headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Cách Thức Giáo Hóa Chúng Sanh-tiếp theo

daisuhamsonĐại sư Hám Sơn – NS Hạnh Huệ dịch

Như trên đã nói, pháp tu hành của người xuất gia và tại gia, tuy cạn sâu không đồng, là pháp Phật thuyết trong hai mươi năm đầu. Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, pháp được thuyết có ba thừa là Tiểu, Trung, Đại thừa, hai mươi năm đầu chỉ nói hữu giáo gọi là Tiểu thừa.

Phật nói có cái khổ sanh tử trong ba cõi có thể ra khỏi, có Niết-bàn Nhị thừa có thể cầu, có nhân quả cõi lành Trời Người, có nhân quả ác nghiệp tam đồ, tất cả các pháp là thực có nên nói pháp Tứ đế.

Đế tức là thực. Tứ đế là bốn pháp khổ, tập, diệt, đạo là thực. Thực có khổ có thể thọ. Tập là tham, sân, si, ái, phiền não. Ngài nói phiền não này là nhân của các khổ, hay chiêu quả khổ nên nói thực, thực có tập của phiền não có thể đoạn.

Diệt là Niết-bàn thiên không của Nhị thừa, vượt ra ngoài ba cõi. Do ra khỏi sanh tử, chứng được Niết-bàn này, nên nói là thực, thực có Niết-bàn có thể chứng.

Đạo là phương pháp tu hành, là chỗ tu của Nhị thừa: chán khổ, đoạn tập, mộ diệt, tu đạo. Đĩ là bát bối xả, ngũ đình tâm quán : Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, lại có quán tổng tướng niệm, biệt tướng niệm... Đây gọi là pháp tu ra khỏi khổ của người tiểu căn, là Tiểu thừa giáo.

Lại có một hạng căn khí có chút lanh lợi gọi là Trung thừa, tức là Phật mở rộng Tứ đế trước, thuyết pháp Thập nhị nhân duyên: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, ưu bi, khổ não. Đó gọi là mười hai hữu chi. Mười hai chi này gồm nhân quả ba đời: quá khứ hai chi nhân là vô minh, hành; hiện tại năm chi quả từ thức đến thọ; hiện tại ba chi nhân là ái-thủ-hữu; vị lai hai chi quả là sanh-lão-tử ưu bi khổ não. Duyên là dẫn nghĩa là nhân quả luân hồi ba cõi, dẫn dắt lẫn nhau mà có. Vì người căn cơ bậc trung quán mười hai nhân duyên này có hai môn lưu chuyển và hoàn diệt.

Nghĩa là từ vô minh đến lão tử... là môn lưu chuyển. Nếu vô minh diệt thì mười hai hữu chi đều diệt là môn hoàn diệt. Quán ngược xuôi như thế thì ngộ vô sanh. Chứng quả Bích chi Phật, Độc giác là pháp Trung thừa vậy. Pháp Nhị thừa này, Phật thuyết trong hai mươi năm vì những người căn cơ chậm lụt không kham thọ Đại thừa. Nên là quyền tạm.

Sau hai mươi năm này, căn cơ dần dần thông thái, Phật mới thuyết Đại thừa Bồ Tát tu pháp Lục độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Sáu độ này là chỗ tu của Bồ Tát đại thừa, gọi là Đại thừa.

Nếu tu sáu độ này, riêng vì “hạ độ chúng sanh, thượng cầu Phật quả”. Pháp Lục độ này lấy Bát-nhã làm chủ, nên thời thứ hai Phật thuyết kinh Bát-nhã có 22 năm, kinh này nhiều nhất, đem qua Trung Hoa có 8 bộ Bát-nhã cộng sáu trăm quyển.

Kinh này hoàn toàn nói về trí tuệ chân không Bát-nhã, phá cái hữu kiến về Niết-bàn sanh tử của Nhị thừa, bàn rộng về Lục độ cho đến các pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên đều lấy Bát-nhã chân không làm cực tắc, đào thải cái thấy “chấp có” trước, như tâm kinh Kim Cương, đều là tông cực của Bát-nhã. Vì Nhị thừa trước chấp không là thiên không, nghĩa là cái không đoạn diệt. Nay Bát-nhã là thật tướng chân không, do Phật thuyết tam quán: không, giả, trung là diệu môn thành Phật. Chỉ một bộ kinh Bát-nhã này thuyết riêng một không quán, nên là cửa đầu tiên nhập vào Đại thừa, là diệu pháp tu hành của Bồ Tát. Bát-nhã là tiếng Phạn, đây là trí tuệ, vì thế Bồ Tát lợi ích chúng sanh, lấy trí tuệ làm đầu.

