headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 25/04/2024 - Ngày 17 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THÁNH ĐĂNG LỤC - VUA TRẦN ANH TÔNG

trananhtong(1276-1320)
(Được ý chỉ nơi Tôn giả Pháp Loa, hiệu Phổ Tuệ dòng Trúc Lâm)

Anh Tông là vua thứ năm đời Trần, con của Nhân Tông. Lên ngôi ngày rằm tháng 4 năm Quý Tỵ (1293) đổi niên hiệu Hưng Long. Vua Nhân Tông đã xuất gia, Anh Tông trị vì thiên hạ hai mươi mốt năm, binh ngoài không xâm phạm vào bờ cõi. Chẳng có nổi lo về hạn lụt, nhân dân đều sung túc. Vua rất mực có hiếu, Nhân Tông hết sức khen ngợi.

 

Niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1305) Nhân Tông thăng hà, vua tiếp nối chí của cha, đánh chiếm Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm mừng thắng trận trở về, từ đó đến nay Chiêm Thành thay đổi nếp sống mà thần phục.

 

Từ khi Tôn giả Phổ Tuệ nhận được chánh truyền của Điều Ngự, Anh Tông theo lời Điều Ngự di chúc làm người ngoại hộ cho Tôn giả.

 

Năm Kỷ Dậu niên hiện Hưng Long (1309) Anh Tông ra chiếu mời Quốc Sư Liễu Minh giảng Kinh Pháp Hoa và Kinh Lăng Già Thông Nghị tại chùa Tư Phúc.

 

Năm Nhâm Tý niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1313) Anh Tông ra chiếu mời Tôn giả Phổ Tuệ vào chùa Tư Phúc trong đại nội giảng Đại Huệ Ngữ Lục và tham hỏi về ý chỉ Thiền. Giảng xong, vua xuất vàng bạc trong kho riêng giao cho Tôn giả phát cho những người nghèo khó.

 

Tháng 8 năm Mậu Ngọ niên hiệu Đại Khánh thứ năm (1318), vua ra chiếu mời Tôn giả Phổ Tuệ đến am Thường Lạc ở Thiên Trường giảng Truyền Đăng Lục, qua tháng 12 lại giảng Tuyết Đậu Lục.

 

Năm Kỷ Mùi (1319) các Lộ đói kém, vua xuất vàng bạc trong kho riêng giao cho Tôn giả ban cho những người nghèo đói.

 

Vua có viết thư trình kiến giải với ngài Phổ Tuệ như sau: “Đệ tử chợt nghe tôn thể không khỏe, kính sai Trung sứ đến hỏi thăm tin tức. Nhân đó được thư Thầy đáp lại, hỏi đến chỗ thấy thế nào? Lòng thẹn sợ, chẳng biết nói lên làm sao? Tạm mượn ngòi bút để tỏ bày, kính trình lên cho Thầy, hầu mở rộng tâm nghe đạo, xem có thật đúng chăng? Lấy đó nêu bày chỗ hướng về, khiến cho trăm năm về sau nghĩ nhớ lẽ này, hằng làm của báu cho thân.”

 

            Tụng :

 

            Mỗi mỗi hư dối,

 

            Không pháp thật được,

 

            Mắt bệnh sanh hoa,

 

            Vọng chia Nam Bắc.

 

            Cũng không làm dữ,

 

            Cũng chẳng tu lành,

 

            Mệt thì liền ngủ,

 

            Đói lại ăn cơm.

 

            Mặc kẻ rối rít,

 

            Mặc người lăng xăng,

 

            Xưa nay như cũ,

 

            Làm chủ hoàn cầu. 

 

            (Chủng chủng hư ngụy

 

            Vô pháp khả đắc

 

            Bệnh nhãn không hoa

 

            Vọng phân Nam Bắc.

 

            Dã bất tạo ác

 

            Dã bất tu thiện

 

            Thùy lai đả miên

 

            Cơ lai khiết phạn.

 

            Tùng tha nhiễu nhiễu

 

            Nhậm nhĩ phân phân

 

            Nguyên lai y tiền

 

            Thái vũ chủ nhân ).

 

            Ngài Phổ Tuệ thầm hứa nhận. Vua lại gởi Tôn giả bài thi:

 

            Thân huyễn tuy bền đáng lo đâu,

 

            Làn mây tan hợp bọt nước xao,

 

            Nhớ kìa Phật pháp như tơ mảnh,

 

            Riêng đối đèn khuya tuôn lệ trào.

 

            ( Huyễn khu tuy kiên bất túc ưu,

 

            Khách vân tụ tán thủy phù bào,

 

            Ức lai Phật pháp nguy như lũ,

 

            Độc đối hàn đăng ám lệ lưu ).

 

Cho thấy lòng hộ pháp của vua chí thiết như thế.

 

Năm Canh Thân niên hiệu Đại Khánh thứ bảy (1320) vua bệnh, ra chiếu mời Tôn giả Phổ Tuệ đến gặp và hỏi:

 

Bồ tát làm những hạnh nghiệp gì để vào lại trần lao, độ thoát cho chúng sanh?

 

Phổ Tuệ đáp:

 

Người xưa sau khi được chánh kiến rồi, hằng ngày nhồi thành một mảnh, nên hay lấy sanh tử làm nơi du hí, qua lại chẳng ngại, thân tùy theo ý sanh, tùy chỗ tạm gá. Kinh Viên Giác nói: “Bồ tát trở lại trần lao, chẳng phải do ái làm gốc”.

 

Vua hỏi thêm:

 

Thế nào là dụng tâm chặt thẳng?

 

Phổ Tuệ đáp:

 

Nhân Tông Điều Ngự có nói: “Buông xuống! Buông xuống! Buông chẳng xuống, liền chính là kẻ ấy”. Lại, người xưa nói: “Một niệm chẳng sanh tức Phật như như”.

 

Ngày hôm sau, vua lại mời ngài Phổ Tuệ vào nói về đạo lý “Buông xuống”. Phổ Tuệ dẫn chỗ chặt thẳng của người xưa, vua mỉm cười, nói: “Đệ tử đối với lẽ này rất có sở đắc, thật chẳng dối vậy!”

 

Phổ Tuệ bảo:

 

Dừng! Dừng! Chẳng cần nói, việc tốt chẳng bằng không.

 

Vua mỉm cười, trở mình nằm lại, liền thăng hà, hưởng 45 tuổi đời.

 

Tuần chung thất, Tôn giả Phổ Tuệ thăng tòa nhắc lại nhân duyên của vua, rất khen ngợi.

