đi đến và là hang ổ của ma quái. Chúng ma đã nhiều lần kéo đến ngăn trở sự tu hành của Sư, mà tâm Sư vẫn không lay động.

Một đêm vào lúc canh hai, những đồ đệ của Sư bỗng trông thấy một con ma lớn đen sì, cao chừng hai trượng (8 thước) xồng xộc chạy vào, một lúc rồi biến đi đâu mất. Đến cuối canh ba, bỗng có một con rắn lớn bò đến quấn chặt mình Sư, Sư không cựa động được, cố nhích mình lần tới bàn Phật, niệm chú Thần đao, một lát con rắn ấy biến mất. Lại một hôm, đang giữa ban ngày bỗng mây đen kéo đến trước sân mù mịt, gió cuốn ầm ầm, cây gãy cát bay, mái nhà bung tốc, một lát mới hết. Đến tháng thứ ba, lại một lần giữa đêm vắng, núi non yên tĩnh, bỗng nghe tiếng như ngàn muôn con mèo kêu ran lên một chặp.

Đến tháng thứ tám, một lần giữa canh vắng đêm khuya, Sư đang ngồi thiền trước điện Phật, hương đèn sáng choang. Bỗng thấy quân ma vừa trai vừa gái đứng vây tứ phía, đứa cầm giáo, đứa cầm mác, đứa dắt trâu, đứa dắt ngựa, đứa dắt voi, nhiều thứ quái tượng. Sư cảm thấy đau bụng, mắt mờ không thấy ánh sáng của đèn, không thấy tượng Phật, chỉ thấy toàn ma tinh. Lúc đó, Sư dùng hết sức trì chú, nhiều phương thức bí mật đều không linh nghiệm. Sư bèn lập chí Kim Cang tưởng lửa Tam-muội, quyết đốt cháy thân mình và thiêu cả thế giới. Quả thấy rất linh nghiệm, một lát chúng ma biến đâu mất, cảnh sắc lại quang minh như trước. Song giữa đêm vắng núi yên không ai thấy biết.

Sáng ra, Sư cho rằng đất này là ác địa, khó giáo hóa được, bèn trở về quê cũ là làng Bình An Thượng, phủ Thăng Hoa xứ Quảng Nam. Sư bảo với bà con làng xóm rằng: “Chỗ đảo này từ lúc mở mang đến nay chưa được khai hóa, chính là ác địa, cung ma, khó mở đạo pháp”. Sư ở qua một tuần, chợt có người Mán đến cầu thỉnh, Sư hỏi người ấy:

- Ban đêm đến tìm tôi chắc là có duyên cớ gì cần tỏ bày?
Người Mán thưa:
- Cả thôn xóm của tôi có ba ngôi đền cũ ở núi Tim Bút La. Một miếu thần Cao Các Đại Vương, một miếu Phục Ba Đại Tướng Quân, một miếu thần Bô Bô Đại Vương. Hôm Sư cụ về được bốn ngày, trong làng chợt thấy thần cả ba ngôi đền này đều phục đồng lên nói rằng: “Hôm nọ bọn ma tinh tác quái mấy lần làm não hại Pháp sư, chúng ta ngồi yên xem thử coi ai thắng ai bại. Chúng ta bỗng thấy Pháp sư biến hình biến tướng, chẳng biết ở đâu, khiến chúng ma tinh phải lui hết. Chúng ta thấy Pháp sư thật là đạo hạnh kiêm toàn. Vì vậy chúng ta rất thán phục Pháp sư ấy, nên báo cho dân làng biết hãy đi thỉnh Sư về trụ ở đây.” Bâây giờ mọi người trong làng nghe thấy việc như trên mới cho tôi vào thỉnh bạch Sư cụ về chốn ấy.

Khi ấy Sư nghĩ: “Việc bọn ma đã nép phục hiển nhiên rồi”. Nên sau đó Sư lại một phen cùng đệ tử xuống thuyền trở ra đảo Tim Bút La. Từ đây Sư ở chuyên tu hơn tám năm an ổn, không có gì chướng ngại. Sư được thần khen quỷ giúp, cảm ứng tự nhiên, Phật pháp thạnh hành, tiếng tăm vang khắp.

