headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGHĨ VỀ HOẰNG PHÁP QUA PHƯƠNG TIỆN PHẬT GIÁO TÍN NGƯỠNG Ở VIỆT NAM

Thích Hạnh Chơn

hoangphapLTS: Việc truyền bá Phật giáo luôn là một sứ mệnh thiêng liêng nhưng cũng đầy cam go đối với người đệ tử Phật. Lịch sử truyền bá Phật giáo cho thấy, sự du nhập của Phật giáo vào mỗi xứ sở đều luôn chịu sự tác động của nền văn hóa bản địa. Việc dung hòa một số tập quán-tín ngưỡng của mỗi xứ sở vào trong Phật giáo, để từ đó giáo pháp Phật giáo dễ dàng được tiếp nhận hơn là điều những người truyền đạo xưa nay từng làm. Để Phật giáo được phổ truyền sâu rộng, người hoằng đạo đã biết khéo léo sử dụng những phương tiện khác nhau nhằm cho quần chúng có thể tiếp cận được với giáo lý Phật giáo theo một cách tốt nhất. 

Nhưng việc sử dụng phương tiện như thế nào để giáo lý Phật giáo vẫn giữ nguyên được bản chất của nó, và hình ảnh của Phật giáo không bị méo mó thì đòi hỏi đến lòng từ bi và trí tuệ của người hoằng đạo. Thực sự, theo Phật giáo, một người thực hiện phương tiện thiện xảo (upaya) phải luôn có đủ hai phẩm chất từ bi và trí tuệ. Bởi vì thiếu đi hai phẩn chất này, theo cách này hay cách khác, người hoằng đạo có thể gây hại cho tôn giáo của mình và rơi vào nhưng hoạt động mang tính tư lợi. Bài viết dưới đây của thầy Thích Hạnh Chơn đã phác vễ nên một khía cạnh sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Khía cạnh đó, có thể được chuyển đổi khi người hoằng đạo nhận thức nó chỉ như một “phương tiện”, và khéo sử dụng nó cho việc đưa quần chúng đến với giáo lý đích thực của Đức Phật, chứ không xem nó như là một sự cứu cánh. Nguyệt san Giác Ngộ chân thành cám ơn tác giả và xin trân trọng giới thiệu bài viết đến với quý độc giả.

Phật giáo hiện này dù muốn hay không vẫn đang tồn tại hình thức tín ngưỡng được các tín đồ thực hành nhiều nơi. Trước nhu cầu thực hành tín ngưỡng rất lớn của các tín đồ (chưa quy y Tam bảo) nói chung và hàng Phật tử (đã quy y) nói riêng, các Tăng Ni phải phục vụ nhu cầu ấy với những hình thức rất đa dạng. Qua việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, Tăng Ni đưa quần chúng về với đạo Phật để từ đó dần dần hướng họ đi theo Chánh pháp. Vấn đề này hầu như tất cả Tăng Ni đều biết và hầu hết đều nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, điều kiện cuộc sống thực tế luôn thử thách ý chí của các nhà hoằng pháp và trong nhiều trường hợp nó kìm hãm vai trò của họ. Để tìm hiểu vấn đề tế nhị và dễ gây tranh luận này, bài viết sẽ đề cập đến ba vấn đề là nhu cầu Phật giáo tín ngưỡng của tín đồ, việc Tăng Ni phục vụ nhu cầu ấy và sự hoằng pháp qua công việc này.

Thực hiện nhu cầu Phật giáo tín ngưỡng của tín đồ

Trở về nguồn cội của Phật giáo, bóng dáng của tín ngưỡng khó có thể tìm thấy trong đạo Phật. Dĩ nhiên, đạo Phật được đề cập ở đây hẳn phải là đạo Phật Nguyên thủy hay đạo Phật nguyên chất theo như cách gọi hiện tại. Theo các kinh điển Pali, Đức Phật không khuyến khích đệ tử hay tín đồ lễ lạy và cầu nguyện trước bất cứ hình tượng các Đức Phật quá khứ, vị Bồ-tát hay các thần linh. Ngài chỉ khuyến dạy đệ tử kính lễ bậc đáng tôn kính nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với họ theo phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương. Đối với Đức Phật, các đệ tử bày tỏ lòng tôn kính bằng cách ôm chân Phật-một cách bày tỏ lòng tôn kính theo truyền thống văn hóa Ấn Độ. Sự cầu nguyện bằng cách xin ban phát lộc từ Đức Phật hay các Thánh đệ tử không tìm thấy trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy. Bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (sigalovada sutta) thuộc kinh Trường bộ hay còn gọi là kinh Thiện Sanh thuộc bộ Trường A-hàm có thể được xem như là quan điểm của Đức Phật về lễ bái tín ngưỡng.