 

Giảng:

 

Anh Tông là vua thứ năm đời Trần, con của Nhân Tông. Lên ngôi ngày rằm tháng tư năm Quí Tỵ (1293) đổi niên hiệu Hưng Long. Vua Nhân Tông đã xuất gia, Anh Tông trị vì thiên hạ hai mươi mốt năm, binh ngoài không xâm phạm vào bờ cõi. Chẳng có nỗi lo về hạn lụt, nhân dân đều sung túc. Vua rất mực có hiếu. Nhân Tông hết sức khen ngợi.

 

Vua Trần Anh Tông sinh năm 1275 băng hà năm 1320, được ý chỉ nơi tôn giả Pháp Loa dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đúng ra vua Anh Tông thuộc đời thứ tư nhà Trần, chớ không phải thứ năm. Khi vua Trần Thái Tông lên ngôi vua tôn cha mình là Trần Lý, coi như là Thái Tổ, rồi mới Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, tới Ngài là Anh Tông, nên đây nói Anh Tông vua thứ năm đời Trần. Ngang đây tôi nhắc lại, Thánh Đăng Lục là quyển sách ghi lại những vị vua đời Trần tu ngộ lý thiền gọi là truyền đăng. Vua Anh Tông lên ngôi khi vua Nhân Tông lên làm Thái Thượng Hoàng và sau xuất gia. Thời vua Anh Tông là thời thái bình dân an cư lạc nghiệp, không bị thiên tai lụt hạn, nơi nơi đều được sung túc. Vua Anh Tông là một ông vua có hiếu, được vua cha khen ngợi. Khi vua Nhân Tông nhường ngôi cho Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng ở cung Thiên Trường (ngày nay là Nam Định), lâu lâu Ngài về kinh đô để hội nghị bàn bạc việc nước. Một hôm vua Anh Tông uống rượu say, Thượng Hoàng ở Thiên Trường về kinh, các quan ra đón rước, Anh Tông ngủ say không ra đón. Thượng Hoàng không bằng lòng truyền xa giá trở về Thiên Trường, hạ chiếu cho bá quan về Thiên Trường hội nghị. Khi vua Anh Tông tỉnh rượu biết Thượng Hoàng về, lo sợ vội vàng chạy ra ngoài cung, gặp người học trò tên Đoàn Nhữ Hài, nhờ thảo biểu dâng lên Thượng Hoàng để tạ tội. Khi làm bài biểu xong, vua xuống thuyền đi suốt ngày đêm đến phủ Thiên Trường. Tới Thiên Trường vua dâng biểu lên, Thượng Hoàng xem biểu xong quở rầy một lúc mới tha tội. Từ đó vua Anh Tông không uống rượu nữa. Thượng Hoàng Nhân Tông khen vua Anh Tông là người con có hiếu. Qua câu chuyện nầy chúng ta thấy, Ngài làm vua vẫn kính nể cha mẹ không dám lôi thôi, không như những vị vua khác, cha buồn thì buồn, đi thì đi thong thả rồi sẽ xin lỗi sau. Đó là lòng hiếu thảo của vua Anh Tông.

 

Niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1305), Nhân Tông băng hà, vua tiếp nối chí của cha, đánh chiếm Chiêm Thành bắt được vua Chiêm, mừng thắng trận trở về, từ đó đến nay Chiêm Thành thay đổi nếp sống mà thần phục.

 

Từ khi Tôn giả Phổ Tuệ nhận được Chánh truyền của Điều Ngự, Anh Tông theo lời Điều Ngự di chúc làm người ngoại hộ cho Tôn giả.

 

Tôn giả Pháp Loa khi được Tổ Điều Ngự Giác Hoàng truyền tâm ấn và trao trách nhiệm làm Tổ thứ hai phái Trúc Lâm. Bấy giờ Điều Ngự Giác Hoàng bảo vua Anh Tông phải ngoại hộ cho Tôn giả Pháp Loa. Từ đó về sau vua Anh Tông là người ngoại hộ đắc lực nhất của Tôn giả.

 

Năm Kỷ Dậu niên hiệu Hưng Long (1309) Anh Tông ra chiếu mời Quốc Sư Liễu Minh giảng Kinh Pháp Hoa và Kinh Lăng Già Thông Nghị tại chùa Tư Phúc.

 

Năm Nhâm Tý niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1313) Anh Tông ra chiếu mời Tôn giả Phổ Tuệ vào chùa Tư Phúc trong đại nội giảng Đại Huệ Ngữ Lục và tham hỏi về ý chỉ Thiền. Giảng xong, vua xuất vàng bạc trong kho riêng giao cho Tôn giả phát cho những người nghèo khó.

 

Những việc từ thiện xã hội vua Anh Tông đều làm nhưng không trực tiếp, Ngài giao tiền của cho Tôn giả Pháp Loa phân phát cho dân.

 

Tháng tám năm Mậu Ngọ niên hiệu Đại Khánh thứ năm (1318), vua ra chiếu mời Tôn giả Phổ Tuệ đến am Thường Lạc ở Thiên Trường giảng Truyền Đăng Lục, qua tháng 12 lại giảng Tuyết Đậu Lục.

 

Đó là những lúc nhà vua thỉnh Tôn giả Phổ Tuệ (Pháp Loa) về Kinh đô giảng Kinh, giảng Ngữ Lục cho vua và bá quan nghe.

 

Năm Kỷ Mùi (1319) các Lộ đói kém, vua xuất vàng bạc trong kho riêng giao cho Tôn giả ban cho những người nghèo đói.

 

Việc cứu trợ cho dân nghèo thì nhà vua giao cho Tôn giả Pháp Loa làm hết.

 

Vua có viết thư trình kiến giải với Ngài Phổ Tuệ như sau: “Đệ tử chợt nghe tôn thể không khỏe, kính sai Trung sứ đến hỏi thăm tin tức. Nhân đó được tin Thầy đáp lại, hỏi đến chỗ thấy thế nào? Lòng thẹn sợ, chẳng biết nói lên làm sao? Tạm mượn ngòi bút để tỏ bày, kính trình lên cho Thầy, hầu mở rộng tâm nghe đạo, xem có thật đúng chăng? Lấy đó nêu bày chỗ hướng về, khiến cho trăm năm về sau nghĩ nhớ lẽ nầy, hằng làm của báu cho thân.”