Câu chuyện trên của thiền sư Hương Hải cho chúng ta một bài học. Sở dĩ ma quân thấy được là do bên trong chúng ta thiếu chánh định. Nếu bên trong chúng ta ở nơi đại định thì đối với bên ngoài nó là tường đồng vách sắt, không có chỗ cho bất cứ ai cắm dùi. Cho nên chúng ta sống như thế nào, đối với tất cả sự kiện bên ngoài, không bị nó sai sử. Ổn định được bên trong rồi thì bên ngoài sẽ theo đó bình ổn thôi. Thành ra bên ngoài ổn là do bên trong ổn, nội bộ ổn thì bên ngoài không làm gì được hết. Ngược lại bên ngoài mình có ngoại giao giỏi bao nhiêu mà nội bộ không ra gì hết, nhất định sẽ hư việc.

Tóm lại, người tu nội tàng bên trong phải vững vàng, trí dũng, tỉnh giác, thì tất cả các thế lực bên ngoài chẳng làm gì được mình, chúng ta không phải lo sợ về điều đó. Cho nên gốc là ở nơi chúng ta, không phải bên ngoài.

Quyền biến.

Khi làm việc, có những điều chúng ta phải biết cách quyền biến, xử lý như thế nào cho tốt đẹp. Nếu chúng ta cứ “thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ” cho nên phải quyền biến. Song quyền biến ở đây không được sai Phật pháp, không đi lệch ngoài đạo lý của nhà Phật. Chúng ta thử xem cách quyền của người xưa.

Ngài Trạm Đường nói: “Đạo là cái cân chính đáng của xưa và nay. Người khéo hoằng đạo là người biết được chỗ biến thông. Người không biết biến thông hay câu nệ văn giáo điển, chấp tướng chấp tình là những người chưa đạt quyền biến. Có vị tăng hỏi ngài Triệu Châu: - Vạn pháp quy về một, một ấy quy về đâu? Ngài Triệu Châu đáp: - Khi tôi ở Thanh Châu có may một cái áo đơn nặng bảy cân. Nếu là cổ nhân không đạt quyền biến thì sao có được lời thù tạc như thế. Thánh nhân xưa có nói: Hang sâu vô tư nên nhận những tiếng từ chỗ khác tới. Chuông chịu dùi đánh nên đánh vào là nghe tiếng ứng ngay. Thế mới biết, các bậc thượng sĩ thông phương làm ngược lại sự bình thường mà hợp đạo, chứ không giữ một mực mà không biết ứng biến”.

Trong Phật pháp thường nói “tuỳ duyên bất biến”, nghĩa là tùy duyên mà không bị duyên làm biến đổi cốt lõi bên trong. Ở đây dụ nói như hang sâu vô tư nên nhận được tiếng từ chỗ khác tới. Rõ ràng trong hang sâu không có gì hết, nó vô tư cho nên âm thanh tới tự nhiên như thế. Chuông chịu dùi đánh nên đánh vào là nghe tiếng ứng ngay. Như đại hồng chung, hễ có dùi động vô thì phát ra âm thanh, không bị cái gì cản hết, tự nhiên như vậy.

Nói thế là sao? Như chúng ta là người có trách nhiệm, trong đại chúng có chuyện người ta đến thưa, mình nghe chưa rồi, liền nói: “Thôi thôi, không được” như vậy là khó rồi. Cứ nghe bình thường, tiếp xúc nhưng cái nào không được là không được, cái nào được thì giải quyết. Việc này khó lắm, đòi hỏi đức tu rất lớn, không đơn giản đâu. Cho nên phải tĩnh tâm, vô tư và bình thản trước mọi sự việc mới sáng suốt giải quyết vấn đề mà không bị động.

