headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Phát Tâm Tu Học

Giờ này đại lao Hòa thượng, chúng tôi cùng trao đổi những kinh nghiệm tu hành với quý Phật tử. Mong tất cả quí vị dù ở đâu, hoàn cảnh nào cũng để tâm học hiểu Phật pháp, thực tập Phật pháp thì chắc chắn sẽ đạt được lợi ích. Như Hòa thượng đã nói ai cũng tu được. Nếu chịu tu thì kết quả sẽ đúng như sở nguyện của mình. Nhiều vị thắc mắc “Sao càng tu càng thấy vọng tưởng nhiều ra, không biết mình tu có hết vọng tưởng không? Nếu tu không hết vọng tưởng thì khó thành Phật lắm…”

Đó là điều đa số quý vị tu thiền băn khoăn. Thật ra không phải việc tu hành khó lắm. Khó khăn là tại mình, chúng ta sắp xếp chưa ổn, nên công phu không tới nơi tới chốn. Có điều sống trong hoàn cảnh thế này, sắp xếp công việc để có thể tu hành được là điều khéo léo. Nếu chúng ta có tu thì có chuyển. Tôi không dám khẳng định tới chừng nào quý vị hết vọng tưởng, giác ngộ thành Phật, nhưng chắc chắn một điều có tu thì có chuyển. Chuyển như thế này, những bề bộn lỉnh kỉnh giảm dần, quí vị sẽ được an ổn.

Người nào kiên tâm, bền chí liên tục, nhất định sẽ tiến được. Như lời dạy của Sơ tổ Trúc Lâm: Phật ở trong nhà, chẳng cần tìm ở đâu xa. Chỉ vì quên gốc nên ta mới đi tìm Phật. Đến khi biết được rồi, chính Phật là Ta. Như chúng ta biết, công việc của một ông vua không phải ít, mà vua Trần Nhân Tông vẫn có thể tu được. Sau khi nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông, Ngài làm Thái thượng hoàng sáu năm. Chính trong thời gian này, Ngài để tâm nghiên cứu Phật học rất thâm yếu. “Phật chính là ta”, nhận được nơi mình có gốc Phật, nên phải ngay nơi mình mà tu, chứ không tìm cầu bên ngoài.

Tu hành thấy khó, thấy vọng tưởng nhiều, là vì tìm Phật bên ngoài. Theo tinh thần lời của Sơ tổ Trúc Lâm, Phật ở trong nhà, chẳng cần tìm bên ngoài. Phật ở trong nhà mà tìm bên ngoài làm sao gặp? Cho nên cách chuyển hóa của chúng ta chủ yếu xoay lại chính mình. Bên trong đầy ắp vọng tưởng điên đảo, nếu có Phật chắc Ngài cũng không thể nào ngoi dậy, bị vọng tưởng phủ kín hết. Bây giờ chuyển như thế nào để giảm thiểu vọng tưởng thì ông Phật của mình mới có cơ hội hiện bày được. Chúng ta phải sắp xếp như thế nào cho cuộc sống thanh thản, an ổn, bình yên, làm chủ được mình. Đó là cơ hội để ông Phật của mình xuất hiện.

Làm sao sắp xếp cho mình được bình yên? Khi nào chúng ta giảm bớt những thứ không cần thiết, tự nhiên sẽ được an ổn. Mình dám buông những gì rườm rà lỉnh kỉnh, nhất định sẽ bình yên thôi. Còn ham thích nhiều quá, ôm đồm cố giữ không buông thì không tu thiền được. Tu bằng cách bỏ bớt ra thì đâu có gì khó, cứ liệng đồ trong gánh ra, không đem vô nữa. Chúng ta muốn gánh nhẹ, đi nhanh, đi khỏe, đi đến nơi đến chốn thì đừng tiếc cái gì trong gánh, thảy hết ra. Cuối cùng cái gánh cũng vất luôn, chúng ta mới nhẹ nhàng đi được. Còn lỉnh kỉnh thứ này thứ khác thì khó lắm.

Bây giờ soát xét lại, xem chúng ta còn lỉnh kỉnh những thứ gì? Bao nhiêu những dấy niệm, loạn tưởng, mắc mứu, ngược xuôi, những phiền não lăng xăng từ đời kiếp nào, nó cứ trồi ra. Ba thứ này nếu không ổn định được thì chính hắn làm mình bức xúc, từ đó phiền não phát triển. Bị phiền não rồi thì tu không được, xách gói đi. Bây giờ mình kiểm tra xem những gì đáng thảy, cần thảy, có thể thảy thì thảy quách đi. Không nhất thiết một lần vất hết, mình cũng cho phép mình giảm dần, nhưng bắt buộc phải tỉnh. Cái gì cần thảy, cần buông, cần bỏ thì bỏ đi. Nhìn lại mọi thứ hình như không có gì đáng để, cả, nếu có dùng cũng dùng tạm thôi, một lúc nào rồi ta cũng phải bỏ thôi.