 

Lúc Tôn giả Pháp Loa bệnh, vua Anh Tông sai Trung sứ đến thăm bệnh. Nhân hỏi thăm bệnh thì Tôn giả Pháp Loa hỏi chỗ thấy biết về Thiền của Anh Tông như thế nào, nhận thức ra sao? Nghe hỏi tới chỗ đó vua Anh Tông cảm thấy thẹn, chẳng biết phải nói làm sao. Tuy nhiên nhà vua cũng lấy giấy bút ghi ra trình lên Thầy. Sau đây là bài tụng:

 

            Chủng chủng hư ngụy

 

            Vô pháp khả đắc

 

            Bệnh nhãn không hoa

 

            Vọng phân Nam Bắc

 

            Dã bất tạo ác

 

            Dã bất tu thiện

 

            Thùy lai đả miên

 

            Cơ lai khiết phạn.

 

            Tùng tha nhiễu nhiễu

 

            Nhậm nhĩ phân phân

 

            Nguyên lai y tiền

 

            Thái vũ chủ nhân.

 

            Dịch :

 

            Mỗi mỗi hư dối,

 

            Không pháp thật được.

 

            Mắt bệnh sanh hoa,

 

            Vọng chia Nam Bắc.

 

            Cũng không làm dữ,

 

            Cũng chẳng tu lành.

 

            Mệt thì liền ngủ,

 

            Đói lại ăn cơm.

 

            Mặc kẻ rối rít,

 

            Mặc người lăng xăng.

 

            Xưa nay như cũ,

 

            Làm chủ hoàn cầu.

 

Mỗi mỗi hư dối, không pháp thật được. Ngài nói rằng tất cả pháp hiện thấy đây, pháp nào cũng hư dối không có thật. Tại sao? Vì nó do duyên hợp tạm có, không có một pháp thật.

 

Mắt bệnh sanh hoa, vọng chia Nam Bắc. Sở dĩ chúng ta thấy hoa đốm lăng xăng trong hư không lúc trời nắng là do mắt bị bệnh nên mới thấy. Nếu mắt không bệnh thì thấy hư không rỗng suốt, không có hoa đốm lăng xăng. Cũng vậy, vì chúng ta có tâm hư dối nên mới phân chia đây là Nam, kia là Bắc, đây là Đông kia là Tây v.v. Sở dĩ có phân chia là do tâm hư vọng phân biệt, các pháp nguyên thể vốn không hai. Phân chia đó là do tâm chúng sanh mê lầm.

 

Cũng không làm dữ, cũng chẳng tu lành. Làm dữ là làm những điều ác hại mình hại người. Làm lành là khởi lòng từ bi bố thí làm lợi ích cho mọi người. Tại sao Ngài nói cũng không làm dữ cũng chẳng làm lành? Nếu không làm dữ, chẳng tu lành thì tu cái gì? Làm dữ là một việc, làm lành là một việc. Cả hai việc lành (thiện) dữ (ác) Ngài không bận tâm. Tâm chúng ta vì chạy theo tốt xấu lành dữ v.v. nên có phân chia. Phân chia phát xuất từ mê lầm vọng tưởng. Nếu dừng được tâm mê lầm phân chia, thì không còn kẹt trong việc lành việc dữ nữa, lúc đó chỉ là tâm chân thật. Do đó ở đây nói cũng không làm dữ, cũng chẳng tu lành. Song đối với người sơ cơ mà nói câu nầy thì họ sẽ khởi nghi vấn: Tu là không làm điều dữ thì đúng rồi, bảo không làm lành thì tu cái gì? Đối với nghi vấn nầy chúng ta chỉ nói: “Cũng không làm điều dữ cũng không tu điều lành nhưng phải buông bỏ hết vọng tưởng”. Theo nghĩa thông thường thì tu là sửa. Đối với vật có hình tướng như cây cong uốn sửa cho ngay, chiếc xe hư sửa thành chiếc xe tốt, người tính xấu sửa thành tốt. Đó là nghĩa sửa. Còn tâm khởi vọng tưởng, vọng tưởng là giả dối không thật, thấy nó không theo, nó liền mất thì thôi chớ có gì để sửa? - Nếu không sửa sao nói tu? Nói dường như tu mà không tu gì hết. Thế nên người tu, nhất là tu thiền thấy như là không tu mà tu rất kỹ.

 

Vọng tưởng vốn hư dối, nhưng theo nó thì thành việc. Như lời ngài Khuê Phong nói: “Thể không mà thành sự”. Ví dụ quí vị đang ngồi yên trong thiền viện, bỗng khởi niệm về thăm nhà. Nếu vừa khởi niệm về nhà liền bỏ không theo thì niệm về nhà mất. Nếu quí vị theo thì tiếp tục nghĩ tới ba má và công việc ở nhà. Nghĩ một hồi liền xin phép đi về và tay nãi ra đón xe về nhà. Như vậy là thể không, nếu theo nó thì thành sự. Tất cả vọng niệm đều là hư dối, nếu biết nó hư dối không theo thì dừng nghiệp khi mới manh nha. Nếu thấy nó thật , theo nó thì tạo nghiệp lành nghiệp dữ, đủ thứ chuyện lôi thôi không lường nổi. Như vậy, chúng ta tu thiền, thấy như không tu gì hết. Vì nghiệp vừa dấy lên liền buông không theo, bên ngoài thấy như không làm lành không tạo phước gì hết. Đâu có ai biết là đang tu, nhưng chính cách tu nầy là gốc để dứt nghiệp. Nếu nghiệp còn thì nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Nghiệp đã dứt thì không có gì dẫn đi sanh tử nên được giải thoát. Như vậy trọng tâm tu hành quá rõ ràng đâu có gì khó hiểu. Tuy nhiên, câu “cũng không làm dữ, cũng không tu lành” mà không được giải thích sẽ có người hoang mang, không làm dữ, không tu lành, nhưng đừng khởi niệm để chạy theo niệm, nghĩa là niệm khởi liền dừng không chạy theo. Nói không tu mà tu, tu mà không tu. Vì có làm gì cho ai đâu mà nói là tu, nhưng tự dừng hết nghiệp thì không tu là gì? Tu ngay chỗ manh nha khởi niệm, chớ không phải tu ở hành động lành dữ. Đó là chỗ kỳ đặc của người tu thiền.

