headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Công cha nghĩa mẹ con nguyện khắc ghi

congonchameDtc

Lại đến lễ Vu Lan nữa rồi.
Mùa báo hiếu lại đến.

Báo hiếu cũng phải đợi tới mùa làm mới xom tụ, giống như tới mùa gặt lúa vậy. Chắc nghĩ mấy ngày thông thường nếu báo hiếu, quỷ thần không để ý, phải đợi đến ngày lễ Vu Lan báo hiếu mới vênh váo mặt, thiên thần quỷ vật ghi nhận mới được. Ở những nước phương tây thì người ta có Father day (ngày của tía), Mother day (ngày của má). Nhưng nói chung cũng phải biết ơn những ngày ấy. Vì có những ngày ấy mà ít nhiều những bậc cha mẹ nào đó có phước phần may mắn nhất trên đời mới nhận được sự quan tâm, đoái hoài của con cái chỉ vỏn vẹn trong những ngày ấy.

Trong ca dao, văn học, ca nhạc showbiz, vở tuồng... Hầu như hết 95% nội dung đều nói về mẹ, hát về mẹ, họ ca ngợi người mẹ bằng những hình ảnh khổ cực nuôi con, những tình thương vô bờ bến, sự hy sinh khó có thể nói hết. Chắc có lẽ mỗi người trong chúng ta dường như cũng thân cận, cảm thông cho người mẹ của mình hơn người cha? Tại sao lại ca ngợi thiên vị chỉ một người? Công cha không bằng nghĩa mẹ sao ?

Xin thưa, nếu không có cha thì chúng ta khó có thể trưởng thành nên người. Tình thương của người mẹ với con như đất mang dinh dưỡng nuôi cho cây, nhưng nếu không có ánh nắng của vầng thái dương thì cây không thể trưởng thành vươn cao, to lớn được. Không thể nào trụ được vững chắc nơi đất để đối diện được với giông bão của cuộc đời. Mẹ thì nuôi dưỡng ta bằng tình thương và sự dịu dàng, trìu mến. Cha thì dạy cho ta những điều hay lẽ phải với từng bước đi trong cuộc sống. Nói tới đây tui nghĩ tới hai vị hộ pháp trước chùa. Một vị là Bồ Tát Vi Đà, với gương mặt hiền lành phúc hậu tay cầm kiếm, mà kiếm chĩa xuống đất chứ không vung lên định nhá hay chém ai. Hiền đến vậy đó. Còn một vị là Bồ Tát Tiêu Diện. Trong sách miêu tả vị này đầu đội 3 quả núi, mặt xanh lè, miệng khè ra lửa… Ngài hộ trì chúng sanh và đất nước. Tay cầm cờ để điều phục các ác quỷ thần nhiễu loạn chúng dân. Song Tiêu Diện Đại Sĩ đó chẳng ai khác, chính là Quán Âm Đại Sĩ. Vì lòng từ bi vô lượng mà biến hóa ra đó.

Trong mỗi người đều có sự thiện, ác trong lòng. Nếu thiện thì để Bồ Tát Vi Đà tán dương ủng hộ, còn ác thì hãy để Bồ Tát Tiêu Diện dạy dỗ khuyên răn. Người cha cũng thế, nếu tình thương không có sự nghiêm khắc đối với con cái thì chắc chắn người con sẽ đi lệch đường đời, không phân biệt tốt xấu trong xã hội. Còn trong gia đình nếu không có người cha, là bàn tay của một người đàn ông, thì gia đình ấy khó có được sự vững vàng, việc dạy dỗ dành con cái cũng không dễ gì thực hiện tốt, bước chân của con cái cũng khó mà vững trãi trên đường đời. Cha luôn mang trên vai cả một gia đình nặng nề suốt một quãng đường dài. Thật thương thay cho những người cha!

Mùa Vu Lan, như kinh nói là ngày đặc biệt để cho những người con có hiếu muốn báo đáp thù ân của mình với đấng sanh thành. Nhớ đến chuyện năm xưa khi Phật còn ở thế gian, sau ba tháng An Cư Kiết Hạ (giữa tháng 4 đến giữa tháng 7 âm lịch), thì tôn giả Mục Kiền Liên gặp một biến cố. Số là mẹ Ngài bị đọa làm quỷ đói. Phật nói với thầy Mục Kiền Liên như vầy:

...Dầu ông thần lực nhiệm mầu,
Một mình không thể ai cầu được đâu.
Lòng hiếu thảo của ông dầu lớn,
Tiếng vang đồn thấu đến cửu thiên
Cùng là các bực thần kỳ
Tà, ma, ngoại đạo, bốn vì Thiên Vương
Cộng ba cõi sáu phương tu tập,
Cũng không phương cứu tế mẹ ngươi
Muốn cho cứu đặng mạng người,
Phải nhờ thần lực của mười phương Tăng,.."