Phiền não không là gì hết, nhưng mình không đủ sức làm chủ, nó sẽ nhiễu loạn gây bức xúc, trở ngại việc tu học của chúng ta. Phiền nguyên là chữ hán (煩), tức một loại lửa đốt trên đầu, đâu có an ổn gì. Não (惱) là tâm ưu phiền, không yên. Từ “não hại” thường đi chung, phiền bực não hại. Lửa đốt trên đầu, trong tâm ray rứt khó chịu bực bội. Đó là trạng thái của tâm phiền não. Phật dạy những thứ đó phải đáng bỏ. Nuôi dưỡng nó thì khó chịu lắm. Có khi ta tụng kinh ngồi thiền cũng chưa hết phiền não. Ngồi thiền chưa hẳn là tu thiền. Tụng kinh cũng chưa hẳn là tu.

Có vị Tổ dạy các thầy trong thiền viện tụng kinh, nhưng riêng Ngài không tụng. Hôm đó đại lễ, nhà vua thấy kỳ mới hỏi:

- Sao Thầy dạy người ta tụng kinh Bát-nhã, kinh này kinh kia mà Thầy không tụng?

Ngài trả lời:

- Ta thở ra không có dính, hít vào không có mắc. Ta tụng bài kinh đó ngàn muôn lần.

Chúng ta chưa tụng được bài kinh không dính mắc như Tổ nên dù tụng Bát-nhã hằng đêm mà vẫn dính mắc như thường. Ngó dính, nghe dính, cái gì cũng dính, nên mình không biết tụng kinh gì bây giờ? Không biết tu thì ở đâu cũng dính mắc, trong chùa cũng dính mắc. Là con người, còn sống còn hít thở còn ăn còn nghỉ là còn dính mắc. Chỉ có cách khi nào mình biết được, gỡ ra mới không dính mắc.

Trở lại lời dạy của Tổ Trúc Lâm: Chẳng cần tìm ở đâu xa. Chỉ vì quên gốc nên ta mới đi tìm Phật. Đến khi biết được rồi thì chính Phật là Ta. Ngài nói rõ ràng như thế. Biết được gì? Biết được chính mình là Phật. Gốc từ nơi mình chứ không phải tìm bên ngoài. Muốn nhận lại ông Phật từ nơi mình, Tổ dạy: Người tránh xa được con đường thanh sắc thị phi của thế gian, bước vào cửa Phật Tổ, người đó đối trước muôn việc đều không thấy ngăn ngại, khó khăn. Qua lời dạy của Tổ, chúng ta rút tỉa kinh nghiệm để áp dụng. Ở đây điểm thứ nhất là đối với thị phi, thanh sắc, tức là đối với những hình tướng, sự việc trong cuộc đời này, chúng ta muốn trốn nó được không? Không được. Người xuất gia có chùa nè, có giới luật, có thầy bạn, có oai nghi, có phương pháp tu hành trong chùa dễ trốn. Còn Phật tử trốn ở đâu? Cho nên phải ngay cuộc đời này, ngay những va chạm mà tỉnh tu.

Theo tinh Thần tổ dạy, Phật trong chúng ta không tìm ở đâu hết. Không phải Phật trên bàn, không phải Phật trong chùa, mà Phật ở ngay nơi mình. Đối với tất cả thị phi, thanh sắc, chúng ta giữ tâm, cố gắng làm chủ, đừng chạy theo nó. Người ta bảo “Nhất tu thị, nhị tu núi, ba tu chùa”. Tu chùa là dở nhất. Tại vì dở mới có hàng rào, có thanh quy kềm giữ. Quý vị tu tại gia là tu chợ, tu trong công sở, trong địa vị, danh vọng, sắc dục, tiền tài. Ngay những chỗ đó mà tu được, yên lắng được thì thật là dũng mãnh, tinh tấn. Trong các mối quan hệ nhân duyên, mắc cái này dính kia tùm lum chúng ta muốn an ổn thì phải tỉnh sáng. Vậy nên nói đạo Phật là đạo trí tuệ. Người tu theo đạo Phật là người có trí tuệ.

Chúng ta có thể tu ở chợ được khi nào tỉnh sáng, đừng bị những mọi thứ ngoài chợ dẫn đi. Chúng ta có thể tu trong công sở khi nào tỉnh sáng, đừng bị công việc trong công sở cuốn hút. Khi làm thì chú tâm vào việc đang làm. Làm xong buông ra, không tính toán nghĩ ngợi nữa. Được vậy là biết tu. Có thế mới tháo gỡ dần dần được. Nếu có tỉnh sáng ở đâu chúng ta cũng tu được hết. Chưa có tỉnh sáng thì Phật tử phải chịu khó sinh hoạt đạo tràng mỗi chủ nhật, chứ biết sao bây giờ? Nhờ thầy, nhờ huynh đệ nhắc nhở động viên, để tăng thêm sức mạnh tu hành. Có thầy bạn mắc mứu chỗ nào chúng ta đả thông giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng tiến lên.