 

Mệt thì liền ngủ, đói lại ăn cơm. Tu theo cách nầy thì quá thong thả, quá nhàn vì vừa khởi niệm liền buông, không phải làm việc gì khác, nên không có việc gì ràng buộc. Nếu tu theo thời khóa thì giờ nầy tôi mắc tụng kinh, giờ kia tôi mắc lần chuổi niệm Phật... Cách tu nầy thì giờ nào cũng như giờ nào, vọng niệm dấy lên liền buông, cứ bình thường như vậy thôi. Người tu theo thời khóa, thoạt nhìn thấy rất cần mẫn, vì tụng hết bộ kinh nầy tới bộ kinh kia, niệm Phật hết xâu chuổi nầy tới xâu chuổi kia, công phu rất nhiều, còn người đi tới đi lui, niệm khởi liền buông, niệm không còn, thấy như không có tu. Người tu theo thời khóa nương câu kinh câu niệm Phật để dừng niệm, nhưng có khi vừa tụng kinh vừa nghĩ việc nầy việc kia. Như quí vị mỗi tối tụng Bát nhã, từ lúc bắt đầu tụng cho đến xong, có ai không nghĩ việc gì khác không? Tuy miệng tụng nhưng ý vẫn còn chạy chớ chưa dừng. Còn người không tụng kinh mà niệm khởi, thấy liền buông, không lầm một niệm nào. Thấy như đơn giản nhàn nhã nhưng thật khít khao miên mật, công phu rất vi tế, không hở không trống. Thế nào là hở trống? Niệm dấy lên không thấy, không buông, chạy theo niệm, tâm rối loạn, đó là dụng công tu còn hở còn trống. Dụng công miên mật khít khao không kẻ hở là niệm khởi thấy liền, buông ngay, không theo niệm, tâm tỉnh sáng. Miên mật là như vậy đó, chớ không phải mắt chăm chăm, mặt quạo đeo nhìn xuống gọi là miên mật. Người dụng tâm tu miên mật, có thể đi tới đi lui nhìn trời mây, vừa có niệm khởi là thấy liền, buông ngay, tâm lúc nào cũng tỉnh sáng. Như thế nên nói “mệt thì liền ngủ, đói lại ăn cơm”. Mới nghe thấy quá tầm thường, đơn giản, nhưng dụng công rất khít khao miên mật.

 

Mặc kẻ rối rít, mặc người lăng xăng. Mặc người đời lăng xăng rối rít hết việc nầy tới việc kia, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thịnh hoặc suy, tâm Ngài vẫn thanh nhàn an ổn, không dao động.

 

Xưa nay như cũ, làm chủ hoàn cầu. Từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp về trước cho đến ngày nay đều như vậy không đổi thay. Chỉ một tâm thanh tịnh là thể của vạn vật muôn loài, cho nên làm chủ cả hoàn cầu. Đó là cái thấy của vua Trần Anh Tông. Quí vị ở đây nhiều người tu năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, có ai trình được cái thấy của mình như thế nầy không? Một ông vua tu hành thấy lý đạo đến nơi đến chốn như thế thật là hiếm.

 

            Ngài Phổ Tuệ thầm hứa nhận. Vua lại gởi Tôn giả bài thi:

 

            Huyễn khu tuy kiên bất túc ưu

 

            Khách vân tụ tán thủy phù bào

 

            Ức lai Phật pháp nguy như lũ,

 

            Độc đối hàn đăng ám lệ lưu.

 

            Dịch :

 

            Thân huyễn tuy bền (tạm) đáng lo đâu,

 

            Làn mây tan hợp bọt nước xao.

 

            Nhớ kìa Phật pháp như tơ mảnh,

 

            Riêng đối đèn khuya tuôn lệ trào.

 

            Cho thấy lòng hộ pháp của vua chí thiết như thế.

 

Thân huyễn tuy tạm đáng lo đâu, làn mây tan hợp bọt nước xao. Đọc qua bài kệ nầy, chúng ta thấy Trần Anh Tông là một ông vua rất thương và lo cho đạo pháp. Đối với thân, Ngài thấy nó huyễn hóa tạm bợ không đáng lo. Vì thân nầy như làn mây họp rồi tan, như bọt nước trên mặt biển, chỉ cần một lượn sóng dập là tan nát, có đó rồi mất đó, không có gì phải bận tâm lo sợ. Nhưng điều mà Ngài bận tâm là:

 

Nhớ kìa Phật pháp như tơ mảnh, riêng đối đèn khuya tuôn lệ trào. Ngài nhớ đến Phật Pháp thấy Phật Pháp suy yếu giống như sợi tơ mành, không biết đứt lúc nào nên Ngài buồn bả. Phật Pháp đến đời vua Anh Tông bị suy kém, bởi lý do Trần Nhân Tông là một ông vua đi tu, nên tăng sĩ thời bấy giờ được mọi người cung kính tôn trọng. Do đó có nhiều người lợi dụng việc đi tu, để trốn xâu lậu thuế, để mưu cầu cuộc sống ấm no. Số người nầy quá đông, mười người tu hết tám người lôi thôi, nên phát sanh nhiều cái tệ hại, làm cho Phật Pháp suy đồi. Đêm khuya nhớ đến, Ngài nhìn đèn mà lo buồn rơi lệ. Chúng ta là người xuất gia mỗi khi nghe những cái dở trong chùa, có buồn thắm thiết như nhà vua không? Hay nghe qua rồi cười thôi? Ngài vì thương Phật Pháp nên hiện tượng nào làm cho Phật pháp suy đồi là làm cho Ngài đau buồn xót xa. Một ông vua thương và lo cho Phật Pháp đến mức nầy thì rất là hiếm có. Nhìn cả hai mặt thấy đạo và thương đạo của nhà vua, sánh với chúng ta là người xuất gia không bằng. Ngài là một ông vua hộ pháp thật hiếm có.

 

Năm Canh Thân niên hiệu Đại Khánh thứ bảy (1320) vua bệnh, ra chiếu mời Tôn giả Phổ Tuệ đến gặp và hỏi:

 

Bồ Tát làm những hạnh nghiệp gì để vào lại trần lao, độ thoát cho chúng sanh?

 

Đây là câu hỏi của người đã thọ giới Bồ tát: “Bồ tát làm những hạnh nghiệp gì để vào lại trần lao, độ thoát cho chúng sanh?” Ngài không hỏi phải làm hạnh nghiệp gì để giải thoát sanh tử. Đây là câu hỏi của người phi thường.

 

Phổ Tuệ đáp:

 

Người xưa sau khi được chánh kiến rồi, hằng ngày nhồi thành một mảnh, nên hay lấy sanh tử làm nơi du hí, qua lại chẳng ngại, thân tùy theo ý sanh, tùy chỗ tạm gá. Kinh Viên Giác nói: “Bồ Tát trở lại trần lao, chẳng phải do ái làm gốc”.

