headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHẬT RA ĐỜI

Như Đức  

Khi tôi về đường khuya, hoa sứ trắng rơi đầy trước sân chùa. Khoảng sân tĩnh lặng càng tĩnh lặng hơn với những cánh hoa trắng rải rác, có vẻ như chúng muốn nấn ná thêm một thời gian nữa, có vẻ như chúng muốn thì thầm một đôi điều. Sân chùa nằm bên cạnh đường, từ đó ra chợ tỉnh chừng 3km, giờ này thưa vắng tiếng xe. Có thể nghe tiếng lá cây chạm vào nhau.

Cây bồ-đề lá hình trái tim có đuôi, thỉnh thoảng chúng tôi lựa những chiếc lá vừa đẹp, ngâm nước cho rã hết phần thịt, còn lại một màng gân lá mỏng, đi thỉnh một huynh viết chữ đẹp, viết một chữ Phật () lên đó. Cây sứ trắng nằm gần đường hơn, chìa một phần cành lá ra khỏi tường rào, nhòm ngó phía ngoài đường đi. Cũng giống chúng tôi, lâu lâu muốn ra khỏi khung chùa, nhìn ngó, ngắm nghía sinh hoạt nhân gian. Không để làm gì, chỉ là muốn thay đổi những thời kinh đều đặn, thay đổi một chút những bài học giáo khoa. Xin được phép đi ra ngoài, hoặc đi chợ, hoặc về thăm nhà, nếu được Ni sư Tri chúng gật đầu, đương sự trở về liêu mặt mày hớn hở, nếu không được phép thì hơi buồn, đi thơ thẩn quanh sân nhìn lá, nhìn cây đỡ sầu. Minh Bảo Lộc, chúng tôi gọi như vậy để phân biệt với Minh Hà Tiên, cảm tác làm bài thơ.

                    Điệu cười chóp tóc ngây thơ

                    Điệu buồn giấu áo trốn thầy đi chơi

                    Phố phường xe pháo giục mời

                    Thôi thì ta đổi một thời kinh khuya

                    Sáng mai nhác thấy cổng chùa

                    Run tay điệu mở cho mùa xuân qua.

Giáp ranh với cây sứ, còn có một cây me cổ thụ, thuộc về nhà bên cạnh. Lá me không phân biệt đâu là sân chùa, đâu là sân nhà, rụng đầy ào ạt trên mái ngói, trên đầu tường, trên sân hoa sứ. Gặp mùa gió, mới quét sạch buổi sáng, buổi chiều đã thấy lụn vụn li ti những chấm lá vàng. Chúng tôi cũng không phiền hà. Cây me này trái rất ngon, lấy cây sào bẻ một cái móc gắn vào đầu cây, thọc trái chín vừa, chín ươm ươm đầy một vạt áo, về liêu chia nhau, một thời Sa-di vừa chua vừa ngọt.

Sát bên tường rào chùa, dưới tàng cây me có cái chòi của bà Tố. Cái chòi chắp vá bằng những miếng tôn cũ, cột lỏng lẻo lung lay như răng bà già. Gá hờ vào cuộc đời, gá hờ một bên chùa. Bà có con cháu gì không? Lấy gì để sống? Những câu hỏi này đối với chúng tôi cũng “Thị vi thậm nan” (rất là khó), cũng rất “Hy hữu chi sự” (việc ít có xảy ra trên đời). Chúng tôi thấy bà lom khom lượm bông sứ, bỏ vào giỏ đệm – một cách trân trọng – đem đi cho phòng thuốc Nam phước thiện ở trên ngã tư. Ngày Rằm lớn, chúng tôi đem cho bà một tô canh kiểm. Bà chỉ thích món này, ngoài ra bà ăn chay không được. Vách tường chùa có chừa một chỗ trống, đủ để một cái tô vững vàng. Chúng tôi chỉ đến đó gọi “Bà Tố ơi!”, phía bên kia bà lục đục đứng lên để nhận. Hôm nào siêng năng thư thả, hai ba huynh đệ xin phép Ni sư đi qua bà Tố, điều này thì được, cũng chỉ bước qua mấy bước. Thấy bà ngồi ăn một miếng cơm, con mèo cũng một dĩa cơm kế bên, có chút xíu cá kho, hai phần ăn bằng nhau. Thăm bà một chút, không có một chỗ ngồi, đứng xấn rấn đâu đó, hoặc cho bà chai dầu Nhị Thiên Đường, hoặc bà lượm mấy trái me để dành cho chúng tôi. Mùa me gần Tết, mùa gió thổi đập những cọng cây yếu ớt, mùa mấy tấm tôn kêu rên lật bật, bà càng có vẻ già nua yếu ớt hơn.

Phật đản, Rằm lớn, ngày khai hạ an cư, chúng tôi trang trí sân chùa, treo đèn kết hoa, mở nhạc rộn ràng. Phật tử đến lễ Phật, ba má người thân đến thăm, đem quà bánh cho mấy ni cô nhỏ để dành ăn mà học bài, quý Sư bà quý Ni sư họp chúng để chỉ dạy trước an cư. Chúng tôi không được ra khỏi cổng, nhưng có thể đến bên tường chùa, nhìn qua chỗ trống để thăm bà Tố. Bên cạnh những trang kinh thong dong, còn có một nỗi niềm thương cảm. Bà ít khi nói chuyện về cuộc đời mình, hoặc mọi người trong xóm đều có biết đều không biết, với mấy ni cô nhỏ chỉ biết học và tụng kinh, viết chữ Nho đầy cả trang vở, thì những câu chuyện đời cũng như lá me bay. Đức Phật thị hiện ra đời, trên một xứ sở có rất nhiều bà Tố, ông Tố... Đức Phật ra đời vì thương nhân loại. Khi chứng kiến một cảnh già, một cảnh bệnh, cảnh chết, Ngài thao thức tìm phương cứu độ. Chúng tôi không cần phải có vua cha cho phép, không cần người đánh xe chở đi dạo đường phố, một khung cảnh già nua cô đơn đã ở ngay bên cạnh. Và lòng tự nhủ, Phật ra đời có một chút xíu nào ảnh hưởng? Có chút xíu nào rung động đối với những cảnh đời khổ nạn đó không? Bà Tố ở bên cạnh chùa nghe chuông, nghe tụng kinh, nghe những mùa lá đi qua trên mái tôn, bà có thao thức nào cho con đường của mình? Lúc còn Sa-di tôi suy nghĩ điều này. Đến nay lớn rồi, già cũng cỡ bà Tố ngày trước, vẫn cảm thấy mình chưa trả lời xong, chưa làm gì được cho những việc như thế.                                                                    

[ Quay lại ]