Chỗ nói : Không trí tuệ thì bị phương tiện cột, có huệ thì phương tiện mở. Nhưng một môn không quán này tuy ghi trong tám bộ Bát-nhã, kỳ thật rất mau tắt, thiết yếu. Chỉ ở Tâm kinh đã gồm đủ 14 hạnh nghiệp, một cuốn Tâm kinh lại riêng ở một câu “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” đã đủ hết nghĩa. Trong một câu này, nếu hạ thủ công phu thì chỉ ở một chữ “chiếu” mà thôi. Đây là pháp môn tối giản yếu. Nhưng thiền môn tu hành, công phu dụng công ban đầu chỉ một chữ “chiếu”, tức là “pháp môn một chữ”. Phật đợi đến ba mươi năm mới nói. Xem đây thì pháp tu tâm há phải là chuyện phàm phu tầm thường quán là không, giả, trung đạo. Một đời giáo hóa dễ tu hành sao? Pháp môn một chữ này dạy cho Bồ Tát, là pháp Đại thừa vậy. Bổn hoài xuất thế của Phật chỉ là muốn cho tất cả chúng sanh thành Phật, chớ không vì gì khác. Tức là 49 năm thuyết thời giáo một đời, nay là một Đại tạng kinh. Thảy đều là pháp môn học thành Phật. Phương tiện thành Phật chỉ có Lục độ vạn hạnh, đủ nhiều thứ cửa mà ý chính chỉ có tam quán là căn bản thành Phật. Tam quán là không, giả, trung đạo. Một đời giáo hóa chỉ thuyết ba quán này. Từ trước cho đến khi thuyết Bát-nhã là vừa mới thuyết xong một môn không quán. Như thế thì biết pháp chẳng phải dễ thuyết, cũng chẳng phải dễ vào. Trên hội Bát-nhã, những người Nhị thừa nghe pháp trong hội, đều cho Bát-nhã không phải thuộc về trí của mình, hoàn toàn không để ý, huống là đích thân nhận lời Phật dạy.

Đã 30 năm mà còn chẳng tin, chẳng nhập. Như hiện nay bọn phàm phu ác nghiệp, miệng miệng nói không, vọng nói pháp không, không Phật, không Tổ, không tu, không chứng, rồi tự xưng mình là người căn cơ thượng thượng, há chẳng phải quá dối lừa người. Nhưng Phật đã thuyết Bát-nhã chân không, rồi sau mới thuyết quán giả.

Một môn quán này có nói trong kinh Giải Thâm Mật, nói về pháp môn Duy Thức, nghĩa là vì mê Như Lai tàng gọi là A-lại-da thức, nương thức Lại-da này đầy đủ ba phần, biến ra căn, thân và khí giới. Tất cả đất đai sông núi, chúng sanh, thế giới. Đó là pháp giả, là cảnh giả, chỉ do thức biến, như bóng trong gương, như trăng đáy nước, tuy có mà chẳng thực, nên gọi là giả.

Hỏi: Nhưng Phật vì sao mà nói quán giả?

Đáp: Do trước, người Nhị thừa chấp Niết-bàn cho là có thực, rơi vào thiên không, nên Phật thuyết Bát-nhã là Chân không. Để phá cái kiến chấp Có, nên quán thật tướng Bát-nhã chân không. Lại có một loại Bồ Tát ưa cái không tăng thắng, chấp chỉ riêng Không mà không nhập vào cái Có (thiệp hữu) chẳng chịu độ sanh. Nên Phật thuyết tất cả chúng sanh, thân, tâm, thế giới đều chỉ do thức biến hiện, toàn là pháp giả, dùng pháp môn duy thức này hội Có– Không ; Ngài muốn hiển bày cái Có tức Không, cái Không tức Có, quán thẳng Duy thức để chứng Chân như. Đây là pháp môn dạy Bồ Tát, trước ra khỏi Không nhập vào Giả để độ sanh. Nên một môn quán này, có kinh Giải Thâm Mật… Lúc thuyết kinh dành cho Bồ Tát đại căn, đã có thể tin nhận.

