headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 18/04/2024 - Ngày 10 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH DUY MA CẬT: IV- PHẨM BỒ-TÁT- ĐỒNG TỬ QUANG NGHIÊM

chuphat

HT Thích Thanh Từ - giảng

Chánh văn:

Phật bảo Đồng tử Quang Nghiêm:
- Ông hãy đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Quang Nghiêm liền bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Nhớ thuở xưa, khi con ra khỏi đại thành Tỳ-da-ly, lúc đó ông Duy-ma-cật mới vào thành. Con liền chào và hỏi: “Cư sĩ từ đâu đến đây?” Ông trả lời: “Tôi từ đạo tràng đến.” Con hỏi: “Đạo tràng là chỗ nào?” Ông đáp: “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả. Phát hạnh là đạo tràng, vì hay biện sự.

 Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng ích các công đức. Bồ-đề tâm là đạo tràng, vì không lầm lẫn. Bố thí là đạo tràng, vì không mong quả báo. Trì giới là đạo tràng, vì nguyện được đầy đủ. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì đối với chúng sanh không tâm chướng ngại. Tinh tấn là đạo tràng vì không biếng nhác lui sụt. Thiền định là đạo tràng, vì tâm điều nhu. Trí tuệ là đạo tràng, vì hiện thấy các pháp. Từ là đạo tràng, vì bình đẳng đối với chúng sanh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn chịu những sự đau khổ. Hỷ là đạo tràng, vì ưa thích pháp. Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu ghét. Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu lục thông. Giải thoát là đạo tràng, vì hay bội xả. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sanh. Tứ nhiếp pháp là đạo tràng, vì nhiếp phục chúng sanh. Đa văn là đạo tràng, vì như nghe mà thực hành. Phục tâm là đạo tràng, vì chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng, vì bỏ các pháp hữu vi. Tứ đế là đạo tràng, vì không dối thế gian. Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão tử đều không cùng tột. Các phiền não là đạo tràng, vì biết như thật. Chúng sanh là đạo tràng, vì biết vô ngã. Tất cả pháp là đạo tràng, vì biết các pháp không. Hàng ma là đạo tràng, vì không bị khuynh động. Ba cõi là đạo tràng, vì không chỗ đến. Sư tử rống là đạo tràng, vì không chỗ sợ. Ngũ lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp là đạo tràng, vì không có các lỗi lầm. Tam minh là đạo tràng, vì không chướng ngại khác. Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu Nhất thiết trí.

Như thế, này thiện nam tử! Bồ-tát nếu dùng các ba-la-mật mà giáo hóa chúng sanh, những hành động tạo tác, giở chân hạ chân, phải biết đều là từ đạo tràng đến, trụ nơi Phật pháp vậy.”

Khi ông nói pháp này, năm trăm vị trời người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

 Giảng:

Đối với Phật, công hạnh những vị Bồ-tát chưa viên mãn nên gọi là đồng tử.

Phật bảo đồng tử Quang Nghiêm đến thăm bệnh cư sĩ Duy-ma-cật, đồng tử Quang Nghiêm xin khước từ, vì có lần đã gặp cư sĩ Duy-ma-cật trên đường vào thành Tỳ-da-ly. Đồng tử chào và hỏi cư sĩ từ đâu đến  thành này? Cư sĩ Duy-ma-cật trả lời: Tôi từ đạo tràng đến đã làm cho Đồng tử vô cùng ngạc nhiên. Đạo tràng là nơi quy tụ nghe pháp và tu tập. Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật từ ngoài thành Tỳ-da-ly đi vào gặp đồng tử Quang Nghiêm, vậy mà nói từ đạo tràng đến. Đồng tử mới hỏi Đạo tràng là chỗ nào? Ông đáp:

Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả. Phát hạnh là đạo tràng, vì hay biện sự. Thâm tâm là đạo tràng, vì tăng ích các công đức. Bồ-đề tâm là đạo tràng, vì không lầm lẫn. Bố thí là đạo tràng, vì không mong quả báo. Trì giới là đạo tràng, vì nguyện được đầy đủ. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì đối với chúng sanh không tâm chướng ngại. Tinh tấn là đạo tràng, vì không biếng nhác lui sụt. Thiền định là đạo tràng, vì tâm điều nhu. Trí tuệ là đạo tràng, vì hiện thấy các pháp. Từ là đạo tràng, vì bình đẳng đối với chúng sanh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn chịu những sự đau khổ. Hỷ là đạo tràng, vì ưa thích pháp. Xả là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu ghét. Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu lục thông. Giải thoát là đạo tràng, vì hay bội xả. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa chúng sanh. Tứ nhiếp pháp là đạo tràng, vì nhiếp phục chúng sanh. Đa văn là đạo tràng, vì như nghe mà thực hành. Phục tâm là đạo tràng, vì chánh quán các pháp. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là đạo tràng, vì bỏ các pháp hữu vi. Tứ đế là đạo tràng, vì không dối thế gian. Duyên khởi là đạo tràng, vì vô minh cho đến lão tử đều không cùng tột.

Theo cư sĩ Duy-ma-cật, đạo tràng là không hình tướng, không nơi chốn. Khi đi đứng nằm ngồi, bất cứ nơi nào, dù ở giữa chợ ồn náo..., tâm vẫn như như bất động, thanh tịnh bình trực, ngay đó là đạo tràng chứ không cần tìm kiếm ở đâu xa.

Duyên khởi là đạo tràng vì vô minh cho đến lão tử đều không cùng tận. Trong mười hai nhân duyên, khởi đầu là vô minh đến cuối cùng là lão tử. Tại sao nói duyên khởi là đạo tràng? Vì đối với mười hai nhân duyên, người mê bị dẫn đi trong luân hồi sanh tử. Người tỉnh biết mười hai nhân duyên là do duyên hợp không thật có, không tự tánh, nên không bị chi phối trong sanh tử. Vì vậy nói duyên khởi là đạo tràng.

Các phiền não là đạo tràng, vì biết như thật. Vì sao nói phiền não là đạo tràng? Vì khi phiền não dấy lên liền biết phiền não không thật, không tự tánh, thì ngay đó là đạo tràng. Thường chúng ta muốn tìm cầu chân chánh ở ngoài tà ngụy. Nhưng khi nhận biết được tà ngụy thì đó là chân chánh rồi. Điều này nghe như khó hiểu mà là một lẽ thật.

 Chúng sanh là đạo tràng, vì biết vô ngã. Chúng ta ai cũng có thân, nếu chấp thân này là thật, đó là chúng sanh mê muội. Nếu biết thân do duyên hợp hư dối, là vô ngã không có chủ thì hết mê lầm. Ngay nơi thân chúng sanh mà thấy vô ngã, chứ không có vô ngã ngoài chúng sanh. Hiểu như vậy rồi không còn chấp thân nữa vì nó là vô ngã, đó là đạo tràng.

 Tất cả pháp là đạo tràng, vì biết các pháp không. Không tức là không tự tánh. Hàng ma là đạo tràng, vì không bị khuynh động. Ba cõi là đạo tràng, vì không chỗ đến. Hàng ma là khi đối với trần cảnh ngũ dục, niệm khởi liền biết không theo, trở về với tâm thanh tịnh bất động như như, đó là biết hàng ma. Trong ba cõi này mà không tạo nghiệp để dẫn sanh trong tam giới thì ba cõi là đạo tràng.

Sư tử rống là đạo tràng, vì không chỗ sợ. Ngũ lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp là đạo tràng, vì không có các lỗi lầm. Tam minh là đạo tràng, vì không chướng ngại khác. Một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu Nhất thiết trí.

 Phật thuyết pháp như sử tử rống, vì những gì ngài nói ra là từ trí tuệ thấy biết như thật, nên ngài không sợ; giả sử có ai cần hỏi ngài sẵn sàng giải đáp tường tận, thông suốt.

 Tam minh là đạo tràng vì không chướng ngại khác. Chúng ta phải lập đạo tràng như cư sĩ Duy-ma-cật để mọi hành động của mình đều từ trong đạo tràng mà đến, dù ở đâu cũng là ở trong Phật pháp. Được như vậy chúng ta sẽ không bị chướng ngại.

