headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGƯỜI TU CHUYỂN ĐƯỢC CẤU NGHIỆP CỦA MÌNH

phat17Buổi sinh hoạt hôm nay chúng tôi sẽ nói về những cấu trược hay những trở ngại đối với người tu. Ai cũng muốn mình tu hành tăng tiến suông sẽ và đạt được kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên những cấu trược hay làm trở ngại việc tu tập của chúng ta. Nhưng với tinh thần thiền cấu trược, phiền não đều không thật.

Người tập tểnh trên đường tu, vẫn bị sự tác động của uế trược rất nhiều. Thiếu tỉnh giác, không sáng suốt chúng ta dễ thối tâm. Hiện tượng thối tâm của người tu ban đầu không thấy rõ lắm, nhưng nếu tình trạng ấy liên tiếp diễn ra, lâu ngày chúng ta bỏ cuộc hồi nào không hay.

Người nào chịu khó và sáng suốt thì ngay những niệm ban đầu, thấy tâm Bồ-đề lui sụt, phải khắc phục ngay. Như vậy có thể hoán chuyển kịp. Ở đây nói trược là những trở ngại, những duyên không tốt, điều kiện không thuận lợi cho việc tu học của chúng ta. Trong kinh Phật thường nhắc đến năm thứ trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.

Thứ nhất nói về Kiếp trược. Trong hiện cảnh, thế giới chúng ta đang sống đây luôn có những biến động như thiên tai bão lụt… liên tục. Bão số 1 rồi số 2, số 3, số4, số 5. Có năm ta nghe tới cây bão số 9, số 10, nghĩa là rất nhiều thiên tai. Ngoài bão táp ra còn những tai biến khác nữa. Nhìn chung cuộc đời bấp bênh, bất ổn, tai ách luôn luôn đe dọa. Nhưng với người tu, đây là duyên để chúng ta tu. Nếu thế gới bình yên, mọi việc đều như ý chắc chúng ta khó tu. Những nơi nào hoàn cảnh sống, mọi duyên chung quanh đều thuận lợi, người ở đó rất khó áp dụng đạo vào đời sống hằng ngày. Chính những tiện nghi đầy đủ làm cho con người dễ quên đạo, họ bị cuốn hút theo vật chất, để tâm vào việc hưởng thụ, không nhớ áp dụng đạo lý vào đời sống.

Những vị có duyên phúc, được sinh lên thiên giới chuyên hưởng phước, không tu tạo thêm, cuối cùng hết phước bị rớt xuống. Còn ở trong vòng chao động của nghiệp quả mà không chuyển hóa được, hưởng hết những gì tốt đẹp rồi sẽ rơi đọa. Người biết tu, có con mắt trí tuệ thì thấy sự hưởng thụ ấy là nguồn đầu của tai họa. Vì vậy đối với tiện nghi, đối với phúc báu tốt đẹp, họ luôn có tâm dè chừng, gìn giữ, không để vướng mắc hay quên mất đạo tâm. Chúng ta có duyên tốt, được đối diện với kiếp trược là một đề án lớn để tháo gỡ. Tháo gỡ cái gì? Nếu cuộc đời êm ấm, thế giới bình yên, tất cả mọi thứ tiện nghi chung quanh đều thuận lợi tốt đẹp thì còn gì để chúng ta vươn lên. Nhờ có bất ổn, người trong cuộc mới có cơ hội tỉnh, thấy được nguồn gốc của sự bất ổn ấy. Những tai họa trong cuộc đời này, sẽ là đề án rất cần thiết cho chúng ta. Nếu khéo dùng trí tuệ quán chiếu, nhất định chúng ta sẽ soi thủng.

Cái nhìn của người con Phật phải thấy tận cội nguồn gọi là kiến đế. Thấy mé thực của cuộc đời, mé thực của sự sống, thấy tất cả những nhân tố đầu tiên hình thành thế giới, con người v.v.. Thấy được như vậy mới buông những sai lầm của mình, tháo gỡ tất cả chấp nê từ trước. Như thấy cuộc đời không thật, chúng ta còn chấp gì, mê đắm gì trong cuộc đời này nữa? Mở con mắt thấy được thực chất của mọi vấn đề rồi thì tất cả mê lầm bị soi thủng. Chúng ta không cần đuổi bỏ chúng, tự dưng nó tan vỡ hết, bởi vì nó không thật. Chúng ta có được cái nhìn sâu sắc vào kiếp trược thì đạo tâm tăng tiến, khắc phục được những mê lầm. Chúng ta dừng được những mê lầm, không bị đắm đuối trong đó, tâm trong sáng rộng rãi thênh thang hơn. Đó là trược thứ nhất.