Đức Phật khuyến dạy tu tập, thực hành các điều thiện, các điều đạo đức thay vì lễ bái tín ngưỡng để cầu xin suống. Theo nội dung bài kinh vừa nêu, nhân khi thấy chàng thanh niên tên Thiện Sanh (Sigala) lễ bái sáu phương (Đông, Nam, Tây, Bắc, dưới và trên), Đức Phật đã hỏi chàng thanh niên nguyên do và ý nghĩa của việc lễ bái ấy. Sau khi nghe chàng thanh niên đáp xong, Đức Phật bảo chàng thanh niên trong pháp Ngài cách lễ sáu phương không phải như vậy. KHi chàng thanh niên thưa hỏi về lễ bái sáu phương trong luật pháp của các bậc Thánh, Đức Phật chỉ dạy cho anh về các pháp và các điều đạo đức mà một vị Thánh đệ tử phải từ bỏ hoặc thực hành theo. Tương ứng với sáu phương, Phật dạy phải hiểu ý nghĩa của nó như sau: phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là vợ con, phương Bắc là bạn bè, phương dưới là người thuê làm, phương trên là các bậc trưởng thượng, xuất gia, tu sĩ. Tương ứng với mỗi phương hay mỗi mối quan hệ, Đức Phật dạy về bổn phận của mỗi bên(1). Thực hành được những lời dạy này thì sự lễ bái và cung kính trong pháp và luật của bậc Thánh xem như là đã thành tựu. Tuy nhiên, lễ bái theo cách Phật dạy không phải ai cũng có thể thực hành trọn vẹn nhất là trong thời đại Phật giáo tín ngưỡng thịnh hành.

Phật giáo tín ngưỡng gồm các hình thức thờ cúng, lễ lạy, cầu nguyện…dần dần xuất hiện sau Đức Phật nhập diệt vài thế kỷ và trở nên phổ biến sau đó cho đến ngày nay. Dựa theo sử liệu thì các hình thức lễ lạy các tháp thờ xá lợi Phật và Thánh tăng rồi đến lễ lạy hình tượng các đức Phật có thể xác định là khoảng thế kỷ thứ II, I trước Tây lịch (2). Ban đầu tín đồ lễ lạy là để bày tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ Đức Phật và cũng để học theo các đức hạnh của Phật. Nhưng sau đó, lễ bái hình tượng các Đức Phật không chỉ dừng lại ở mục đích ấy mà còn là để cầu nguyện và thậm chí cầu xin ban phát phước lộc. Ngày nay chỉ một số ít các thiền viện, tự viện hướng dẫn các tín đồ lễ lạy thuần túy để tôn kính, học tập đức hạnh của Đức Phật và xem cầu nguyện như là pháp hành. Còn lại hầu hết các tín đồ đến chùa lễ bái đều cầu xin một điều gì đó từ Đức Phật hay chư Bồ- tác, Thánh tăng. Điều đó thiết nghĩ cũng là rất bình thường và cũng tốt cho đời sống tín ngưỡng cho họ. Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần quan tâm là các hình thức tín ngưỡng bản địa hay các tôn giáo bản địa  được đạo Phật dung hoá trong quá trình truyền bá nhiều lúc lấn át Phật giáo tín ngưỡng, bị hiểu lầm là của Phật giáo và trong nhiều trường hợp các hình thức ấy đã làm cho tín đồ hoang mang và lo lắng tai hại. Tại sao hiện tượng này tồn tại và phổ biến sẽ được đề cập ở phần dưới. Ở Việt Nam, Phật giáo tín ngưỡng xuất hiện ngay từ những ngày đầu truyền vào Việt Nam (3) và vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Từ chỗ Đức Phật là bậc đạo sư dẫn đường, tín đồ xem Đức Phật là đấng quyền năng cao tột nhất có thể ban phước. Tuy nhiên, vì họ chưa đủ niềm tin tuyệt đối vào Đức Phật  và Thánh chúng Bồ- tát nên họ thờ cúng thêm các vị thần khác xuất phát từ các tôn giáo khác hay từ tín ngưỡng địa phương. Dù rằng việc thờ cúng, lễ bái, cầu nguyện là những nhu cầu không thể thiếu của các tín đồ nhưng việc thờ phụng, lễ bái không đúng Chánh pháp nhiều khi lại đem đến bất an và tổn thất. Một thí dụ dễ thấy là việc cúng sao giải hạn được diễn ra hằng năm vào đầu năm. Rất nhiều người lo sợ gặp sao hạn xấu và tìm nhiều cách đến chùa nhờ thầy cúng giải sao hạn. Để đáp ứng nhu cầu của tín đồ, các chùa tổ chức cúng lễ cầu an. Tuy nhiên nhiều chùa còn thu hút tín đồ nên đã tổ chức cúng sao giải hạn với nhiều hình thức đa dạng mặc dù tín ngưỡng này không phải của Phật giáo và cũng chẳng có kinh điển nào dạy về cách cúng giải trừ các sao hạn này. Có thể nói đây là một thử thách lớn đối với Phật giáo nói chung và các vị hoằng pháp (các trụ trì) nói riêng.