Muốn làm chủ được thị phi thanh sắc, chúng ta phải có trí tuệ. Thiếu trí tuệ chúng ta khó làm chủ được. Như nghe người huynh đệ nói một câu trái tai, nếu lúc đó mình không tỉnh tự nhiên sựng lên liền. Thế là lời qua tiếng lại sanh chuyện. Con khỉ ý thức của chúng ta bén nhạy, lăng xăng, khôn lanh lắm. Tham sân tật đố ở đâu đầy trong bụng, đụng một cái là chỗ nào nó cũng có thể hiện ra. Cho nên hai người gây gỗ với nhau, miệng vừa nói là chân bốc lên tay bung ra liền. Ba thứ đó chắc đang nằm ở gần khuỷu tay hay dưới chân, động đến là nó nhảy ra liền. Vọng tưởng ở đâu không biết, mặt mày ra sao mình cũng xhẳng rõ, mà nó luôn sẵn sàng hiện hình với chúng ta. Nó hiện hình thì có vấn đề. Cho nên chúng ta phải tỉnh sáng, phải mạnh mới kiểm soát, mới làm chủ chúng được.

Tu hành phải bình tĩnh, phải gan dạ, đừng nóng nảy, bộp chộp. Nghe cái gì thì nghe, thấy cái gì thì thấy, từ từ coi đã, đừng vội. Mình vội vã hầm hét, đến khi qua cơn nhìn lại thấy thật tức cười. Như người đang làm trò trên sân khấu, không ai coi hết, một mình mình diễn rồi một mình coi. Đã nóng giận nói năng thô tháo thì thành nghiệp, kết oan trái, nuôi lớn chủng tử vô minh. Điều này quí vị phải thận trọng, chúng ta si mê nóng giận là từ mình làm hại mình thôi, chẳng ai chịu thiệt trong đó đâu.

Khi nào mình tỉnh, làm chủ được thì các giác quan sáng suốt đối với các sự kiện. Nói tới đây tôi nhớ tới thiền sư Bạch Ẩn ở Nhật Bản, một vị thiền sư nổi tiếng. Một hôm Ngài đang giảng giữa pháp hội đông đảo, một cụ già dẫn cô con gái bị hư hỏng của mình vào mắng vốn thiền sư. Vì cô con gái đổ thừa thiền sư là tác giả của cái bụng chữa hoang. Ông già bực bội nói với thiền sư Bạch Ẩn: - Đây là việc làm của Thầy! Thính chúng ngạc nhiên, thuở nay không nghe chuyện tài trời thế này. Nhưng Ngài Bạch Ẩn rất bình tĩnh chờ ông già nói xong, Ngài chỉ thốt lên hai tiếng: - Thế à? Khi ấy các đệ tử đi hết. Pháp đường trống trơn. Ngài cũng vẫn bình thường.

Cô gái sinh con, đem giao cho ông thầy. Ngài Bạch Ẩn cũng chỉ “Thế à?” Hằng ngày đi xin sữa nuôi đứa nhỏ nhưng Ngài vẫn bình thường. Cho tới một lúc, cô kia chịu hết nổi, cô nói với cha cô:

- Cha ơi! không phải ông thầy là tác giả sanh ra đứa bé đâu.

Ông già cô la hoảng lên:

- Trời ơi! Mày nói gì?

- Thiền sư bạch Ẩn không phải là cha của đứa bé.

Ông chạy lên chùa, lạy thiền sư và xin lỗi hết lời. Thiền sư cũng chỉ đáp: - Thế à.

Người tu hành sáng đạo là như vậy đó. Nếu không sáng suốt, tỉnh táo, không có tâm bình thường thì không đủ năng lực vượt qua những nghịch cảnh vô cùng sóng gió. Có những sự việc không thể nói ra bằng lời, không thể diễn tả được nỗi khuất lấp bên trong. Trị được những thứ đó bình ổn đòi hỏi phải có tu, có đạo lực.

Chúng ta tu thiền, trước nhất phải nuôi dưỡng và phát huy trí tuệ của mình, nó được hình thành, hiện bày ta mới bình ổn. Muốn cho sinh hoạt tu tập mỗi ngày mỗi tiến, quý vị phải thực sự có công đức tu hành. Nếu sinh hoạt đạo tràng chỉ là họp mặt bày ra hội hè, tổ chức này kia mà thiếu nội dung tu tập, thiếu sự chuyển hóa bên trong thì khó tồn tại dài lâu. Tam bành lục tặc nổi lên là đổ vỡ hết. Huynh đệ ngồi lại với nhau một cách thuận thảo từ đầu tuần đến thứ năm thứ sáu, nhưng bỗng dưng đến chiều thứ bảy nổi nóng đạp bàn ghế một cái thì tanh bành té bẹ hết. Trong đời sống này, những tình huống như thế xảy ra rất thường xuyên. Nếu không tỉnh giác, không tu tập, chúng ta sẽ phiền não khổ đau hoài.