Còn Nhị thừa tiểu căn, rốt cuộc chẳng dám vào cõi tục lợi sanh. Vì thế Phật thuyết kinh Duy Ma, đem cư sĩ Tịnh Danh để thị hiện việc ở thế tục có vợ con, quyến thuộc, tạm mượn nhân duyên thăm bệnh cùng Văn-thù đối đáp pháp môn Bất nhị, quở trách Nhị thừa để kích phát tâm nhập tục độ sanh. Kinh này gọi là chê thiên, trách tiểu, khen đại, tán viên. Vì Tiểu thừa chẳng nghĩ lường pháp môn, cứ khư khư cái thấy nhỏ hẹp của Nhị thừa. Ở đây Phật rất mực từ bi vì căn cơ nhỏ hẹp, dùngcác thứ phương tiện quyền xảo, ý muốn dẫn họ vào Đại thừa. Như thế thì biết việc Bồ Tát vào tục lợi sanh, chẳng phải người căn cơ thấp thỏi có thể kham được. Công giáo hóa hơn bốn mươi năm của Phật còn phí phương tiện thần lực như thế. Còn như hiện nay, người đang ở trong biển khổ ngũ trược, phiền não, sanh tử, miệng miệng nói Không, đàm thiền, thuyết đạo, tự động cho một việc hướng thượng là trách nhiệm của mình, chê bai chánh pháp, chẳng sợ nhân quả, chẳng biết thương mình, vọng tự dối gạt như thế sao? Vì xem phương tiện quyền xảo của Phật khi lợi sanh, đã khổ tâm biết bao, chẳng dám dễ dàng nói dạy người một chữ thành Phật. Người đời hễ nói thì siêu Phật, vượt Tổ. Như thế thì chẳng phải vọng hay sao? Chẳng đáng sợ sao?

Phật ra đời thuyết pháp bốn mưới chín năm, kinh điển gần một Đại tạng, đầu đuôi chỉ nói tám rõ tám chữ “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” từ đầu đến đây, đã trải bốn mươi năm mới thuyết rõ ra được ý nghĩa của một câu “Vạn pháp duy thức”. Vẫn còn chưa dám hiển thị ý chỉ duy tâm. Vì duy tâm là cực tắc của vạn pháp. Từ trước đến nay, các đại đệ tử đã nghe pháp môn duy thức, nên từ đây về sau, Phật bèn thuyết kinh Lăng Già để hiển thị pháp môn “Tam giới duy tâm”, muốn người ngộ ngay một tâm này, để làm cực tắc. Nên thâu hai “Không Giả” trước, dứt hết hai đế, quay về một tâm. Sau đó viên mãn một tâm, tiêu dung vào trung đạo là lý cứu cánh. Nên kinh Lăng Già nói: “Tịch tịch là nhất tâm”, nhất tâm gọi là Như Lai tàng nghĩa là tàng thức. Tức là Như Lai tàng không phải Không, không phải Có, chỉ thẳng một tâm lìa danh dứt tướng, tuyệt hẳn thánh phàm, chẳng thuộc giai cấp tu chứng. Chóng quán tàng tánh gọi là cảnh giới Tự Giác Thánh Trí, lìa ngay cả vọng tâm phan duyên. Nếu rõ vọng tưởng không có tánh tức ngộ vô sanh. Đó là pháp môn đốn giáo. Tổ sư Đạt-ma truyền cho Nhị Tổ là đại sư Huệ Khả, lấy kinh này làm tâm ấn. Vì thế kinh này dành cho người căn cơ thượng thượng, người Nhị thừa không có phần. Dưới cửa Tổ sư, người mới học tham thiền cần phải lìa tâm-ý-ý thức mà tham, lìa cảnh giới vọng tưởng mà cầu, ra khỏi đường phàm thánh mà học. Đó là thuần lấy kinh này làm tông cực. Kinh này là thuyết cực tắc của một tâm. Phật đã hơn bốn mươi năm dùng nhiều phương tiện khai thị, trải qua bao nhiêu pháp môn, nay mới thuyết kinh này. Người tiểu căn còn chẳng có phần, mà tăng tục bây giờ giáo nhãn chưa sáng, chẳng biết đường tu hành, mù đui chẳng biết vọng tưởng phan duyên trong tâm của mình, hoàn toàn không biết nó khởi diệt bao nhiêu; ngày đêm chưa hề có một niệm thanh lương, mà lấy một việc hướng thượng lìa tâm– ý– thức cho là trách nhiệm của mình, thoại đầu cũng chưa từng mộng thấy mà mở lớn miệng thuyết thiền. Tâm tự dối như thế sao? Có thể nói là người rất không biết hổ thẹn, chẳng đáng sợ sao? Chẳng những người đời vô tri nói bậy mà ngay kẻ hậu học, tăng đồ trong pháp môn ta cũng hoàn toàn chưa hề nghe pháp môn Phật dạy tu tâm, hoàn toàn không biết công phu dụng tâm. Chỉ có mấy giờ vọng tưởng, hoàn toàn không có chánh kiến, liền xưng ngộ đạo, tự cho là đủ. Thế thì ai dối? Ai lầm? Xin can! Xin can!

Cẩn thận! Cẩn thận!

Sau bốn mươi năm Phật mới dạy pháp môn Nhất tâm, đủ thấy pháp chẳng dễ nói, chẳng dễ tu, chẳng dễ ngộ.