Người đệ tử thương mình nói gì đó, mình cũng đáp “Thế à”. Người đệ tử không thương mình nói gì đó, mình cũng “thế à”. Hai chữ “thế à” nói được như thế khó lắm, chứ không dễ đâu. Người mình không ưa thấy mặt là nổi sùng rồi. Đệ tử mình thương lâu lâu không tới, mình trông. Bởi cớ sự như thế nên mới sanh chuyện. Làm sao chúng ta bình thản vô tư như cái hang rỗng vậy. Đó là những điều cần thiết phải tu tập.

Bạn bè.

Ngài Trạm Đường nói: “Người tu học tìm bạn, mà bạn phải là người đáng làm khuôn pháp cho ta noi theo. Được bạn như thế rồi hằng ngày ta phải thật lòng tôn kính bạn và làm việc gì cũng giữ đúng pháp, hầu mong có lợi ích cho ta. Hoặc trí thức của bạn hơn ta thì ta noi theo để thức tỉnh ta trong những chỗ chưa kịp bạn, vạn nhất bạn cùng ta tương tự chẳng bằng không có bạn”.

Ở đây nói bạn là những người gần gũi, chúng ta thường xuyên tiếp cận. Những gì bạn hay mình tiếp nhận, những điều bổ ích cho công việc chúng ta phải học phải nghe và áp dụng. Những gì không hay mình đừng nghĩ nhớ hoặc bị ảnh hưởng. Người ta nói hoặc bày vẽ điều sai trái, mình nghe rồi bỏ qua. Khi gặp người không thích hợp, họ cứ tới với mình hoài, ta làm sao? Đuổi đi hay gây với họ? Tất cả đều không đúng. Chúng ta cứ giữ bình thường an nhiên, không nên bực bội khó chịu, càng làm cho người sanh ác cảm, gây bất lợi cho ta.

Chúng ta là người đại diện Phật, tuyên dương chính pháp của Phật, mang màu áo của Phật, cần phải giữ tư cách phẩm hạnh của mình, nên gần gũi bạn lành, tránh xa chúng ác. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật đã dạy:

                Nếu như không gặp bạn,
                Hơn mình hay ngang mình,
                Thà quyết sống một mình,
                Chớ thân cận kẻ ngu.

Vâng theo lời Phật dạy, chúng ta lấy đây làm chuẩn mực để gần gũi với thiện hữu.

Công chính.

Ngài Sơn Đường nói với ngài Giả Am: “Trụ trì giữ tâm công chính thì làm việc bất tất phải cho mình là phải, cho người là trái. Như thế thì tâm yêu ghét dị đồng sẽ không sinh ra và khí ngạo mạn tà vạy sẽ không từ nơi mình mà nhập được”.

Công chính tức là việc chính đáng, việc chung. Người giữ được tâm công chính khi làm việc bất tất cho mình đúng người sai. Bên trong đã có đạo lý chuẩn mực rồi, những thứ bên ngoài không làm động được ta. Là người tu dĩ nhiên chúng ta phải có chuẩn bên trong. Đó là gì? Là tinh thần tỉnh giác, đầy đủ trí tuệ trong mọi ứng xử. Chúng ta tu hành không phải để thành pháp sư hay giảng sư, mà tu để thành Phật. Muốn thành Phật thì phải thanh tịnh, giải thoát. Thành ra cái chuẩn bên trong rất quan trọng. Mỗi ngày qua đều có chuẩn mực, buổi sáng làm việc như thế, buổi trưa làm việc như thế, buổi chiều làm việc như thế. Mọi việc sắp đặt như thế, ta giữ đều đặn, sống với ông chủ, với sự tỉnh giác của mình.

Hôm nay chúng ta đủ duyên gặp gỡ và cùng trao đổi một số vấn đề liên quan đến công phu tu hành. Trong đó trị tâm là nội dung chính. Tâm bình thì thế giới bình. Muốn chấm dứt dòng sanh tử luân hồi, thành tựu Phật đạo, không gì hơn trị được tâm vậy.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]