Những chuyện xảy ra trong đời thường, chẳng có trường lớp nào dạy chúng ta cách đề phòng cả. Từ quê hương Việt Nam cho tới Úc châu, không đâu dạy những điều đó. Những điều quái gở ấy không biết đi cửa nào vô nhà chúng ta. Có ông thầy, ông thiền sư nào dạy chúng ta phiền não đâu. Chỉ có kinh tụng để hết phiền não, hết tiêu tai nghiệp chướng. Đôi khi quý vị tụng “Nam mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ-tát” nhưng nghiệp chướng bên trong không “Giáng kiết tường” gì hết. Tụng thì cứ tụng mà tiêu tai không biết có tiêu không? Bởi vì cái gọi là tâm chúng ta, nó chưa phải là tâm thật. Nó là bóng dáng, vọng tưởng, mấy mớ lăng nhăng, chúng không thật. Song khổ một điều là chúng ta sống với nó, ít khi nào ta sống với tâm thể rỗng rang sáng suốt chân thật của chính mình.

Nói đến tâm là nói đến cái rỗng rang sáng suốt. Chỉ khi nào ta có tu, có làm chủ được, có dẹp bỏ tất cả những vọng tưởng lăng xăng, thì cái rỗng rang sáng suốt mới có điều kiện hiện ra. Phật tuy sẵn có nhưng ba mớ tư tưởng lăng xăng lộn xộn đó phải dẹp đi, Phật mới hiện ra được. Nếu mình không tỉnh, bước ra một bước là bị trói buộc, bị dính mắc. Đối với người có tu hành, có công phu thì khác. Người có thời gian hành thiền sẽ được chuyển hóa. Chuyển hóa bằng cách bỏ hết những thứ đó. Hòa thượng Trúc Lâm dạy “Vừa có một niệm dấy khởi phải làm chủ, bỏ nó đi”. Bất cứ lúc nào ở đâu, không đợi tới ngày sinh hoạt đạo tràng, vừa có niệm dấy khởi là bỏ đi. Đừng lầm chạy theo nó, không để nó kéo lôi mình. Nhờ sử dụng trí tuệ Bát-nhã nên được định.

Ngay từ một niệm mình dừng được thì định tuệ hiện tiền, công đức phát sinh, trí tuệ Bát-nhã cũng tròn. Đó là công phu biết vọng. Người làm chủ được thì căn trần không dính nhau. Quý vị tu bất cứ pháp môn nào cũng được, miễn căn trần không dính nhau là có kết quả. Còn dính mắc thì khó lắm. Bởi vì căn dính với trần thì sinh ra chuyện khác. Giống như hoá học, chất này hợp với chất kia thì ra một chất khác. Bây giờ chúng ta không cho nó dính mắc nhau, thì không có vấn đề đằng sau đó. Tổ dạy “chỉ cốt làm sao thức tình không dấy động, tám gió thổi không lay chuyển, thấu tột được chỗ huyền nghĩa. Được thế, tha hồ thổi khúc vô sinh, hát ca thái bình.”

Thức tình là những sự phân biệt, vọng động. Nếu ta làm chủ được rồi thì tất cả những thứ đó không có năng lực làm dấy động, kéo lôi mình đi đâu hết. Tiến đến chỗ này rồi, nhất định không bao giờ ta đổ thừa hoàn cảnh, ngoại duyên nữa, lúc nào mình cũng làm chủ được. Làm chủ được thì các giác quan bình thường, sáng suốt và không dính mắc bên ngoài, cho nên mình được an nhiên, tự tại, giải thoát. Công phu tới đây có thể hát ca khúc thái bình, hành giả có thể nói “đất nước tôi thanh bình”.

Chẳng những hồi xưa mà thời nay, không luận người xuất gia hay Phật tử tại gia, nếu chúng ta áp dụng được, lúc nào cũng tỉnh sáng thì được an lạc như nhau. Đây là phương thức tu hành giản dị, bình thường, không khó khăn lắm, nhưng phải bền chí, liên tục. Các bậc thầy thường nhắc hành giả tu thiền: - Mỗi ngày con phải ngồi thiền hai thời. Sáng ngồi một tiếng rưỡi, tối ngồi một tiếng rưỡi. Sở dĩ ngồi thiền là vì mình chưa tụng được bản kinh thở ra không dính, hít vào không mắc. Chúng ta chưa làm chủ được thanh sắc, chưa làm chủ được các giác quan của mình, cho nên phải ngồi thiền. Chúng ta phải nguyện tu hành chừng nào thành Phật mới vừa lòng con. Cứ phát nguyện mạnh như thế đi, không có ai rầy đâu.