Thứ hai nói về Kiến trược. Kiến trược là những cái nhìn sai lầm, cấu nhiễm, còn gọi là ác kiến hay tà kiến. Ác kiến là những kiến giải không tốt. Tà kiến là những hiểu biết không chân chánh. Trước mắt chúng ta, trong hoàn cảnh mà nền đạo đức chân thật không được tôn trọng, những tà kiến ác kiến dẫy đầy. Ví dụ trong phạm vi đạo Phật, nếu người tu không truyền bá được giáo lý chân chính, không sinh hoạt đúng tinh thần của đạo Phật, thì những hiện tượng tà kiến như mê tín dị đoan mọc lên tràn lan. Đây là nói trong phạm vi nhỏ thôi. Nếu chúng ta không chuyển tải nổi tinh thần giác ngộ giải thoát, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, áp dụng đúng lời của Phật dạy, thì dù chúng ta mang hình thức người tu nhưng chưa chắc ta bảo đảm được mạng mạch Phật pháp được trường cửu dài lâu. Là con Phật, chúng ta phải làm sao thực hiện đúng tôn chỉ, đường lối chủ trương của Phật dạy, như vậy mới không uổng một đời tu của mình. Đó là trược thứ hai.

Thứ ba nói về Phiền não trược. Chữ “Phiền” có nghĩa là những bất an bất ổn trong tâm, chữ “Não” là bức xúc, khổ đau, rai rức trong lòng. Nói tóm lại phiền não trược là những bất an bất ổn, ray rức đau khổ trong tâm, trong sự sống của chúng ta. Cái này trùm khắp trong mọi sinh hoạt, bữa ăn, giấc ngủ, sự tương giao, công việc của mình. Còn bất an bất ổn đều là phiền não, nó làm trở ngại rất lớn cho việc tu tập của chúng ta. Phật dạy gốc của phiền não tức là Bồ-đề. Chúng ta xoay lại thấy được đầu nguồn của phiền não thì chúng ta sống được với chất Bồ-đề, tức là giác. Nhưng trên hiện trường chúng ta lại bị ngọn phiền não quấy phá, giống như ngọn bão gây ảnh hưởng xấu đến mùa màng vậy. Ít khi nào chúng ta thấy được đầu gốc, chỗ phát khởi ra phiền não. Nếu thấy được chỗ đó là sáng suốt, giác ngộ rồi.

Đối với phiền não trược, người tu phải thấy được mé thực của nó. Phiền não trược có nhiều hiện trạng lắm, chúng ta không khéo nhận diện sẽ bị những ngọn gió, cơn bão, thiên tai lũ lụt phiền não nhấn chìm. Người tu quyết không chấp nhận như vậy, không để phiền não làm sai suyển. Nếu việc tu hành mới tăng tiến, sinh hoạt hằng của chúng ta tươi tắn, không bị bất cứ trở ngại, chướng duyên ngăn trở. Được vậy chúng ta sẽ hưởng bình yên, an lạc. Cho nên huynh đệ cố gắng làm sao bảo vệ gìn giữ tâm chân thật, đừng để phiền não trược quấy rầy. Đây là cách thức tu tập chúng ta phải luôn quí trọng.

Thường chúng ta không giữ được sự bình yên cho mình, không phải tại khờ khạo mà vì khôn ngoan quá. Chúng ta luôn để ý đến những biến động bên ngoài, nên bất cứ hiện cảnh nào cũng dễ dàng dẫn dắt kéo lôi chúng ta. Bây giờ người tu thiền, đối với tất cả những hiện tượng cảnh duyên làm thoái tâm, chúng ta không chạy theo. Là người biết tu, chịu tu, làm sao giữ được sự an ninh bình ổn, đừng để những hiện tượng đó gia nhập trong sinh hoạt của mình. Khi nó gia nhập được rồi thì nội phủ của mình sẽ bị quấy phá tan tành. Mình thấy bất an bất ổn tức là phiền não đã bắt gốc cắm rễ sâu trong lục phủ ngũ tạng rồi. Để cho nó cắm sâu như vậy muốn nhổ ra là cả một vấn đề.

