headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHINH PHỤC ĐỈNH NGỌA VÂN AM

 Chánh Nguyện – Thiện Hạnh 

Huynh đệ chúng tôi xem đĩa hình Hòa Thượng Tôn Sư, cùng quý Thầy, quý cô và Phật tử lên ngọn núi Ngọa Vân Am vào ngày 12- 12- 2001 nhằm ngày 28 tháng 10 năm Tân Tỵ để thăm lại chốn Tổ, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà tu và tịch. Đường lên núi cao vời vợi, rừng cây và rừng trúc bao la bạt ngàn, đường mòn lên núi nhiều chỗ dốc đứng, không có bậc thềm, qua bao con suối quanh co, trơn trợt, thấm đỗ mồ hôi mới lên được tận đỉnh núi.

Chúng tôi tán thán và tâm nguyện hội đủ duyên lành sẽ chinh phục ngọn núi này để thăm lại di tích Tổ còn lưu lại dấu ấn: Chùa, Am thất và Tháp Tổ.

Cơ duyên đã đến, trong chuyến hành hương dài ngày về đất Tổ, dự Giỗ Tổ tại Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Ngày 22- 11-2003 nhằm ngày 29-10 (Quý Mùi). Huynh đệ chúng tôi được theo chân quý Thầy - Trưởng đoàn là Thầy Thích Thông Phương, trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử và Thầy Thích Trúc Thông Phổ, trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Tuệ Quang. Bốn giờ sáng chúng tôi thức dậy, sau một đêm thao thức, nôn nao mong đợi 4 giờ 30 chúng tôi ăn sáng, đem theo cơm vắt, bánh chưng và nước uống, hành trang gọn nhẹ cho vào ba lô quảy trên vai hầu đủ sức chinh phục ngọn núi cao trên một ngàn mét.

Đúng 5 giờ 10 xe bắt đầu chuyển bánh rời Chùa Lân (Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử) hướng về núi Ngọa Vân Am, đỉnh Đông Cứu, xe chạy gần một tiếng đồng hồ thì đến chân núi, đậu ngay đập bờ hồ.

Bắt đầu hành trình lên đỉnh núi, quý Thầy dẫn đường, tùy tùng có khoảng 20 Thầy, Phật tử nam khoảng 15 người gồm có Bác Lâm, Thiện Quang, Thiện Hạnh, Minh Chiếu, Tấn Thắng, Minh Ân, Kiên Nguyện, Nhật Minh, Chánh Trực.v. v. Nữ chỉ có 3 người Chơn Hiền Lương, Chơn Hiền Tịnh… quyết tâm lên đỉnh núi, số còn lại ngại núi cao, đường dốc khó đi, nên ngồi lại trên xe.

Quý Thầy rất khỏe thoăn thoắt bước đi nhanh nhẹn, lúc ẩn lúc hiện trong ánh sương mai, không dừng nghỉ dọc đường, chúng tôi phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp. Dọc đường lội qua không biết bao nhiêu con suối vắt ngang, tiếng suối chảy róc rách hòa với tiếng chim kêu, tạo thành khúc nhạc huyền bí giữa rừng núi thâm u…

Trên đường, mỗi người tự tìm một cây gậy, xin từ những bó củi do người dân bó lại dựng trước nhà bên đường đi. Đường lên núi dốc thẳng đứng, cây rừng rậm rạp, các bậc thềm đá bị hư hết do thợ rừng chùi gỗ xuống dốc 450 nên đường mòn rã thành đất bột vàng như nghệ. Chúng tôi phải bám vào những cây rừng hoặc dây leo để đu lên; đoạn nào đồi trọc thẳng đứng phải bò lên vì sợ trượt ngã. Đi một đoạn phải dừng nghỉ uống vài ngụm nước, mồ hôi ra đẫm ướt. Thỉnh thoảng trên đường, chúng tôi gặp một toán thợ rừng đi tìm gỗ quý hoặc chùi những đoạn gỗ đã hạ xong gọt đẽo gọn gàng. Cạnh đường mòn là những vực sâu, hố thẳm, nếu chẳng may trượt chân rớt xuống thì khó bề mà toàn thân.

Gần đến Ngọa Vân Am, nhìn bên trái gặp khu tháp cổ xưa của các vị thầy. Từ xa chúng tôi nhìn lên đỉnh, ngôi chùa dáng hơi thấp lúc ẩn lúc hiện theo từng bước chân, phải vào thêm 12 bậc thềm đá mới tới nơi, phía dưới trước Chánh Điện có hai ngôi Tháp, một của Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà và một của vị Thầy. Phía sau bên trái Chánh Điện là Am Thất của Tổ. Lúc bấy giờ là 9 giờ 20. Đi suốt cuộc hành trình phải mất 3 giờ mới lên đến tận Đỉnh Ngọa Vân Am.