Người ngồi thiền đều đặn, có làm chủ được một phần đối với sinh hoạt của mình, thì những căng thẳng trong công việc sẽ giảm đi. Dù công việc bận rộn cỡ nào, người có công phu tu thiền cũng chuyển hóa được. Mỗi giới, mỗi hoàn cảnh, mỗi người đều có một phần việc, nhất là quý vị cư sĩ rất bận rộn với đời sống thế tục. Nếu không hành thiền dễ dẫn đến tình trạng căn thẳng. Chúng ta tu thiền, khỏi phải tốn tiền đi Bác sĩ xin thuốc uống cho bớt căng thẳng. Do nhiều việc mình chưa buông được, rồi cứ lo lắng chộn rộn nên mệt mỏi. Bây giờ ngồi lại yên lắng, buông xả bớt, thân tâm nhẹ nhàng, chúng ta sẽ bớt mệt bớt căng thẳng.

Tu nghĩa là gì? Là sửa. Cái gì xấu bỏ đi. Cái gì không cần thiết bỏ đi. Cái gì không tốt bỏ đi. Tham, sân, si, phiền não, tật đố, bỏ đi. Phải sửa những cái đó, không sửa là không tu. Người có hành thiền là có chuyển hóa. Nhưng khi tu phải khéo, nhàn nhàn thôi, không nên căng quá, vì căng quá cũng dễ mệt lắm. Giữ đều đặn hai giờ thiền, vì nó sẽ giúp quý vị điều hòa thân tâm, lấy lại thế chủ động của mình. Năng lực lần lần phát sinh từ sự tu tập đều đặn, chúng ta có sức mạnh chịu đựng, đối diện với mọi hoàn cảnh một cách bình thường.

Điều này không ai ban cho mình, mà từ trong công phu được như thế. Như hồi trước quý Phật tử đến chùa thấy thầy trụ trì còn trẻ, bận rộn nhiều việc nên ai hỏi lung tung, có khi thầy nổi nóng la cho một trận. Nhưng vài năm sau quý vị trở lại, thấy thầy ngồi đâu đó đàng hoàng, sao giống ông Phật quá! Ai đó nói chuyện chọc tức mà thầy cũng bình thường. Bấy giờ quí vị hỏi: Thưa Thầy, Thầy học ở đâu được như vậy? Thầy trả lời “Đâu có học ở đâu”. Thật ra tu lâu ngày tự nhiên đức độ, đạo hạnh tự toát ra như vậy. Đó chính là sự chuyển hóa. Chúng ta dẹp sạch hết ba cái vớ vẫn, tự nhiên ông Phật của mình có chỗ ngồi đàng hoàng. Cho nên khi nào quý vị tới chùa thấy thầy Trụ trì ngồi bình yên là biết thầy “lớn tuổi” rồi, chững chạc rồi, có công phu tu hành rồi.

Tôi nhắc lại, chuyển hóa là dẹp được, bớt được những căng thẳng đối với tất cả công việc bộn rộn của chính mình. Đức tính thứ hai của người hành thiền là bớt lo âu. Chúng ta thường có tật lo âu. Cái gì cũng lo được hết. Nghe chùa bên kia bị người ta dọn đồ, bên đây làm thêm mấy lớp cửa, mua ổ khóa điện tử lắp vô. Lo âu! Đó là một loại bệnh. Mình lo luôn cả những việc ngoài tầm tay. Người có công phu tu hành sẽ giảm bớt những lo âu này. Thật ra chúng ta lo cái gì? Phật tử tu theo đạo Phật phải nắm vững luật nhân quả. Biết rõ mọi việc từ nhân duyên quả báo mà có, chúng ta bình thường, an ổn. Bởi vì rõ ràng không có quả nào tự nhiên tới với mình. Nếu của ai đó mà táp vô mình thì nó không thể dính mình được. Dù có dính người ta điều tra ra, không phải của mình nó cũng bay đi. Như câu chuyện của thiền sư Bạch Ẩn ở trên, tất cả đều qua đi, không dính dáng chi với Ngài, vì nó không phải là của Ngài.

Cho nên người tu theo đạo Phật hiểu được nhân quả, nắm vững tin chắc nhân quả, người đó rất bình thường. Đây là căn bản học hiểu Phật lý của người con Phật. Chúng ta vững rồi thì nhất định không ma mị nào làm gì được chúng ta. Giả dụ lát nữa quý vị ra ngoài kia có người nói: - Theo tôi đi! Tôi dạy ba tháng tu là bay được. Tự động quí vị trả lời - Tôi không muốn bay đâu, đi bộ chơi cho khỏe. Quý vị sẽ có đức điềm tĩnh, chắc chắn như vậy.

Người tu thiền phải có nghị lực. Nghị lực này từ công phu được thể hiện. Ví dụ có người nói thế này:

- Thầy ơi con sợ ma quá!

- Có thấy ma ra làm sao không?