Chúng ta phải tự thương mình, phải có con mắt sáng, vừa thấy hiện tượng gì đến liền biết chủ khách, tốt xấu. Không bao giờ tiếp thu những bất ổn, đủ sức bình thản hóa giải. Cái tốt cái xấu gì mình cũng nhẹ nhàng mời ra khỏi cửa, như vậy mới yên. Còn cứ mở cửa lập lững, cái gì cũng đưa vào hết thì cái kho của mình trở thành kho tạp. Trở thành kho tạp thì phiền não bùng nổ, sóng nghiệp vỗ ầm ầm. Sở dĩ người đời khóc than hoặc đi đến những quyết định cùng đường như tự vận, là do không khéo gìn giữ bảo vệ nếp sinh hoạt bình thường của mình. Cho nên người tu là người khéo, người sáng suốt biết gìn giữ nếp sinh hoạt bình thường. Thế thôi. Lúc đầu cũng khó, nhưng một thời gian quen rồi thì chẳng có gì khó cả. Yêu cầu là phải sáng, phải làm chủ được tất cả những thứ chung quanh.

Chúng ta đừng qía bén nhạy ngược xuôi theo bên ngoài, phải dừng được, sáng mắt, bình tĩnh nhìn rõ tất cả hiện tượng chung quanh. Giống như người gác cổng, vừa có đôi mắt sáng, vừa không ngủ gục cộng thêm cái đèn pha trên tay, thì bất cứ tên giặc nào muốn nhảy rào cũng bị phát hiện. Bị phát hiện thì chúng không thể nào dễ dàng tấn công vào cơ sở được. Việc tu hành cũng vậy. Người có công phu, khám phá được giặc cỏ bên ngoài thì chúng không não loạn tâm ta. Nếu không khám phá được nó sẽ xâm nhập vào tâm, làm chủ tất cả bấy giờ mình hoàn toàn bị động, hoàn toàn bất lực. Giản dị vậy thôi. Đó là trược thứ ba.

Thứ tư nói về Chúng sanh trược. Chúng sanh trược tức là thời kỳ có những chúng sanh nghịch ác tăng thạnh. Bấy giờ bước ra đường một bước, thấy ai cũng nghi ngờ. Mọi người không tin tưởng nhau, họ luôn soi xét người này thế nào, đàng hoàng hay không đàng hoàng v.v.. Đây là hiện tượng xấu ác giữa người với người. Điều này không những xảy ra ngoài xã hội mà ngay trong gia đình, đối với người thân cũng vậy. Nếu ai không đáp ứng theo nhu cầu của mình, tự nhiên ta phát sinh nghi ngờ. Đó là hiện tượng con người luôn nghi ngờ, sống không tốt với nhau. Vì vậy họ sẵn sàng sử dụng những thủ đoạn ác độc để sát hại nhau. Từ những nghi kỵ này mà tiến đến những sự bất an, hiềm thù tai họa. Vì vậy luôn có những văn bản luật lệ, những khế ước để bảo vệ lời hứa, việc làm của người ta.

Điều này ngày nay chúng ta cũng bắt đầu thấy xuất hiện. Ví dụ như người xuất gia, hồi nhỏ đi học được thầy bổn sư gởi vô trường, song song những thủ tục xin nhập học, phải có chứng điệp thọ giới, giấy tờ chứng nhận mình là tăng nhân tu hành từ hồi nào, đệ tử của ai, môn phái nào… và một tờ giấy bảo lãnh của Bổn sư. Tại sao phải có giấy này? Để ban giám hiệu cho biết anh học nửa chừng bỏ đi hoặc anh quậy thiên hạ. Người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm đóng tiền phạt, rước đệ tử về dạy dỗ lại. Như vậy ai còn tin ai nữa? Thầy trò không tin nhau. Trong đạo còn có chuyện đó huống là ngoài đời.

Cuộc đời như vậy, có gì đâu để chúng ta vướng mắc. Mình đi tu là thấy được lẽ thật, thấy được tất cả những vướng mắc để đừng bị vướng mắc. Không vướng mắc mới là người sáng suốt bình yên, mới thực hiện tấm lòng từ bi cứu khổ ban vui. Chớ chúng ta đang lặn hụp khổ đau, kêu trời không thấu mà nói thực hiện từ bi cứu khổ ban vui thì làm sao thực hiện được. Nói về kiếp người, về chúng sinh, thế giới, mạng sống, những bất an bất ổn, rõ ràng là những vấn đề hiện thực, đây gọi là uế trược, chúng sanh trược, làm cho chúng ta dễ thối tâm Bồ-đề. Đó là trược thứ tư.