Vấn đề phục vụ Phật giáo tín ngưỡng

Phật giáo tín ngưỡng đã và đang tồn tại và việc phục vụ nhu cầu ấy có thể nói là trách nhiệm của Tăng Ni. Tuy nhiên, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng để truyền bá Chánh pháp và phục vụ tín ngưỡng như là cách mưu sinh hoàn toàn khác nhau về bản chất và cách thức hành đạo. Cách thứ nhất thì đòi hỏi thời gian lâu dài và phải có tâm về Phật pháp trong khi cách thứ hai đem đến kết quả nhất thời nhưng mang tính thực dụng không cần biết tương lai Phật pháp. Đứng trước hai vấn đề vừa nêu, sự lựa chọn có thể rơi vào ba trường hợp là: chỉ chọn cách thứ nhất, chỉ chọn cách thứ hai hay có thể chọn cả hai cách và ưu tiên chúng theo từng giai đoạn. Cách thứ nhất dành cho những người có tâm muốn truyền bá Chánh pháp thông qua phương tiện tín ngưỡng. Cách thứ hai dành cho những người đang có nhu cầu lợi dưỡng vật chất. Và cách thứ ba dành cho những người có cả hai yếu tố trên. Tăng Ni sẽ chọn phục vụ tín ngưỡng theo cách nào là hoàn toàn phụ thuộc vào tâm nguyện của họ. Phật giáo không có một quy định cụ thể nào về vấn đề này bởi do tính đặc thù của đạo Phật là tự giác, dùng đức cảm hóa. Nhưng có thể nói, những Tăng Ni chân chánh phát tâm truyền bá Chánh pháp thì cách thức thứ nhất là ưu tiên trước nhất.

Phục vụ Phật giáo tín ngưỡng là trách nhiệm của Tăng Ni nhưng đồng thời cũng là điều kiện sống của nhiều chùa, nhất là ở các tỉnh lẻ. Có thể nói các chùa là nơi đáng tin cậy nhất so với các đình, miếu để các tín đồ đến thực hiện nhu cầu tín ngưỡng. Hơn nữa, chùa cũng là nơi có các Tăng Ni kế thừa ổn định để một mặt giữ gìn Phật pháp và mặc khác phục vụ tín ngưỡng. Điều này lý giải tại sao việc cúng sao giải hạn vẫn tồn tại trong các chùa như đã nêu ở phần trên. Trong Phật giáo, điều kiện sống ở các tự viện hoàn toàn phụ thuộc vào Phật tử, tín đồ xa gần có mối liên kết với chùa đó. Phần lớn tín đồ đến chùa để được đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thay vì học hỏi giáo lý. Thực tế, có rất ít Phật tử đến chùa tư vấn về giáo lý để áp dụng tu tập chuyển hóa những nổi khổ của họ. Về tín ngưỡng, các hình thức phổ biến bao gồm cúng sao giải hạn dịp đầu năm, xem ngày giờ, cầu an và đặc biệt cầu siêu lễ tang. Các chùa ở các tỉnh lẻ nếu không phục vụ nhu cầu này thì khó có thể tồn tại vì không có tìn đồ, không có tài chính sinh hoạt. Do đó, cách mà hầu hết các chùa đang làm là phục vụ tín ngưỡng để có thể duy trì sinh hoạt bổn tự và qua đó ít nhiều đưa tín đồ về với đạo Phật.

- Nguồn NSGN -

[ Quay lại ]