- Dạ chưa từng thấy.

- Chưa từng thấy sao sợ?

- Thưa Thầy, đi ngang chỗ đó con thấy mả mồ, đồng hoang là biết có ma rồi!

- Nếu có việc phải qua chỗ đó thì làm sao?

- Thì con niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Âm.

Niệm Quan Aâm người đó hết sợ. Chân cứ bước, qua khỏi chỗ đó giữa khuya lặng lẽ toát mồ hôi hột nhưng nhờ niệm danh hiệu Bồ-tát họ thấy bình thường. Đó là một cái cách áp dụng. Bây giờ thay vì niệm “Nam mô tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát”, mình biết ma không thật nên không them sợ nó. Thân này không thật, tâm cũng không thật, mả mồ không thật, mọi thứ đều không thật, ma cũng không thật, sợ cái gì? Diễn giải loanh quanh một hồi tự nhiên giải mã được thì hết sợ. Nhưng tới đó mà lý giải thì muộn lắm, phải không? Lúc đó đã sợ rồi, run đi không được sức đâu mà lý giải. Cho nên bình nhật phải huân tu, tỉnh táo, mạnh mẽ thì khi gặp việc tự nhiên vững vàng, định tĩnh.

Có một người kể cho tôi nghe chuyện sợ ma rất vui. Ở vùng họ ở có một đồng mả chênh chếch phía dưới. Có những cây rừng không ra rừng mà nó lộn xộn. Người ta đồn vùng đó có ma, người đi ngang hay bị dẫn, bị phá. Hôm đó người cháu ở xóm trên có việc đi xuống người chú. Bấy giờ người chú cũng có việc lên xóm trên. Ông loay hoay sao trở về nhằm lúc tối. Cả hai chú cháu đều sợ ma, nhưng công việc không thể không đi. Ông cháu bên đây bắt đầu đi, đến chỗ đó nhắm mắt mà chạy. Ông chú bên kia tới chỗ đó, cũng nhắm mắt chạy. Cả hai đều tháo chạy. Càng chạy càng nghe tiếng thình thịch sau lưng. Sợ quá, không ai dám mở mắt, đến lúc nghe một cái “rầm”, cả hai chú cháu cùng quỵ té lỗ đầu chảy máu, sợ chết đứng, thì hay ra không phải ma! Cũng may lúc đó ông chú bình tĩnh trước, biết không phải ma rồi mà là người ta, nhưng không biết ai? Tới chừng coi lại, té ra thằng cháu của mình. Thằng kia sợ quá muốn chết luôn, hỏi “Ông là ai?” mà hỏi cũng không ra tiếng nữa! Ông chú hỏi:

- Mày đi đâu?

- Đi bên chú về.

- Chú đi đâu?

- Đi bên mầy về.

Hai chú cháu gặp nhau, đầu mọc cục u, lúc đó hết sợ ma!

Đó là chuyện vui nhưng cũng nói lên cho chúng ta biết tất cả đều do tưởng mà ra, chứ không có ma thật. Nếu mình không tỉnh giác thì cũng xử sự kiểu hai chú cháu kia.

Chúng ta không thể hẹn với thân này, với tâm này, với hoàn cảnh này. Nếu hẹn là chúng ta thua. Nếu thành công theo kiểu hết sợ ma thì đã lỗ đầu chảy máu thì thà không thành công còn hơn. Cho nên ta phải bắt đầu, phải sắp xếp làm sao cho công phu tu hành hằng ngày liên tục, không bị bất cứ vấn đề gì làm sai suyển công phu của mình. Cho nên các tổ hồi xưa nói: - Thời thường ông không lo tu! Đợi đến cái lúc khát nước cháy cổ rồi mới lo đào giếng thì làm sao kịp? Tất cả chúng ta được duyên gặp Phật pháp, có thầy hướng dẫn, đầy đủ sự tỉnh táo, có điều kiện tu học, nên phải nỗ lực. Không nói thời gian, không đợi chờ và cũng không ỷ lại, tự chúng ta phải giải quyết việc của mình. Nói thì dễ nhưng làm rất khó. nếu Giống như người nói ăn thứ này thứ kia mà không ăn thì bụng đói meo, hoặc như đếm của báu cho kẻ khác, đếm xong rồi trong túi vẫn không có đồng xu nào. Thành ra phải tu thôi.

Thân này giả dối mỏng manh quá. Một cơn gió có thể làm mình bị cảm, con virus nhỏ xíu có thể làm mình chết. Văn minh tiến bộ của khoa học giống như con dao hai lưỡi. Lợi thì cũng lợi lắm, nhưng tai hại cũng ghê gớm. Như bây giờ người nắm chốt trái bom nguyên tử bất thần không bình thường, họ bật một cái là tiêu hết. Nguy hiểm vô cùng. Đối với thân này cũng vậy, có khi nào chúng ta hoàn toàn bình yên đâu. Nhất là tuổi 50, 60, 70 trở lên, lúc lạnh, lúc nóng, bữa ho, bữa nghẹt mũi, đủ thứ chuyện. Vì vậy chúng ta phải quan tâm, phải sắp xếp, phải lo việc của mình. Tức là ngay trong đời thường phải lo tu, mới đảm bảo giải quyết khi ra đi.