Cuối cùng là Mạng trược. Mạng trược tức mạng sống của con người. Mạng sống của con người đang ở thời kỳ giảm dần. Quả thực bây giờ người sống tới một trăm tuổi hiếm lắm. Khoảng ba bốn mươi tuổi đi thử máu siêu âm là thấy tiểu đường, viêm gan siêu vi B siêu vi C gì đó. Ít ai bảo bệ được thân này trọn vẹn cho tới một trăm tuổi. Như vậy chúng ta có gì thích thú đối với thân này? Nó ngắn ngủi bệnh tật, là gốc của khổ đau thì mê cái nổi gì. Nhưng người đời ít khi nào thấy được lẽ thật, cứ thấy những vẽ vời bên ngoài, dáng dấp bên ngoài, những cái gọi là hấp dẫn bên ngoài, chứ không thấy được gốc của thân là cấu trược, vô thường.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mạng sống xuống cấp, xuống cấp đến mức độ không tưởng tượng nổi. Bây giờ tuổi thọ trung bình của con người khoảng sáu mươi tuổi, nhưng ít ai bảo vệ được tuổi thọ của mình. Có khi mười mấy hai mươi, hai mươi mấy ba mươi, bất thần bữa nào đó đứng tròng thì kể như rồi. Thỉnh thoảng cũng có những vị vượt ngoài sáu mươi, đó là phúc duyên đặc biệt của từng người. Nhưng đa phần, không ai cả quyết được tuổi thọ của mình được bao nhiêu. Có người chết từ hồi mới sanh, có người chết trong lúc chưa sanh, có người sanh ra thời gian gắn ngủn rồi chết v.v.. Thật là không có gì bảo đảm. Như vậy mà người ta mê trong đó, không chịu tìm lối thoát.

Thấy người chết mà nhớ tới thân phận mình. Làm sao đừng rơi vào tình huống như vậy, sự cố vô thường trong cuộc đời luôn làm động não những ai có chút trăn trở về đời người. Theo như trong kinh Phật nói cứ mỗi một kỷ mạng sống con người giảm một tuổi. Một kỷ là một trăm năm. Chỉ có giáo lý của Phật đưa ra là cách giải quyết triệt để vấn đề này. Nhưng với một điều kiện chúng ta chịu phát tâm, chịu làm, chịu quyết định cho cuộc đời mình hay không? Mình mới có đủ thẩm quyền bảo vệ cuộc đời của mình. Muốn bình yên hay không cũng tự mình thôi. Đang trong bình yên bỗng gây những xáo trộn cũng là tự mình. Tự mình lao theo, tự mình chấp trước, tự mình tham đắm rồi phiền não khổ đau.

Bây giờ muốn bình yên rõ ràng cũng tự mình. Chúng ta mở rộng lòng ra, buông xả đi, thấy bằng con mắt sáng suốt thì bình yên. Buông nhiều, bỏ nhiều, không vương mắc là đạt thiền. Không tăng thêm một địa vị gì, mỗi ngày mỗi ngày chúng ta đường hoàng chính chắn thấy rõ như vậy, không vướng mắc gì hết tức là luôn luôn thiền. Có vị nói tại nghiệp của tôi như vậy, ai làm gì được cái nghiệp. Nhưng tôi xin hỏi, nghiệp từ đâu ra? Ai bày cái nghiệp đó? Nghĩ cho cùng nghiệp cũng từ mình thôi. Từ cái miệng, cái thân, cái ý lăng xăng mà ra. Những thứ đó thao tác tung hoành gây tạo nghiệp.

Điểm này chúng ta nghiệm cho cùng thì thấy quả thật do mình, chứ không phải tại ai. Thế thì bây giờ phải chuyển nghiệp thôi.

Chuyển như thế nào? Ví dụ hồi xưa mỗi ngày trong bữa ăn, mình phải có một viên thuốc bổ, thành nếp như vậy tức là thành nghiệp. Bây giờ chuyển là nếu trong người không mỏi mệt thì không uống nữa. Lúc mới bỏ, có thể mình nghe thiếu thiếu, nhưng đừng thèm để ý đến nó, lâu dần tự nhiên sẽ quen đi và chuyển được nghiệp. Cuối cùng mình thấy, ăn cơm điều độ đủ để cho thân khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường, đâu cần ohải uống thuôc bổ hoài. Thế là bình ổn. Dần dần chúng ta chuyển bỏ các thứ rườm rà trong cuộc sống.