 

Được chánh kiến là ngộ được lý đạo, tức là thấy đúng như thật. Hằng ngày nhồi thành một mảnh nghĩa là những tâm niệm phân biệt lăng xăng nhồi thành một khối, không còn lăng xăng nữa. Lấy sanh tử làm nơi du hí nghĩa là người tu thiền sau khi giác ngộ rồi, đi vào đời làm việc lợi sanh, phát nguyện ra vào sanh tử. Tuy ra vào trong sanh tử nhưng vẫn tự do tự tại, nên nói lấy sanh tử làm nơi du hí. Chỗ nầy có nhiều người phê bình người tu thiền chết còn luân hồi không giải thoát. Họ dẫn chứng các vị thiền sư Trung Hoa chết rồi còn sanh trở lại v.v... Tu như thế là dở. Chỗ nầy tôi phải giản trạch cho quí vị hiểu Người tu có hai quan niệm: Theo tinh thần nguyên thủy thì lấy giải thoát sanh tử làm mục đích, nên lấy câu “sanh tử sự đại vô thường tấn tốc” để sách tấn tu hành. Lúc nào cũng thấy sanh tử là việc lớn phải giải quyết, vô thường mau chóng lắm phải gấp gấp tu hành, cho mau hết nghiệp dứt phiền não, để được giải thoát sanh tử. Còn Thiền sư hay các vị tu hạnh Bồ-tát thì lấy giác ngộ làm mục đích, giác ngộ rồi ở đâu cũng tốt hết.

 

Bồ tát là giác hữu tình, nghĩa là chúng sanh tự mình giác ngộ, sau đó giúp cho những chúng sanh khác được giác ngộ như mình. Người tu khi đã giác ngộ giải thoát sanh tử mà không độ chúng sanh thì hạnh Bồ tát chưa tròn. Vì vậy Bồ tát lấy giác ngộ làm gốc. Sau khi giác ngộ rồi tiếp tục huân tu, xả ly hết tập khí không còn niệm lăng xăng, tâm thanh tịnh mới phát nguyện đi vào sanh tử để độ sanh, cho nên nói “du hí tam muội”. Tức là chánh định đùa chơi trong sanh tử. Người tu nặng lòng từ bi, lấy giác ngộ làm mục đích thì thích chánh định đùa chơi qua lại trong sanh tử. Người tu lấy giác ngộ giải thoát sanh tử làm mục đích thì thích chánh định dưới cội cây, trên đỉnh núi, ngồi lặng lẽ một mình, không bận tâm với thế sự. Như vậy, quí vị phải biết, chúng ta tu là hướng đến mục đích nào, để không hoang mang nghĩ mình tu trật, mỗi khi bị phê bình tu thiền không giải thoát còn trở lại sanh tử.

 

Bồ tát lấy giác ngộ và đùa chơi trong sanh tử làm mục đích, khi đã giác ngộ rồi, thấy thân nầy cảnh nầy là tạm bợ huyễn hóa. Biết rõ thân và cảnh là huyễn hóa, nên thọ thân huyễn đi trong cảnh huyễn chỉ là chuyện đùa chơi không quan trọng, do đó tâm không dính không kẹt vào đâu cả. Chính lý nghĩa nầy nên Ngài Pháp Loa mới dẫn Kinh Viên Giác: “Bồ tát trở lại trần lao, chẳng phải do ái làm gốc”. Phàm phu bị luân hồi sanh tử là do ái, một là ái thân, hai là ái người, ba là ái cảnh Vì ái thân, ái người, ái cảnh nên trở lại cảnh giới sanh tử để trả vay với nhau. Còn Bồ tát đi vào cảnh giới sanh tử do hạnh nguyện từ bi, để làm cho chúng sanh được giác ngộ, nên ra vào tự do tự tại, không bị nghiệp ái dẫn dắt, không bị cái buồn khổ của thế gian ép ngặt. Hiểu như vậy quí vị mới xác định vị trí và mục đích tu hiện tại của mình. Ở đây nếu ai muốn tu trong đời nầy để giải thoát sanh tử, thì buồn lắm vì sẽ không được mãn nguyện. Bởi đường lối nầy là đường lối đi vào sanh tử đùa chơi, chớ không có giải thoát sanh tử. Tại sao? Vì khi giác ngộ nhận ra thể chân thật của chính mình rồi, thì thấy tất cả cảnh giới trong lục đạo luân hồi là huyễn hóa không thật. Do đó việc qua lại lục đạo chỉ là trò chơi để đánh thức cho chúng sanh được tỉnh giác, đâu có gì đáng sợ mà trốn tránh thoát ra. Học hiểu rồi mới thông cảm câu nói của Thiền sư Từ Minh “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Sanh như mùa đông giá lạnh được đắp chăn ấm áp, tử như mùa hạ nóng bức cởi áo mát mẽ. Như vậy sanh hay tử đều vui, không có gì đáng buồn sợ.

 

Tinh thần tu giác ngộ du hí trong sanh tử của Bồ tát và tinh thần tu thấy sanh tử là việc lớn, vô thường nhanh chóng của Thanh văn, nếu chúng ta không nắm vững thì sẽ hoang mang nghi ngờ. Vì Thanh văn lấy giải thoát sanh tử làm mục đích, nên dứt sanh tử là chỗ tối cần thiết. Bồ tát lấy giác ngộ độ sanh làm trọng tâm, nên sau khi giác ngộ phải khởi lòng từ bi phát nguyện đi vào đời, để độ cho chúng sanh được giác ngộ. Do đó Bồ tát Địa Tạng nguyện bao giờ địa ngục không còn chúng sanh Ngài mới thành Phật. Quí vị dự đoán coi bao giờ địa ngục trống rỗng không có chúng sanh? Và bao giờ Bồ tát Địa Tạng thành Phật? Để thấy tinh thần của Bồ tát là tinh thần giác ngộ. Khi giác ngộ đã là Bồ tát rồi, tuy chưa thành Phật, nhưng cũng đã ở trong dòng họ Phật còn giác tha viên mãn thì đã thành Phật.