Đức Thế Tôn đặc biệt vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, một đại sự nghĩa là tri kiến Phật của chúng sanh. Vì chúng sanh vốn đủ tri kiến Phật mà nay mê đi trở thành tri kiến vọng tưởng sanh tử, nhiều kiếp đến nay mê đi mà chẳng biết, ví như gã cùng tử ôm hạt châu làm ăn mày uổng chịu cực khổ. Vì Phật hưng đồng thể đại bi, đặc biệt ra đời để khai thị cho chúng sanh, biết mình có tri kiến Phật sẵn có khiến cho ngộ nhập được. Ví như chỉ cho cùng tử hạt châu nằm trong chéo áo, khiến cho y biết được lấy dùng.

Tri kiến Phật tức là Nhất tâm mà kinh Lăng Già thuyết, gọi là Tự Giác Thánh Trí vậy. Phật một bề không dám nói liền, vì quán chúng sanh căn cơ ám độn, không kham nhận pháp này. Nên Phật lặng thinh không lo nói vội điều cốt yếu. Cho đến bốn mươi năm sau, dùng nhiều cách đào thải, căn cơ dần dần thuần thục, việc hóa duyên sắp xong, nên Ngài thuyết kinh Lăng Già, dạy pháp môn nhất tâm để hiển LÝù cứu cánh. Sau đó Ngài thuyết kinh Pháp Hoa, chỉ dạy thật tướng các pháp, để hiển SỰ cứu cánh. Đây là thứ lớp Phật thuyết pháp, do sự– lý rốt ráo mới hết được cực tắc của một tâm. Vì vậy các người Nhị thừa đến lúc này mới tin tâm Phật quyết định, không còn nghi, cũng ngộ được Phật tánh sẵn có của mỗi người, chắc chắn chẳng mất, ví như cùng tử lâu ngày bỏ trốn qua nước khác, nay mới trở về gặp cha, cũng tin gia nghiệp của cha đều là của mình. Thân tâm đều tin nhận,có thể kham nổi nghiệp nhà, nên được trưởng giả giao phó tài sản cho.

Người ta thường nói một kinh Pháp Hoa này như ông trưởng giả viết bức thư giao phó việc nhà, chính là bổn hoài cứu cánh của Phật lúc lợi sanh.

Vì thế Phật bảo các đệ tử, thọ ký cho từng người, tương lai nhất định thành Phật. Lại nói: “Phàm có người nghe pháp, tất cả đều thành Phật”. Một đại sự nhân duyên này của Phật đã xong, gọi chung là giáo, chẳng bao lâu Ngài nhập Niết-bàn.

Nhưng ở một thời Pháp Hoa, bổn hoài của Phật xuất thế lợi sanh đã tận. Đến kinh Niết Bàn thì hiển nghĩa Phật tánh, để thâu những cơ chưa hết của Pháp Hoa, và phá cái nghi chưa hết của các đệ tử đến trước, vì Phật thuyết pháp ai đến nghe cũng đều thành Phật. Đây thì Ngài sợ đệ tử trước đã nghe người xiển đề không có lòng tin, không cho thành Phật. Nghe điều này sẽ sanh nghi. Vì thế Phật thuyết kinh này, bao Xiển đề cũng có Phật tánh, mượn hình ảnh đồ tể Quản Ngạch buông dao đồ tể liền thành Phật. Đến đây tin chắc, phàm người có biết cuối cùng sẽ thành Phật, quyết định không nghi. Như thế mới hết ý nghĩa một phen xuất thế của Như Lai, công việc giáo hóa lợi ích chúng sanh đến đây đã xong. Nên bây giờ nhập Niết-bàn.

Như trên đã nói, quy tắc Phật ra đời một đời thủy chung hóa độ chúng sanh, pháp môn thứ tự tu nhân, tuy quán chúng sanh sẵn có Phật tánh, ai ai cũng đầy đủ, không ai không mong thành Phật. Nhưng vì chướng phiền não dày, căn nghiệp tội sâu, Phật chẳng kham dạy ngay Đại pháp. Nên Ngài đem pháp Nhất thừa phân biệt nói thành ba. Đây là lý do thiết lập Nhất thừa và Tam thừa. Vì thế trước kinh Lăng Già là quyền giáo Tam thừa; còn Pháp Hoa, Lăng Già là thật giáo Nhất thừa. Nên các nhà Thiên Thai phán định là giáo khai quyền hiển thật.

Như thế thì biết bốn mươi năm đầu Phật thuyết quyền giáo vì căn cơ chẳng đồng vậy.

(cịn tiếp)
 

 

[ Quay lại ]