headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Hòa Thượng MINH VẬT NHẤT TRI

( ? - 1786)-(Đời pháp thứ 34, tông Lâm Tế)

Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri thuộc phái thiền Lâm Tế đời pháp thứ 34, trụ trì chùa Kim Cang ở Đồng Nai, là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch.

Trước đây, trong các sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam chỉ biết Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch, nhưng không biết rõ Hòa thượng Nhất Tri hoằng hóa ở đâu, hành trạng như thế nào.

Nhờ đi tìm tòi, nghiên cứu về các Thiền sư hoằng hóa ở Đồng Nai, chúng tôi phát hiện được tháp của Tổ sư Nguyên Thiều, Long vị của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri ở chùa Kim Cang (Đồng Nai), chúng tôi mới biết được là Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri cùng với Bổn sư là Tổ sư Nguyên Thiều Siêu Bạch hoằng hóa ở chùa Kim Cang. Sau đó, chúng tôi theo dấu vết của các Thiền sư hoằng hóa ở Đồng Nai, tìm thấy thêm các đệ tử và pháp tôn của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri hoằng hóa ở nhiều nơi như sau:

1. Hòa thượng Liên Hoa, tức Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, là Tăng cang chùa Thiên Mụ (Đô thành Phú Xuân), sau Trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân (ở Gia Định), Hòa thượng Liên Hoa có các đệ tử cũng là Tăng cang chùa Thiên Mụ là Tế Chánh Bổn Giác, Tế Bổn Viên Thường ...

2. Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường khai sơn chùa Hoa Nghiêm (Thủ Đức, Gia Định) và chùa Long Thọ (xã Phú Cường, Thủ Dầu Một), có đệ tử nổi danh là Tế Giác Quảng Châu trụ trì ở chùa Giác Lâm (Gia Định), Tế Vĩnh Quảng Nhân và Tế Lý Quảng Đức trụ trì chùa Hoa Nghiêm (Huê Nghiêm) ở Thủ Đức.

3. Thiền sư Phật Chí Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu (Thủ Đức Gia Định).

Hiện chưa biết rõ về hành trạng của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri, nhưng có thể đoán biết Hòa thượng là cao tăng tài đức đúng theo ý nghĩa của pháp danh của Ngài, và vì có những đệ tử và pháp tôn nổi danh trên.

Hiện chưa biết Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri sanh năm nào, ở đâu, là người Việt hay người Hoa (có thể là người Trung Hoa). Chỉ biết được là Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri viên tịch ngày mùng 10 tháng 10 năm Bính Ngọ (1786) nhờ phía sau long vị có đề:

“Thập ngoạt sơ thập nhật viên tịch.” (Viên tịch ngày mùng 10 tháng 10.)

“Tuế thứ Đinh Mùi niên, Trọng Xuân ngoạt, cát nhật cẩn tạo.” (Cẩn tạo ngày tốt, tháng hai năm Đinh Mùi.)

Long vị được tạo mùa Xuân năm Đinh Mùi (1787), mà Hòa thượng viên tịch ngày mùng 10 tháng 10, như vậy phải là năm trước năm Đinh Mùi, tức năm Bính Ngọ (1786?).

Đặc biệt, các đệ tử của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri truyền thừa theo nhiều bài kệ truyền pháp khác nhau; trong đó Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường truyền theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng...” mà nhiều người cho là bài kệ do Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán đặt ra (?).

- Thiền sư Thiệt Thoại Tánh Tường khai sơn chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức, Gia Định) có truyền thừa theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo...” ở các chùa Đức Lâm (Gia Định), Linh Sơn (Bà Đen); ở chùa Huê Nghiêm lại truyền theo bài kệ của Tổ Vạn Phong “Tổ Đạo Giới... Siêu Minh Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chân Không”.

- Thiền sư Phật Chí Đức Hạnh khai sơn chùa Long Nhiễu (Thủ Đức) truyền theo bài kệ của Tổ Đạo Mân “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên...”.

          (Xem Phổ hệ truyền thừa của Hòa thượng Minh Vật Nhất Tri.)

[ Quay lại ]