 

Người tu theo hạnh nầy là phải giác ngộ. Trước hết phải học, nghiền ngẫm giáo lý, kế đó là phải thiền định, để nhận ra bản thể chân thật, rồi tiếp tục dẹp sạch tập khí tâm như như bất động. Sau đó phát nguyện đi trong sanh tử, để giáo hóa chúng sanh cùng được giác ngộ như mình. Tuy đi trong sanh tử, nhưng “qua lại chẳng ngại, thân tùy theo ý sanh”. Nghĩa là khởi ý nguyện sanh lên cõi trời liền đến cõi trời, khởi ý nguyện sanh vào nhân gian liền đến nhân gian, khởi nguyện đến đâu liền đến đó. Do nguyện lực độ sanh mà có thân để độ sanh chớ không do nghiệp dẫn đi. Nếu nghiệp dẫn, chỗ mình không muốn đến, nghiệp đưa đến thì phải đến để thọ quả báo khổ vui. Còn ý sanh thân thì “tùy chỗ tạm gá”. Tức là vào bụng mẹ sanh ra đời lớn lên làm Phật sự độ chúng sanh. Hiểu chỗ nầy tường tận thì không hoang mang. Ngày xưa tôi mới học thiền đọc mấy quyển sách do các vị tu Tịnh độ viết dẫn chứng vị thiền sư nầy tịch sanh trở lại làm ông nầy, vị thiền sư kia tịch sanh trở lại làm ông kia. Tôi cảm thấy buồn nghĩ tại sao tu cuối cùng rồi sanh trở lại nữa? Bây giờ thấu được lý thiền rồi mới thấy người tu thiền, nhất là Thiền tông thì không có lý do gì đòi giải thoát riêng mình, mà phải làm sao cho tất cả chúng sanh đều được giác ngộ giải thoát, thì mới đúng trọng tâm của người tu thiền. Vì thiền nầy là thiền của Bồ tát. Hiểu rõ rồi quí vị mới biết hiện tại chúng ta phải làm gì và mai kia sẽ đi về đâu?

 

Có người hỏi tôi: “Thưa thầy, thầy tu đời nầy giải thoát chưa?” Tôi chỉ nói rằng: “Tôi tu không có nhắm đến mục đích giải thoát cho mình”. Nghe tôi trả lời như vậy, họ có vẻ buồn và tội nghiệp. Tại sao tôi trả lời như thế? Vì tôi chịu đi du hí trong thế gian. Tôi thường nói với Tăng Ni và Phật tử, cả đời tôi không làm ra tiền mà tôi cất được chùa, nuôi được nhiều Tăng Ni tu học là nhờ Phật tử đóng góp giúp đỡ. Trong số Phật tử đóng góp có những người nghe tôi giảng dạy rồi tu hành theo, nhưng cũng có những người đóng góp không nghe giảng dạy, cũng chưa biết tu. Họ làm phước là kết duyên, tôi nhận của họ cất chùa nuôi Tăng Ni, nếu tôi tịch đi về Tây phương, ra khỏi tam giới thì những người nầy biết bao giờ tôi độ được họ? Như vậy là tôi độ sanh hay giựt nợ? Vô tình tôi đã giựt nợ rồi. Vì tôi nhận của người ta làm Phật sự, làm rồi tôi đi luôn (giải thoát) không bao giờ trở lại thì nợ đó ai trả? Thế nên tôi chấp nhận sống có tình có nghĩa, đời nầy Phật tử kết duyên ủng hộ tôi làm Phật sự. Sau đó tôi đi đâu cũng xem chừng coi Phật tử đi hướng nào, lâu lâu tới đó giáo hóa độ cho họ tu để đền cái nợ trước, chớ đâu có quyền đi luôn không trở lại. Nhận cho người gieo duyên rồi đi luôn, không giáo hóa họ thì vô lý quá, không chấp nhận được.

 

Đoạn nầy nói rõ sở nguyện của những vị tu có tâm hạnh Bồ tát, tôi rất thích. Thế nên hỏi tôi tu tới chết có được giải thoát không thì tôi trả lời không. Vì tôi sẽ trở lại những chỗ có những Phật tử có duyên với tôi nhiều, tôi giáo hóa cho họ tu. Hiện tại những Phật tử ủng hộ tôi làm phật sự, họ đi cũng khá nhiều khoảng một phần ba một phần tư rồi. Khi họ tái sanh chung ở một nơi nào đó, tôi sẽ đến đó để giáo hóa nhắc nhở cho họ tu. Tuy tôi trở lại nhưng không khổ , không buồn. Quí vị thấy hiện tại tôi làm phật sự, có việc vừa ý cũng có việc không vừa ý, mà tôi không thấy buồn không thấy khổ. Sau nầy trở lại giáo hóa, độ những người hữu duyên là vào trong sanh tử cũng vui như bây giờ, thì có gì phải sợ mà cầu giải thoát? Và, những lần sau cũng vẫn còn đi trong sanh tử, để độ cho những người hữu duyên, độ cho họ được tỉnh giác thì mới tròn hạnh nguyện. Việc làm nầy không chỉ một đời mà nhiều đời nhiều kiếp.

 

            Vua hỏi thêm:

 

            - Thế nào là dụng tâm chặt thẳng?

 

            Phổ Tuệ đáp:

 

            - Nhân Tông Điều Ngự có nói: “Buông xuống! Buông xuống! Buông chẳng xuống, liền chính là kẻ ấy”. Lại, người xưa nói: “Một niệm chẳng sanh tức Phật như như”.

 

Đọc qua đoạn nầy chúng ta thấy hơi lạ. Để giải thích cho rõ nghĩa chữ “Buông”, tôi xin dẫn câu chuyện như sau: Thuở Phật còn tại thế, có một ngoại đạo tu chứng được ngũ thông, ông thuyết giảng rất hay, nên thính chúng đến nghe rất đông, cho tới Trời Đế Thích cũng đến nghe. Một hôm ông giảng xong, thính chúng ra về, Trời Đế Thích ngồi lại khóc. Ông thấy lạ mới hỏi:

 

            - Thưa Ngài, tại sao nghe giảng xong Ngài lại khóc?

 

            Trời Đế Thích trả lời:

 

            - Thưa thầy, thầy giảng rất hay, nhưng tôi thấy thầy sắp chết nên thương tiếc.

 

            Vị ngoại đạo giựt mình, nói:

 

            - Vậy làm sao khỏi chết?

 

            - Chỉ có đức Phật mới dạy pháp môn bất tử.

 

            - Ngài ở đâu?

 

            - Ngài đang ở tại tinh xá Trúc Lâm, nếu thầy cần thì đến đó cầu pháp.

 

Vị ngoại đạo đằng vân hướng về tinh xá Trúc Lâm để gặp Phật. Trên đường đi ông nghĩ mình tới cầu pháp với Phật, mà không có cái gì để cúng dường. Ông chợt thấy cây ngô đồng đang trổ bông, nên dùng thần thông nhổ cây ngô đồng đem đến chỗ Phật ngự. Tới nơi ông dâng cây ngô đồng đang nở hoa lên Phật, thưa:

 

            - Thưa Ngài Cồ Đàm, muốn khỏi chết phải làm sao?