Như hồi xưa chưa xuất gia, chưa phải Phật tử, quí vị thấy bữa ăn quan trọng lắm. Ăn phải có bia, có thuốc, có ớt, có tiêu… Bây giờ quí vị là Phật tử ăn chay, bữa ăn giản dị hơn trước nhiều, tức là đã chuyển được những rườm rà rồi. Từ bữa ăn của người đời bước sang bữa ăn của một người Phật tử, quí vị chuyển từ rườm rà nặng nề sang nhẹ nhàng, đơn giản. Thường người ta nói chay lạt. Chữ “lạt” không có nghĩa lạt lẽo thiếu muối, nước tương, mà lạt là phai nhạt những thứ uế trược nặng nề như màu máu mùi thịt v.v.. Cứ thế lần chuyển nữa. Khi trở thành một người tu, thay vì một ngày ăn ba lần hoặc ăn ban đêm, chúng ta chỉ ăn nhẹ buổi sáng, trưa ăn chánh, chiều lại không ăn. Thật ra chiều không ăn nhẹ lắm, tối ngồi thiền thanh sảng không buồn ngủ. Chuyển dần như thế.

Nghiệp không chuyển nó sẽ có năng lực đẩy chúng ta đi, giống như xe chở nặng đi từ dốc cao xuống, nó đổ có khi đè mình chết ngộp luôn. Nghiệp có nghiệp trợ duyên, là một loại nghiệp hỗ trợ để đi đến kết quả nhanh hơn, mạnh hơn. Nghiệp trợ duyên có thiện hoặc bất thiện. Nó hỗ trợ như thế nào? Đây là một loại năng lực duy trì phát triển. Ví dụ quí vị phát tâm đi chùa nhưng chưa thực tập pháp tu nhiều, tình cờ gặp một người bạn cũ là Phật tử thuần thành. Người bạn rủ: “Chị đi chùa lâu nay rồi, bây giờ mình thọ Bát Quan Trai đi. Mỗi tháng chúng ta theo hạnh thanh tịnh của quí thầy một lần”. Lúc đầu quí vị hơi dụ dự nhưng sau đó thấy không có gì trở ngại, lại được sự chấp nhận của gia đình liền đi thọ Bát Quan Trai. Tu một thời gian thấy tốt, ban đầu tu một ngày, sau nghe quí thầy tổ chức một tháng bốn ngày, quí vị phát tâm tu luôn bốn ngày. Đó là gì? Là nhờ sự khuyến khích hỗ trợ của bạn hữu làm tăng tiến việc tu học cho mình. Từ đó phát triển công đức tu hành, dần dần quí vị trở thành người tu xuất gia. Đó là nghiệp hỗ trợ về mặt thuận trên đường tu hành.

Nghiệp hỗ trợ về mặt bất thiện cũng có tác dụng đáng kể lắm. Ví dụ có vị đang làm ăn lương thiện, hôm đó gặp người bạn chuyên môn gian lận. Họ bày cách mánh mun làm mau ra tiền. Nghe có tiền quí vị nghĩ làm thử một chuyến xem sao. Khi làm thấy dễ dàng bắt được lợi lộc, gom của người đem về cho mình. Thế là vị đó dấn sâu vào con đường bất thiện. Đây là loại nghiệp hỗ trợ theo hướng nghịch tạo thành quả xấu ác. Nghiệp hỗ trợ luôn được triển khai trong cuộc sống. Chỉ một tít tắc thôi, nếu quí vị gật đầu theo hướng thiện thì sẽ đi theo con đường thiện, nếu không tỉnh táo gật đầu theo hướng bất thiện thì nó sẽ đẩy mình vào hướng bất thiện. Thật ra người gạt gẩm cướp đoạt tài sản thiên hạ không phải do cha mẹ họ sinh ra, nhà trường cũng không hề dạy chuyện ấy. Nó ngủ ngầm bên trong, do sự rủ rê hỗ trợ nên phát triển thành nghiệp. Vì vậy ngoài xã hội bây giờ cha mẹ rất sợ con cái lớn lên có bạn bè xấu. Đó là nói về nghiệp hỗ trợ.

Đến một nghiệp nữa là nghiệp tiêu diệt. Đây là những ảnh hưởng trong quá khứ nhưng rất mạnh, hoàn toàn làm tiêu diệt một cách bất ngờ, như sức mạnh làm chận đứng sức tiến của một lằn tên rơi xuống đất. Trong cuộc sống này, những tác động từ quá khứ sẽ cho một tương lai không đoán trước được. Chúng ta không biết trong quá khứ mình như thế nào. Nhiều khi một người tu hành rất tốt nhưng quá khứ gây tạo nghiệp không tốt, nên đời này xảy ra quả báu xấu, khiến nhiều người không vững niềm tin đâm ra hết quí kính Tam Bảo.