Đường lên đỉnh núi vất vả, mệt lả, mồ hôi nhễ nhại nên không cảm thấy lạnh. Sau khi ổn định nghỉ ngơi, một cơn lạnh buốt bỗng ập tới, nhiều huynh đệ không mang theo áo lạnh phát run với độ lạnh 9- 10 0 C, có chị Phật tử phải mượn mền của Quý Thầy trùm cho đỡ lạnh.

Nghỉ ngơi 20 phút, bắt đầu hành lễ, tụng một thời kinh sám hối sáu căn, thanh âm vang dội nơi chốn u tịch… Quan sát kỹ ngọn Ngọa Vân Am hiện còn ghi lại dấu ấn thời Điệu Ngự Giác Hoàng, ngôi chùa xưa còn dấu tích, Tháp đã rêu phong, mài mòn theo bụi thời gian.

Xuống phía dưới, đảnh lễ Tháp của Tổ, Thầy Thông Phương nhắc đến Vua Trần Nhân Tông, sau hai lần chiến thắng quân Nguyên, mang vinh quang về cho Tổ Quốc. Sau đó Ngài đã xả bỏ tất cả, xuất gia cầu Đạo giải thoát, sống đời sống khổ hạnh, đại đầu đà, đem ánh sáng chân thật soi rọi cho muôn người, Ngài đã làm chủ được sanh tử, ra đi vô cùng tự tại, điều này đã hiện rõ lúc Ngài sắp rời bỏ thân xác này.

- Vào ngày mùng 1 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) nửa đêm sao trời sáng tỏ, Ngài Điều Ngự hỏi Bảo Sái: “Hiện giờ là giờ gì?”

- Bảo Sái thưa: “Giờ Tý”

- Điền Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra nói: “Chính là giờ ta đi”.

- Bảo Sái hỏi: “Tôn Đức đi đâu?”

- Điều Ngự đáp: “Tất cả pháp chẳng sanh,
                          Tất cả pháp chẳng diệt.
                          Nếu hay hiểu như thế,
                          Chư Phật thường hiện tiền
                          Nào có gì đến đi?”.

- Bảo Sái thưa: “chỉ như khi chẳng sanh chẳng diệt thì thế nào?”

- Điều Ngự liền vả ngay miệng Bảo Sái bảo: “Chớ nói mớ.”

- Nói xong Ngài nằm theo thế Sư Tử lặng lẽ mà tịch.

Ngài đã ra đi một cách tự tại. Trước khi tịch Ngài còn dặn Bảo Sái: “Làm lễ hỏa táng ngay Am Ngài ở, đừng cho triều đình hay biết, tổ chức tang lễ linh đình hoang phí, tốn kém”. Thật là một vị Tổ siêu xuất, Ngài hưởng thọ 51 tuổi.

Với ý chí cương quyết, nỗ lực tiến tu, chỉ trong vòng 10 năm, Ngài đã đạt đến giác ngộ giải thoát.

Ngài là con người thấy được Đạo lý và sống được với Đạo lý qua bài kệ kết thúc bài phú “Cư Trần Lạc Đạo” của Ngài như ta đã học.

                    Cư trần lạc Đạo thả tùy duyên,
                    Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên,
                    Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
                    Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

        Dịch:
                    Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
                    Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
                    Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
                    Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Lễ Phật, lễ Tổ xong chúng tôi ăn cơm vắt, ăn bánh chưng mang theo, nghỉ ngơi chuẩn bị xuống núi.

Đúng 11 giờ, đoàn Phật tử chúng tôi vì đi chậm nên giã từ Ngọa Vân Am, xuống núi trước các Thầy 15 phút, xuống núi khỏe hơn nhưng đường dốc đứng lại càng khó khăn hơn vì dễ bị trợt ngã. Thầy Thông Phổ nói vui: “Phải chi mình có mo cau bó mông, tuột xuống dốc như cầu tuột rất khỏe mà khỏi sợ té”. Một chị Phật tử sợ té nên cứ tuột xuống bằng hai mông (vì quần chị dày) ai thấy cũng không nín được cười.

Quý Thầy và Phật tử chúng tôi bị trợt té liên miên, quần áo mình mẩy lấm lem, nhưng tất cả đều an toàn.

Xuống núi khỏe hơn lúc lên núi, nhưng vẫn thấy mệt vì dốc đứng phải cố kềm lại sợ trượt ngã. Đi ngang qua những con suối trong vắt, muốn dừng nghỉ, đắm mình dưới dòng nước trong vắt để hồi phục sức khỏe. Dù chỉ còn một đoạn ngắn là xuống tới chân núi mà hai chân đứng không nổi, rã rời, đuối sức muốn ngã quỵ.

Thật là một chuyến đi kỳ thú, Phật tử chúng ta ít có người đủ duyên lên tận chốn Tổ chiêm ngưỡng những di tích cổ xưa còn lưu dấu thời Điều Ngự.

Kết thúc chuyến đi được viên mãn, mỗi người chúng tôi đều hân hoan tự hào đã được chiêm ngưỡng nơi chốn Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà tu và tịch trên Ngọa Vân Am, đỉnh Đông Cứu.

[ Quay lại ]