 

            Phật dạy:

 

            - Buông!

 

            Ngoại đạo buông một tay, còn một tay vịn cây ngô đồng.

 

            Phật bảo:

 

            - Buông!

 

            Ngoại đạo buông tay thứ hai, cây ngô đồng ngã.

 

            Phật lại bảo:

 

            - Buông!

 

Ngoại đạo đã buông hết hai tay rồi, bây giờ Phật bảo buông nữa, ông không biết buông cái gì, mới thưa:

 

            - Hai tay tôi bưng cây ngô đồng, lần thứ nhứt Ngài bảo buông thì tôi buông tay thứ nhất, lần thứ hai Ngài bảo buông, thì tôi buông tay thứ hai, bây giờ Ngài bảo buông nữa, tôi không biết buông cái gì.

 

            Phật giải thích:

 

            - Lần thứ nhất ta bảo ông buông là buông chấp trần cảnh, lần thứ hai ta bảo ông buông là buông chấp sáu căn, lần thứ ba ta bảo ông buông là buông chấp vọng thức. Nếu ông buông được ba cái đó là ông dứt sanh tử.

 

 Với kinh thì lúc nào cũng giải thích, giải thích cho thấy buông chấp cảnh, buông chấp thân và buông chấp thức là dứt sanh tử, chớ không cho biết có thể chân thật. Với Thiền tông thì chỉ thẳng hơn. Tôn giả Nghiêm Vương đến hỏi Thiền sư Triệu Châu:

 

            - Một vật chẳng đem đến thì thế nào?

 

            Triệu Châu bảo:

 

            - Buông!

 

            - Đã một vật chẳng đem đến thì buông cái gì?

 

            - Buông chẳng được thì gánh lên đi.

 

            Ngay đây Nghiêm Vương bừng ngộ.

 

Nhiêm Vương nói không có một vật đem đến tức là không còn dính mắc cái gì. Thế mà Thiền sư Triệu Châu bảo buông. Nghiêm Vương cãi lại đã không có một vật mà buông cái gì? Thiền sư Triệu Châu bảo buông không được thì gánh lên đi. Ngài nói như vậy là Ngài xác nhận: Không có cái gì để buông thì chính đó là thể chân thật nên ngay đây Nghiêm Vương nhận ra thể chân thật của mình. Cũng vậy, buông chấp cảnh, buông chấp thân, buông chấp thức thì không còn một vật để mang đến. Thế nên không có cái gì để buông thì chính đó là thể chân thật của mình hiện tiền. Chúng ta hiểu chỗ nầy mới hiểu ý của tôn giả Pháp Loa qua lời dạy của Điều Ngự Giác Hoàng: “Buông xuống! Buông xuống! Buông chẳng xuống, liền chính là kẻ ấy”. Như vậy tôn giả Pháp Loa dạy “dụng tâm chặt thẳng” là buông chấp cảnh, buông chấp thân, buông chấp thức và khi không còn cái gì để buông thì “chính là kẻ ấy”, tức là thể chân thật của mình hiển hiện tròn sáng.

 

Ngài còn dạy thêm: Lại, người xưa nói: “Một niệm chẳng sanh tức Phật như như”. Người đời thường hướng ra ngoài để tìm Phật, đâu ngờ lúc mà đi đứng nằm ngồi không có một niệm khởi, lúc đó là lúc Phật như như hiện. Vì vậy mới nói “Đêm đêm ôm Phật ngủ, ngày ngày cùng Phật đi”. Vậy Phật như như ở đâu?            - Ở chỗ tâm không dấy niệm. Tâm không dấy niệm một phút Phật hiện một phút, tâm không dấy niệm năm phút, Phật hiện năm phút, tâm không dấy niệm một giờ Phật hiện một giờ. Phật rất là thân thiết không bao giờ rời mình, thế mà mình vác Phật nơi mình đi cầu đi lạy Phật ở bên ngoài!

 

Nơi mỗi chúng ta ai cũng có sẵn Phật, nên chúng ta tọa thiền là để quay lại sống với ông Phật như như ở nơi mình. Lúc vọng tưởng lặng, tâm tỉnh sáng là lúc Phật như như hiện, không cần kiếm tìm ở đâu cả. Không hiểu chỗ nầy thì sẽ thắc mắc, ngồi thiền để chi mà khổ quá, ngồi tới hai giờ, đau chân gần chết, gục lên gục xuống cũng bắt ngồi hoài. Ngồi là để trở về với ông Phật nơi mình, đau chân cũng rán chịu, vì mình tu là cầu thành Phật, tuy có đau cũng phải nỗ lực vượt qua, mới tu đâu có thong thả nhàn hạ được. Đó là lời của tôn giả Pháp Loa chỉ dạy lúc nhà vua bệnh sắp chết.

 

Ngày hôm sau, vua lại mời Ngài Phổ Tuệ vào nói về đạo lý “Buông xuống”. Phổ Tuệ dẫn chỗ chặt thẳng của người xưa, vua mỉm cười, nói: “Đệ tử đối với lẽ này rất có sở đắc, thật chẳng dối vậy!”

 

            Phổ Tuệ bảo:

 

 Dừng! Dừng! Chẳng cần nói, việc tốt chẳng bằng không.

 

 Vua mỉm cười, trở mình nằm lại, liền thăng hà, hưởng 45 tuổi đời.

 

 “Cái đó” biết tự nhận thì tốt, đừng có nói, dù cho nói được cũng chẳng bằng im lặng. Qua đoạn nầy chúng ta thấy nhà vua sắp mệnh chung mời thầy đến nhờ nhắc nhở cho thấu suốt lý đạo để xác định rõ hướng đi hơn.

 

Ở trước, Trần Thánh Tông sắp mệnh chung. Trần Nhân Tông ngồi một bên nhắc lại những câu kệ của Thiền sư Huyền Giác để cho vua cho định rõ hướng đi. Lần nầy vua Trần Anh Tông sắp mệnh chung, tôn giả Pháp Loa đến nhắc chỗ mà vua thích và tâm hướng đến, để cho vua nhận được chỗ đó là tròn bổn phận của người hướng đạo. Không như chúng ta ngày nay tới thiết lập bàn Phật quì lạy, tụng kinh cho người sắp chết hoặc đã chết nghe. Ngài chỉ đến nhắc nhở đánh thức người bệnh biết được cội gốc của sự tu hành, để nhận được cái chân thật của mình sẵn có là tròn trách nhiệm của vị thầy.