Như tôi đã nói người hành thiền thì có nghị lực. Ở đây người biết lo tu sẽ khôn ngoan giải quyết được tất cả sự cố trong đời mình. Tất cả chúng ta đều bị bản án là phải chết. Nhưng huynh đệ chúng ta chưa chuẩn bị cái đó. Tìm một chỗ bảo hiểm nào cũng không ai nhận, mình tự bảo hiểm cho mình thôi. Ai cũng phải tới cái chỗ đó. Bây giờ chỉ còn có phương pháp Phật dạy, còn sự thể nghiệm chân thật của chúng ta. Muốn bình ổn chúng ta phải làm chủ được. Đó là công đức chuyển hóa của người tu thiền.

Thêm một điều nữa, người thiếu tự tin khi hành thiền sẽ gầy dựng được niềm tin. Thiếu tự tin cái gì? Không tin mình có khả năng thành Phật, không tin mình có chất Phật. Bởi thiếu niềm tin nên sống không có mục đích, không có niềm vui, sống trong tăm tối. Từ sự tăm tối dày đặc đó gieo nhân bị quả, khổ chồng thêm khổ. Trong kinh nói là Khổ Khổ, nghĩa là từ khổ đến khổ, từ tối đến tối. Chúng ta là con Phật, dù chưa giác ngộ thành Phật, nhưng tin mình có khả năng thành Phật, bắt đầu gầy dựng sự sáng suốt của mình. Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận lầm lũi đi trong tăm tối mãi.

Có một ông thầy đến thưa hỏi Phật pháp với thiền sư. Thiền sư thử ông thầy thế này:

- Ta nghe ở Meo-bình có một cục đá bị ông Bang trưởng sút đi phải không?

Ông thầy trẻ trả lời:

- Chẳng những ông Bang trưởng ở Meo-bình, mà người khắp trong thiên hạ cũng không làm gì được cục đá.

Thiền sư nghe nói ngạc nhiên:

- Ông do học mà được hay do xem kinh mà được.

- Không do học cũng không do xem kinh.

- Sao người khác không học, không xem kinh lại không được.

- Đừng nói họ không được, chỉ tại không dám nhận thôi.

Trong số những người không dám nhận có chúng ta. Mình không dám nhận khả năng thành Phật, chất Phật của mình, chứ không phải mình không có. Quý vị từng tụng kinh Pháp Hoa thấy rõ, Phật nói gốc gác của chúng ta là con ông Trưởng giả giàu có vô lượng. Nhưng mình cứ lủi thủi làm anh chàng gánh phẩn, làm thuê làm mướn. Tối tăm đến mức độ đó. Một hôm “rủi ro” đi ngang nhà bố mình, thấy cửa to cổng lớn sang cả quá, hoảng vía không dám đến gần, co giò chạy vì sợ “Chỗ này quan quyền đây, nếu lảng vảng một lát sẽ bị bắt”. Thực sự đó là quê hương của mình, là nơi chôn nhau cắt rún của mình. Sự nghiệp ấy là của mình. Khi nghe đức Phật nói thế rồi, gã cùng tử kia mới chợt tỉnh, nhận ra của báu nhà mình, nhận lại nguồn gốc trưởng giả của mình.

Phật đã giác ngộ, chúng ta là con Phật cũng sẽ giác ngộ như Ngài. Nhưng mình không dám nhận như thế, cứ bám theo những thứ không thật rồi tạo nghiệp, trôi lăn trong trầm luân sanh tử. Phật muốn cứu mình cũng không chịu nghe. Cho nên nói không có niềm tin là không tin vào khả năng giác ngộ, khả năng thành Phật của mình. Bởi thế nên cứ điên đảo ngược xuôi, lẫn trong phàm trần làm kẻ cùng tử lang thang. Nghe lời Phật dạy, chúng ta cảm xúc vô cùng. Phật từ bi đáo để. Ngay phẩm đầu kinh Pháp Hoa, Phật nói nhiệm của chư Phật ra đời là để chỉ cho chúng sanh nhận ra Phật tri kiến, nhận ra khả năng thành Phật của mình. Chúng ta không tin thì thôi, biết làm sao hơn!