Như hai vị đại đệ tử phụ tá cho đức Thế Tôn là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Ngày sau cùng của Tôn giả Mục Kiền Liên rất thảm, Tôn giả bị bọn ngoại đạo đập chết trên đường đi hóa đạo. Trong khi Ngài là vị thần thông bậc nhất, luôn được đức Thế Tôn khen ngợi. Vậy lúc đó thần thông để ở đâu? Không thể sử dụng thần thông được, vì đây là do ảnh hưởng của nghiệp tiêu diệt. Nghiệp này phải trả thôi. Lại, cuộc đời của đức Thế Tôn trong vòng tám mươi năm cũng xảy ra sự cố. Đề Bà Đạt Đa muốn chiếm địa vị giáo chủ thống lãnh Tăng đoàn nên đã rắp tâm với vua A Xà Thế phục ruợu voi say giết Phật. Chuyện không thành, ông lăn đá từ trên đỉnh núi cao xuống khi thấy Thế Tôn đi ngang qua một rãnh núi. Với công đức của một đấng Như Lai, các tảng đá va chạm vào vách núi trước khi rơi xuống chỗ Thế Tôn, Đề Bà Đạt Đa không thể giết được Phật, chỉ làm bị thương nơi chân Ngài một chút thôi. Đức Thế Tôn nói Đề Bà Đạt Đa gây tội vô gián rồi sẽ bị đọa. Tuy nhiên, trong kinh cũng nói do những nợ nần đời trước, bị ảnh hưởng nghiệp tiêu diệt nên đức Thế Tôn phải chịu như vậy.

Nếu chúng ta sáng suốt nhìn thấy thân khẩu ý tạo thành nghiệp, nó có năng lực rất mạnh. Thấy được thế rồi, những sinh hoạt của chúng ta sẽ tốt đẹp, ta có thể chuẩn bị cho tương lai không rơi vào tình huống xấu. Chúng ta là người trọn quyền làm chủ thì nên chuẩn bị chuyển cho mình. Theo tinh thần thiền dù là loại nghiệp nào chúng vẫn không thật. Vì nó không thật nên chúng ta chuyển được. Bây giờ chủ trương của chúng ta là gì? Phải sáng suốt mà chuyển, trả nghiệp và không tạo thêm nghiệp khác, như vậy mới chuyển được. Muốn được thế tâm chúng ta phải vững, phải sáng trong mọi hoàn cảnh, mọi sinh hoạt.

Ngoài ra còn có trọng nghiệp, cận tử nghiệp, thường nghiệp, tích lũy nghiệp. Đây là những loại nghiệp tác động trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người tu thiền không đặt vấn đề chứng đắc, nhưng phải sạch nghiệp, sạch phiền não, sạch cấu nhiễm ô uế. Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về bốn loại nghiệp vừa nêu.

Một là trọng nghiệp tức là nghiệp nặng. Nghiệp nặng này chắc chắn bị quả báo trong hiện tại hoặc những đời kế tiếp. Song dù nghiệp nặng hay nhẹ cũng đều do ta gây tạo, chứ không phải ai. Cho nên người tu không đổ thừa hoàn cảnh, tại ai hại mình nên không phiền hà không cầu cạnh, không bi quan, không khởi niệm đối với đức Phật. Vì sao? Có nhiều người nói “Mình thật lòng hướng về đức Thế Tôn, hướng về các vị Bồ-tát, sao chưa bao giờ thấy đức Thế Tôn hay vị thánh nào đưa tay xoa đầu an ủi mình một chút, cũng không ban cho mình cái gì”.

Nói về nghiệp tức là nói về những gì chúng ta đã tạo từ thân, miệng, ý. Mỗi người đều có miệng, có thân, có ý nghĩ, không ai giống ai hết. Nếu ba chỗ này tạo nghiệp nặng, chắc chắn là sẽ bị quả báo nặng xấu. Quả báo đó hoặc đời này hoặc đời sau sẽ ứng hiện. Đã gây tạo thì phải gánh thôi. Người biết như vậy sẽ không gây trọng nghiệp. Không gây trọng thì chẳng có gì phải sợ. Điều này nói nghe dễ nhưng nghiệm lại rất khó. Chúng ta thấy bóng đêm, thấy ánh chớp hoặc nửa đêm nghe tiếng động là đã hết hồn hết vía, dở đến một mức độ như vậy. Con người luôn luôn. Xin tất cả đừng đổ thừa nữa, mà phải gan dạ gánh lấy trách nhiệm của mình. Như bây giờ chúng ta bị quả báo xấu nặng thì biết lúc trước đã gây nợ ai đó nên vui vẻ chấp nhận trả.