 

Sở dĩ tôn giả Pháp Loa nhắc lại lời dạy, “Buông xuống! Buông xuống!” của Điều Ngự Giác Hoàng là vì vua Anh Tông đau sắp mệnh chung. Người đau sắp mệnh chung thường chấp thân và chấp thức, nên bảo “Buông xuống! Buông xuống!” để cho vua nhớ buông niệm chấp thân và buông niệm chấp thức. Hai kiến chấp nầy buông rồi thì còn “cái buông chẳng xuống” chính là “kẻ ấy”. “Kẻ ấy” là Phật như như sẵn có nơi nhà vua. Nhắc như thế để cho vua lãnh hội đúng chỗ vua hiểu và tu, để khi ra đi tỉnh táo nhẹ nhàng.

 

Vua Trần Anh Tông là một ông vua vừa hiếu thảo vừa mến đạo, lúc bệnh sắp chết hỏi Bồ tát làm những hạnh nghiệp gì, để vào trần lao độ thoát chúng sanh? Nếu chúng ta đau sắp chết chắc hỏi phải làm sao để về Cực lạc, hoặc hỏi làm sao để được giải thoát sanh tử nhập Niết bàn? Ngài không hỏi hai câu nầy mà hỏi Bồ tát làm những hạnh nghiệp gì, để vào trần lao độ thoát chúng sanh? Câu hỏi nầy là câu hỏi của người có tâm hạnh Bồ tát. Đây là ba điểm đáng quí đáng phục của vua Anh Tông. Ngài không nghĩ về Cực lạc cho vui, hay nhập Niết bàn cho thảnh thơi, mà nghĩ đến việc đi vào trần lao, để tế độ chúng sanh cho hết khổ.

 

Qua ba điểm đặc biệt nầy của vua Anh Tông, chúng ta thấy Ngài là người xứng đáng được truyền đăng. Nếu sánh với tu sĩ chúng ta ngày nay, e chúng ta không bằng. Nếu có hiếu thảo thì hiếu thảo chút chút thôi. Nếu có thương đạo cũng thương ít ít thôi, chớ không có đêm khuya ngồi nhìn đèn nhớ đến Phật pháp suy đồi mà khóc. Và, nếu sắp mệnh chung biết mình tu chưa xong thì hỏi thầy phải làm sao để được nhập Niết bàn, hoặc làm sao để được về Cực lạc, chớ không hỏi làm sao trở lại trần lao để độ thoát chúng sanh. Qua ba điểm đặc biệt nầy, chúng ta thấy nhà vua là người có tâm niệm hoàn toàn nghĩ đến chúng sanh, vì Ngài đã được một phần giác ngộ nên làm cho chúng sanh được giác ngộ như Ngài.

 

Sau đây tôi trích bài Đông Sơn Tự trong sử của Ngài giảng cho quí vị nghe để thấy rõ tầm nhìn của Ngài. Trong Thánh Đăng Lục không có bài nầy:

 

            Phong dao giải hổ thu thiền huýnh,

 

            Nguyệt tả quân trì dạ giản hàn.

 

            Hưu hướng Ngũ Đài lao mộng mị,

 

            Khán lai thiên hạ kỷ Đông Sơn.

 

            Dịch:

 

            Gió lay thiền trượng ve im tiếng,

 

            Trăng chảy trong bình, suối lạnh hơn.

 

            Mơ ước Ngũ Đài chi nữa nhỉ,

 

            Trên đời hồ dễ mấy Đông Sơn.

 

            (Minh Chi dịch)

 

 Đây là bài thơ Vua Anh Tông đến chùa Đông Sơn cảm hứng làm ra. Tôi thấy hay giảng cho quí vị học.

 

  Gió lay thiền trượng ve im tiếng, trăng chảy trong bình, suối lạnh hơn. Hai câu nầy là hai câu tả cảnh chùa Đông Sơn. Hai chữ “giải hổ” của câu đầu chữ Hán tại sao dịch là thiền trượng? Chỗ nầy dẫn sự tích của Thiền sư Tăng Trù ở Trung Hoa thấy hai con hổ cắn lộn nhau, Ngài cầm cây thiền trượng để ngang giữa hai đầu hai con hổ nói: “Xin can, đừng có cắn nhau nữa”. Ngài để thiền trượng xuống thì con nầy quay đầu đi bên nầy, con kia quay đầu đi bên kia không cắn nhau nữa, nên gọi là gậy giải hổ.

 

Mơ ước Ngũ Đài chi nữa nhỉ, trên đời hồ dễ mấy Đông Sơn? Hai câu nầy Ngài khuyên người đời chớ có mơ tưởng Ngũ Đài Sơn, vì ở Việt Nam có núi Đông Sơn đẹp lắm. Núi Đông Sơn là một trong bốn ngọn núi đẹp ở Việt Nam là Đông Sơn, Bình Sơn, Yên Tử Sơn và Thiên Kỳ Sơn. Ngài nói Đông Sơn ở Việt Nam rất đẹp, không thua Ngũ Đài Sơn thế mà người đời cứ mơ mộng đi viếng Ngũ Đài Sơn, chớ không nghĩ tới chuyện đi viếng Đông Sơn của nước nhà. Chỗ nầy tôi cũng thường nói, lâu nay người Việt Nam lạy Bồ tát Quán Thế Âm, thì cứ hướng về Phổ Đà Sơn ở Trung Quốc để lạy. Trong khi Hương Tích Sơn ở Việt Nam, có di tích Quán Âm Diệu Thiện mà không lạy, cứ hướng về Phổ Đà Sơn lạy miết. Việc làm nầy của người Việt Nam đã nói lên tâm trạng hướng ngoại quá nhiều, cái gì ở xứ người, thì tốt thì quí, cái gì ở trong nước thì xem thường. Bài thơ nầy vua Anh Tông khuyên người Việt Nam, đừng có mơ ước viếng Ngũ Đài Sơn, mà hãy hướng về Đông Sơn, vì Đông Sơn rất đẹp. Cũng như tôi bảo quí vị hãy hướng về Hương Tích Sơn lễ bái, vì nơi nầy có nhiều di tích, thơ văn đẹp. Hãy biết quí cái đẹp cái quí của nước nhà, chớ có vọng ngoại để tâm chạy theo bên ngoài.

 

[ Quay lại ]