Ngài Mục Kiền Liên, thần thông được xưng là đệ nhất trong chúng đệ tử, Ngài đã thị hiện thần thông đốt cung trời Đế Thích để nhắc nhở Kiều Thi Ca, dùng thần thông chiến đấu để điều phục 2 con ác long phun khói lửa hại người tu v.v... Vậy mà chỉ một ác nghiệp của bà Thanh Đề, cứu không được. Do đây mới thấy lực ác nghiệp của chúng sanh không dễ gì cứu giải.

Ngẫm nghĩ, đại A La Hán, thần thông đạo lực hô phong hoán vũ, dời non lấp núi, nắm địa cầu trong lòng bàn tay, thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn như thế, mà nghiệp của người thân tình, thần thông giỏi giang cũng đành ...bó tay, không cách nào cứu được. Ngục tù dương gian, thân nhân có thể mang đồ ăn thức uống cho tù nhân. Nhưng ở địa ngục, một đại A La Hán cũng không thể mang cơm cho mẹ mình. Đúng thiệt tên gọi là ngục Vô Gián A Tỳ. Đói thì ăn đồng sắt nóng, khát thì cho uống nước sôi, tự nghiệp của mình chiêu cảm ra như thế, nào phải do con quỷ nào bắt ăn hay uống những thứ ấy. Đến đây, Phật dạy ngày Tự Tứ (ngày chúng tăng, chúng ta phơi bày lỗi của mình trước những vị tăng khác mà sám hối), chư Tăng đông đủ, phải nên cúng dường, phụng sự, nhân đó nhờ tâm lực, thần lực của chúng Tăng và phước báo cúng dường bằng tâm chân thành của mình mà hồi hướng cho cha mẹ, như thế việc giúp đỡ cha mẹ mới cao tột được.

Lời Phật dạy, hướng dẫn cặn kẽ cho kẻ hậu học chúng ta biết cách để đền ơn báo đáp công ơn cha mẹ. Tui thường thấy nơi chùa chiền, đa phần toàn là mấy chị em phụ nữ tu hành, chỉ phần ít đàn ông tham gia trong những buổi lễ tụng. Do đây tui lại thương hại và lo lắng về tương lai hậu kiếp của họ hơn. Chắc có lẽ vì những người đàn ông đó bận mãi mê với công việc để lo cho vợ con nên không còn thời gian tiếp xúc với đạo, với chùa hay kinh sách. Tui cảm ơn những người cha đã vì con mình mà hy sinh cuộc sống, và thay lời xin lỗi những người cha bị con mình nặng nhẹ với những lời lẽ hay hành động bất hiếu.

Vu Lan năm nay lại đến, tui luôn muốn đến cái ngày "Phật Đà hoan hỷ", là ngày chúng Tăng tu hành yên ổn ba tháng liên tục, sám hối tội của mình, tinh tấn tiến tu, đến. Vì ngày này tui mới có thể đem hết tâm lực (thiết tha) và nguyện lực (mong cầu) để cúng dường chư Tăng nguyện cho cha mẹ mình.

Trước là nguyện cho cha mẹ ông bà mạnh khỏe, bớt tật bệnh, ít phiền não.

Kế là cha mẹ ông bà biết đạo pháp, nương theo giáo lý Phật Đà mà tu hành tinh tấn.

Sau cùng là nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh.

Riêng bản thân tui, tui nghĩ chữ hiếu chỉ đền đáp một cách đúng đắn nhất khi tui có thể giúp cha mẹ mình niệm Phật nguyện vãng sanh Tây Phương, và có lẽ khi chính bản thân tui phải trãi qua vô số kiếp tu học, sau chứng được đạo quả cao tột mới viên mãn (tròn đầy) chữ hiếu của mình thôi. Đó mới thật là 4 ân đã báo đáp, tam giới này đều đã yên ổn xong, ta và cả thảy chúng sanh thảy đều là những vị Phật.

Vài lời chia sẻ, chúc mọi người mùa Vu Lan hạnh phúc.
 

[ Quay lại ]