Có một Phật tử nói với chúng tôi: “Thầy ơi! Con không hề chọc gì gia đình đó. Con sợ hết sức, dặn mấy đứa nhỏ trong nhà đừng bao giờ gây chuyện với họ. Nhiều khi mấy đứa nhỏ bực, thấy sao gia đình đó cứ kiếm chuyện với mình hoài, nó muốn gây với người ta. Nhưng con rầy không cho gây. Mỗi lần con đi chùa tụng kinh là bên đó họ chửi, không biết sao kỳ vậy. Con tụng kinh Phật chứ đâu có nói xấu họ, cũng không động tới họ, nhưng nghe tụng kinh là họ chửi. Quái thật.” Nghe Phật tử nói thế, tôi cũng không biết trả lời làm sao, vì mình không phải là người chứng đạo, nói ra người ta không tin. Song tôi cũng chịu khó dẫn dụ một hồi về luật nhân quả. Tôi nói biết đâu mấy người đó hồi xưa là cha mẹ hay chồng con gì của cô. Cô làm mếch lòng họ, người ta ngồi tụng kinh cô chửi, bây giờ cô tụng kinh họ chửi lại. Bây giờ làm sao để hóa giải? Dễ thôi. Nếu nghe lời chửi, cô cứ tưởng như người đó đang giảng kinh thuyết pháp hoặc đang dạy con cái họ thì không có vấn đề gì xảy ra.

Cuối cùng tôi nói với cô lời chửi không thật. Chúng ta lầm một chút thấy thế này thế nọ, nếu biết rõ tất cả các pháp đều không thật thì phiền não chấm dứt. Phật tử ngồi tụng kinh thì cứ nhớ lời kinh của Phật, đừng nghe cái gì bên ngoài. Nếu có nghe cứ cho đó là gió thoảng, là âm thanh của thiên thần đến cúng dường. Ngồi tụng kinh là đọc lại lời của Phật, tại sao để tâm bên ngoài. Cô nghe thế hết buồn. Từ đó về sau cô nhẹ dần những cấu uế phiền não. Không phải kiểu mình đang tụng kinh, nghe người ta chửi liền nói “Tao đang tụng kinh à, một lát tụng kinh xong, tao sẽ tính.” Như vậy là không được.

Chúng ta ai cũng có nghiệp nặng hết. Biết như vậy mình không dám khinh thường mọi người. Bởi vì khi thấy người nào họ dở hơn mình là biết nghiệp nặng của họ nhiều hơn, biết đâu mình có những nghiệp nặng hơn nữa. Chúng ta áp dụng được như thế sẽ hiểu lời Phật nói tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành hay tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau. Quả thật lời này chúng ta không dám hiểu, hoặc hiểu một ít thôi, chứ không hiểu triệt để. Đừng nói là chúng ta, mà khoảng sau Phật Niết-bàn chừng một trăm năm, tinh thần này không ai dám nêu ra, luôn cả các vị thánh. Đối với các ngài người thành Phật phải có căn cơ đặc biệt. Trong lịch sử Phật giáo, các bộ phái Phật giáo đã mang tư tưởng như thế.

Cho đến sáu trăm năm sau Phật Niết-bàn mới có những vị đại thánh ra đời như Bồ-tát Mã Minh, Bồ-tát Long Thọ, Bồ-tát Đề Bà… Các Ngài dõng dạc tuyên bố “Mọi người đều có thể thành Phật, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Từ đó mới có những bộ luận lớn xiển dương tinh thần đại thừa rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật. Tư tưởng này đả phá những người yếu đuối, tự khinh mình là loại kỳ nhông cắc ké, làm sao tu thành Phật được. Nhưng ở đây chủ trương của đạo Phật là chuyển nghiệp, ai cũng có thể chuyển được hết.

Hai là cận tử nghiệp. Đây là loại nghiệp lúc sắp bỏ thân, nó mang tính quyết định thọ sanh ở đời sau. Nghiệp này xảy ra trong lúc hấp hối, thường chúng ta không làm chủ được thân tâm. Nếu cả đời mình gây tạo những điều không tốt, thì cận tử nghiệp này sẽ phát động thành năng lực đẩy mình đi thọ thân sau. Cho nên đối với người Phật tử rất dè dặt, cẩn thận đối với cận tử nghiệp. Trong đạo có những trường hợp trợ duyên, trợ niệm đẻ hướng cận tử nghiệp theo con đường lành. Ví dụ các vị tu Tịnh độ niệm Phật cầu vãng sanh, luôn luôn có những nghi thức trợ niệm trong lúc người hấp hối. Còn chúng ta là thiền sinh thì giải quyết thế nào đối với cận tử nghiệp, ai trợ niệm cho mình? Chúng ta làm sao làm chủ hay chuyển được cận tử nghiệp, chứ không nương vào tha lực. Tha lực chỉ hỗ trợ phần nào thôi, chính là tự mình. Không có cách nào khác hơn là trong sinh hoạt bình thường, chúng ta cố gắng làm chủ. Nói đến thiền là nói đến sự độc lập, tự giải quyết cho mình chứ không chờ đợi, không ỷ lại ai cả. Dù thầy mình có thành Phật mà mình không chịu tu, không chuyển nghiệp thì vẫn là thọ báo xấu, không ai có thể thay thế được.