Nhất thiết trí là trí tuệ hiểu biết tất cả các pháp đúng như thật. Trí này duy chỉ đức Phật, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mới có. Cho nên nói, một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu Nhất thiết trí.

Như thế, này thiện nam tử! Bồ-tát nếu dùng các ba-la-mật mà giáo hóa chúng sanh, những hành động tạo tác, giở chân hạ chân, phải biết đều là từ đạo tràng đến,
trụ nơi Phật pháp vậy.
Ở đây cư sĩ Duy-ma-cật kết luận, Bồ-tát nên dùng pháp ba-la-mật để giáo hóa chúng sanh. Mọi hành động tạo tác từ giở chân lên để chân xuống, bước tới bước lui... đều ở trong đạo tràng, đều an trụ trong Phật pháp.

Khi ông nói pháp này, năm trăm vị trời người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.

Chỗ này làm cho chúng ta sáng thêm về ý nghĩa đạo tràng. Đạo tràng là nơi tụ hội để học đạo, để tu. Thí dụ, người từ thành phố đi tới trước cửa thiền viện Thường Chiếu, thấy người ở trong cổng Thường Chiếu đi ra, hỏi huynh ở đâu đến? Người kia trả lời, tôi ở trong đạo tràng Thường Chiếu mới ra, tức là vừa rời khỏi chỗ tu tập. Còn ở đây một ông từ trong thành đi ra, một ông ngoài thành đi vào, không có chùa chiền, không có tịnh xá, hỏi ông từ đâu vào, lại nói từ đạo tràng vào. Như vậy quan niệm về đạo tràng của cư sĩ Duy-ma-cật khác với chúng ta. Chúng ta thấy đạo tràng trên hình tướng, nếu trong tâm ta nghĩ điều tốt điều hay, biết ứng dụng pháp tu để được tỉnh giác thì đó mới là đạo tràng. Dù đi đâu, dù ở chỗ nào mà sống được như thế thì nơi nơi đều là đạo tràng. Nếu ngồi thiền ở trên chùa nhưng trong tâm nghĩ tưởng những điều xấu thì tuy đang ở đạo tràng vẫn không phải là đạo tràng. Như vậy thì đạo tràng của chúng ta chỉ là đạo tràng hình thức, chưa đi sâu trong tâm tánh.

Cư sĩ Duy-ma-cật nói đạo tràng là đi thẳng vào tâm tánh. Cho nên ông nói trực tâm là đạo tràng, phát hạnh là đạo tràng. Trực tâm là tâm ngay thẳng. Phát hạnh là khởi tâm làm những điều thiện. Thâm tâm là đạo tràng. Bồ-đề tâm là đạo tràng. Bố thí là đạo tràng. Trì giới là đạo tràng. Cho tới lục độ, hàng ma, giảng pháp, giảng kinh... lúc nào cũng là đạo tràng.

Nói tóm lại, đạo tràng của cư sĩ Duy-ma-cật là đạo tràng của tự tâm, của hành động chân thật, từ tâm chân thật phát ra. Như vậy nghĩa của đạo tràng rất sâu rộng. Khi tâm chúng ta thanh tịnh, sống hợp với đạo lý, dù ở nơi đâu cũng đều là đạo tràng. Ở đâu mà chúng ta làm lợi ích chúng sanh, đem lợi ích đến cho mọi người mà không ngã không nhân thì nơi đó cũng là đạo tràng.

Hiểu được nghĩa đạo tràng này chúng ta mới thấy, người tu dù ở bất cứ nơi nào, trong chùa, tịnh xá để an lành tu, hoặc phải đi giáo hóa, vào chợ búa, xóm làng mà vẫn giữ tâm thanh tịnh, ý nghĩ việc làm trong sạch, thảy đều là đạo tràng. Đừng chấp phải ở chỗ vắng vẻ mới là đạo tràng, ra chợ búa vào xóm làng không phải đạo tràng. Chấp như vậy là bệnh. Chủ yếu nhắm thẳng vào tâm, nên mọi hành động của Bồ-tát có khi dường như không hợp đạo lý, mà vẫn là đạo lý, vì tâm các ngài không còn dính mắc, luôn vị tha.

[ Quay lại ]