Chúng ta hành thiền thì phải tin ngay trong đời này có thể sáng được việc lớn, nghĩa là nhận được tánh giác. Bởi tin như vậy, nên ta tinh tấn phấn chấn trong công phu. Do vậy tôi nói người có hành thiền sẽ được chuyển hóa, gầy dựng được niềm tin có khả năng thành Phật. Người xưa tu hành tin như vậy, ngày nay chúng ta tu hành, tại sao chưa dám tin? Chúng ta đã được học, được nghe, được nhắc nhở, thì hãy thực hành để vững niềm tin với chính mình. Khi vững niềm tin rồi, con đường sanh tử có thể cắt, có thể thâu ngắn lại. Bởi vì chúng ta nhận được mình là con ông Trưởng giả, sự sản này là của chúng ta. Chúng ta là con của Phật, Phật đã giác ngộ, chắc chắn chúng ta cũng sẽ giác ngộ. Tin chắc như thế, chúng ta sẽ thành công.

Đó là bước chuyển hóa căn bản của người tu hành, không những tu thiền mà đối với tất cả pháp tu Phật dạy. Chúng ta tu pháp nào chúng ta cũng phải vững niềm tin. Nếu chúng ta không có chất Phật, chúng ta niệm Phật làm sao khế hợp để Phật rước, phải không? Tin chắc như thế chúng ta mới dám bỏ công việc, dám bỏ tất cả mọi thứ bên ngoài, tập trung vào việc tu. Niềm tin này sẽ dẫn đến sự bình an cho mình, sẽ hình thành đài hoa dâng lên cúng dường chư Phật và các bậc thiện hữu tri thức đã trợ giúp, khai thị cho chúng ta thành tựu sự giác ngộ. Không có sự việc gì đùng một cái nó đến, mà rõ ràng trong từng phút giây, từng giai đoạn, trải qua quá trình tu tập, chúng ta mới gặt hái được.

Người tu thiền có công phu điều hòa rồi sẽ hài hòa với mọi người. Người ngồi thiền thanh tịnh có phong thái rất trong sáng, lời nói chậm rãi từ tốn dễ nghe, không gắt gỏng, không mắc mứu. Từ “hài hòa” rất đặc biệt, giống như từ “phấn đấu” vậy. Hài hòa được với tất cả, trong giấc ngủ, trong bữa ăn, trong tất cả tiếp xúc, trong công việc. Đó là kết quả chúng ta gặt hái được trong công phu.

Tu thiền sẽ không rơi vào tâm trạng bất đắc chí. Tôi nhớ có lần lên Đại Ninh, thăm Hòa thượng Thiền Tâm. Thầy hỏi:

- Nhật Quang lúc này làm gì?

Tôi thưa:

- Dạ con đang học ở Vạn Hạnh, nhưng tự nhiên con muốn nghỉ, không muốn học nữa.

Thầy hỏi:

- Vậy tính làm gì?

- Bạch Thầy, con chưa tính làm gì hết, và cũng không biết làm gì?

Thầy nói:

- Coi chừng thành người bất đắc chí đó.

Thầy hạ ngữ một cái, tôi giật mình! Trời ơi, bất đắc chí là cái gì? Chữ “bất đắc” là không được, hình như nó không đến trên mà không đụng dưới, treo lơ lửng thì phải. Lọt vô cái thế bất đắc chí thì nguy hiểm lắm “Thượng bất đáo, hạ bất chí”. Mà người tu thì không nên như thế. Chúng ta phải thương mình, mạng sống ngắn ngủn không có gì bảo đảm, mọi thứ xung quanh luôn đổi thay. Vô thường chẳng tha một ai. Nó chụp lên thì xinh tươi hóa ra héo úa, tốt đẹp hóa ra xấu xí, ngay thẳng hoá ta cong quẹo v.v... Do vậy thương mình thì phải tu tập thật gấp. Thương mình không có nghĩa là dung dị nuôi dưỡng thói hư tật xấu của thân tâm này. Thương mình bị vô thường chi phối, mạng sống không bảo đảm, mọi thứ xung quanh đổi thay vùn vụt, nên phải tranh thủ tu cho đắc lực.

Tóm lại, người tu thiền là người có đức tỉnh sáng, có trí tuệ, nhận biết các sự kiện xung quanh một cách rõ ràng. Người này chuyển hóa được tất cả các sự kiện, các hiện tượng quanh đời sống mình. Từ đó gầy dựng niềm tin vững chắc rằng mình có khả năng thành Phật. Cuối cùng người tu có đức hài hòa, độ lượng, bình thường an nhiên. Phong thái của người đệ tử Phật không thể thiếu những công đức này. Được thế chúng ta tự lợi mà còn có khả năng lợi tha rất lớn. Sự an vui của mình sẽ lan toả và ảnh hưởng đến mọi người chung quanh. Huynh đệ sống xa quê hương cần có sự thông cảm, gần gũi nhau để nâng đỡ tu hành.

Đó là một vài suy nghĩ của chúng tôi, xin được gởi đến toàn thể quý Phật tử trong đạo tràng Thiền tự Hiện Quang và Thiền tự Pháp Loa. Kính chúc tất cả tinh tấn tu hành chừng nào bằng Phật mới thôi.


 

[ Quay lại ]