Thành thử đối với cận tử nghiệp chúng ta phải có sự chuẩn bị. Chuẩn bị trong từng tâm niệm, trong sự tu học, trong công phu tu hành, trong sinh hoạt thời thường. Có thế cận tử nghiệp mới sáng suốt, không bị lay chuyển bởi bất cứ một dấy niệm nào trong quãng đó. Nếu chuẩn bị được như vậy coi như chúng ta chuyển được nghiệp. Có những trường hợp thế này, người đó thời thường hay lấn lướt kẻ khác. Đến lúc sắp chết, thói quen hay nghiệp lực từ trước hiện ra. Lúc đó họ hoảng sợ, từ hồi nào tới giờ mình chuyên môn lấn lướt người hoặc làm việc bậy bạ, mình chưa hề nói với ai hết, nhưng sao bây giờ nó hiện ra. Trong lúc gần chết, ý thức không còn mạnh mẽ, tay chân quờ quạng, tai không còn nghe rõ, miệng không còn nói được, mắt muốn đứng tròng thì những hình ảnh xấu của chính mình hiện ra. Nó có năng lực mạnh kéo người đi thọ sanh. Nên muốn chuyển được cận tử nghiệp, cũng không có cách gì khác hơn, là trong từng tâm niệm ngay thời thường phải tu. Chúng ta có tu thì cận tử nghiệp không xấu, khỏi phải sợ. Chỉ trừ chúng ta không chịu tu thì nguy cơ đến không phải là chuyện đơn giản đâu.

Ba là Thường nghiệp. Đây là nghiệp nhân tạo tác trong mọi sinh hoạt thường ngày từ thân miệng ý của chúng ta. Ý nghĩ bậy thì miệng nói bậy, thân làm bậy. Cho nên ý đừng nghĩ bậy thì miệng sẽ không nói bậy, thân không làm bậy. Đó là cách chuyển thường nghiệp.

Bốn là tích lũy nghiệp. Đây là vốn đầu tư thọ sanh, nó không nằm trong những trường hợp trên mà gồm chung lại tất cả. Nó là hơi hướm tích trữ qua đời sống, qua sinh hoạt của thân miệng ý, chẳng những đời này mà nhiều đời trước nữa. Trong hàng đệ tử Phật có một vị đã chứng quả A La Hán rồi, nhưng ông có thói quen khi thọ trai, miệng hay nhơi nhơi giống như con trâu ăn xong, về nó nằm trong chuồng nhơi lại. Phật nói trong nhiều đời ông đã trải qua nghiệp quả như thế, bây giờ chỉ còn hơi hướm. Hoặc người có hơi hướm nóng giận, thấy những cảnh duyên bất bình, không dính dáng gì tới mình nhưng con mắt trừng lên, tròng con mắt trắng dã… Đó là hơi hướm nóng giận. Nghiệp tích lũy là nghiệp còn tồn động trong kho tàng thức qua tất cả sinh hoạt của chúng ta.

Tóm lại, chủ trương của đạo Phật là chuyển nghiệp, khắc phục, vượt qua cấu nhiễm, chướng ngại. Nghiệp lực từ chúng ta gây tạo, chứ không ai khác. Cho nên ta phải tự tu, tự lọc, tự bỏ. Chủ trương của nhà thiền là buông bỏ. Tu không có chứng đắc, càng tu càng có đạo lực, có trí tuệ thì càng buông bỏ tất cả các loại nghiệp. Làm chủ những chướng ngại để tu hành đến viên mãn. Muốn thế chúng ta phải phấn phát tín tâm đối với Tam Bảo, quyết lòng công phu hành trì. Tín tâm là yếu tố không thể thiếu đối với người tu. Muốn trị được, muốn chuyển được những cấu uế, chướng ngại, khắc phục nghiệp tập của mình phải có tín tâm. Cho nên trong kinh nói lòng tin là mẹ của các công đức. Muốn thấy được chân lý, bỏ các lỗi lầm phải có lòng tin. Có tín tâm rồi thì không gì có thể phá hủy công phu được.

Tín tâm là gì? Là tin tâm mình. Cuối cùng xin tất cả chúng ta hãy quay về tin cái tâm của mình.

 

[ Quay lại ]